Chiều 27/12, phiên tòa xét xử vụ "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan đến vụ Việt Á tiếp tục với phần thẩm vấn.
Theo cáo buộc, thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Ban Giám đốc Học viện Quân y (HVQY) có công văn gửi Bộ KH&CN về việc đề xuất nhiệm vụ phát triển kit chẩn đoán viêm phổi do vi rút Corona.
Từ tháng 1/2020, ông Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành Kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH&CN) đã thông đồng với Chủ tịch Công ty Việt Á Phan Quốc Việt và ông Hồ Anh Sơn (cựu Thượng tá Quân đội, cựu PGĐ Viện nghiên cứu y dược học quân sự, HVQY) để đưa Công ty Việt Á vào tham gia đề tài với vai trò là cơ quan phối hợp, sản xuất 20.000 test kit thử nghiệm, sau đó để Công ty Việt Á được cấp phép và sản xuất thương mại trái pháp luật bộ kit.
"Bộ 3" Trịnh Thanh Hùng, Phan Quốc Việt, Hồ Anh Sơn đã thông đồng nhau đưa bộ kit do Công ty Việt Á cung cấp (không được sản xuất theo quy trình nghiên cứu của HVQY) để đi thử nghiệm tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và sử dụng sản phẩm này để nghiệm thu giai đoạn 1 của đề tài và nghiệm thu đề tài.
Bị cáo Phan Quốc Việt. Ảnh: CTV |
Hội đồng nghiệm thu giai đoạn 1 không biết chuyện gian dối trong việc sử dụng bộ kit Công ty Việt Á cung cấp và quy trình nghiên cứu của HVQY không liên quan đến bộ kit Công ty Việt Á dùng để nghiệm thu thông qua đề tài. Việc này dẫn đến quy trình nghiên cứu của HVQY không có sản phẩm được thử nghiệm, đánh giá và hậu quả là Đề tài của HVQY không hoàn thành. Hành vi gian của các bị cáo đã gây thiệt hại hơn 18 tỷ đồng.
Lời khai đưa tiền
Trả lời thẩm vấn tại tòa, bị cáo Việt, Sơn đều thừa nhận sai phạm. Ông Hồ Anh Sơn khai, ban đầu bị cáo gọi cho ông Trịnh Thanh Hùng để đề xuất về việc sản xuất kit xét nghiệm. Khi đề xuất đề tài, nhóm Học viện Quân y không thể tự tìm ra doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
Khi đó, ông Trịnh Thanh Hùng gợi ý Công ty Việt Á là doanh nghiệp có chứng chỉ ISO 13485, có đủ điều kiện để hợp tác và gợi ý việc bắt tay với Việt Á.
Ông Hồ Anh Sơn tại tòa. Ảnh: CTV. |
Trả lời câu hỏi về việc, 3 ông Hồ Anh Sơn, Phan Quốc Việt, Trịnh Thanh Hùng, có bao giờ gặp riêng để trao đổi không?, ông Hồ Anh Sơn khai: “Bị cáo nhớ có 1 lần 3 người gặp nhau tại quán cà phê. Khi bị cáo được gọi ra quán thì đã có anh Hùng và Việt ngồi đó rồi. 3 anh em tập trung bàn để làm sao có được kit nhanh nhất, không bàn bạc gì về lợi ích cá nhân”.
Vẫn theo lời khai của ông Hồ Anh Sơn, trong danh sách nhóm thực hiện đề tài có 4 thành viên nghiên cứu chủ chốt là người của Công ty Việt Á, có 8 người là công nhân của Công ty Việt Á.
Về phần mình, bị cáo Phan Quốc Việt thừa nhận bản thân đã không thực hiện đúng nội dung mà Bộ KH-CN giao cho Học viện Quân y và mong HĐXX xem xét bối cảnh lúc đó khi bị cáo không còn cách nào khác.
Trước câu hỏi, bị cáo tham gia đề tài có trao đổi, hứa hẹn gì với ông Hùng về lợi ích không, bị cáo Phan Quốc Việt khẳng định: “Không hề có chuyện này và cả 2 chỉ nghĩ sản xuất 20.000 test là sẽ dừng vì nghĩ dịch sẽ không quá kéo dài”.
Cáo buộc cho rằng, ông Phan Quốc Việt đã đưa cho ông Trịnh Thanh Hùng 350.000 USD (khoảng 8 tỷ đồng) vào dịp 2/9 và Tết âm lịch 2020. Trả lời thẩm vấn trước tòa về chuyện này, Chủ tịch Việt Á cho rằng đây hoàn toàn là vì tình cảm riêng của bị cáo với ông Trịnh Thanh Hùng, không hề có hứa hẹn gì. “Bị cáo Hùng chỉ liên quan đến đề tài, mà đề tài Việt Á chỉ nhận được 10 tỷ nên không thể chi con số lớn như vậy cho bị cáo Hùng”, lời khai bị cáo Phan Quốc Việt.
Khai báo tại tòa, bị cáo Trịnh Thanh Hùng cho biết, nội dung trao đổi giữa bị cáo và ông Phan Quốc Việt chỉ là động viên và thuyết phục Chủ tịch Việt Á tham gia đề tài trong thời gian nhanh nhất với mục đích phòng chống dịch.
Ông Trịnh Thanh Hùng. Ảnh: CTV. |
Trước khi bị cáo gọi cho ông Việt, bị cáo đã thống nhất trước với ông Sơn. Khi trao đổi với ông Việt, bị cáo không hề có gợi ý gì. Và cả 3 bị cáo 3 ông Hồ Anh Sơn, Phan Quốc Việt, Trịnh Thanh Hùng cũng hoàn toàn không gặp nhau trao đổi gì.
Là bị hại trong vụ án, đại diện Học viện Quân y xin HĐXX căn cứ vào thành tích của 4 bị cáo từng là cán bộ của Học viện để giảm nhẹ hình phạt cho họ. Người đại diện của Học viện Quân y cho rằng, nhiệm vụ phòng chống dịch cần thực hiện gấp nên phía Học viện không được tập huấn nghiệp vụ về việc này, quá trình triển khai cũng gấp gáp nên đã để xảy ra sai phạm.