Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chủ tịch xã đi 50 kkm vào bản vận động học sinh trở lại lớp

Sau dịp nghỉ hè, lễ tết dài ngày, ông Ngân Văn Lon, Chủ tịch UBND xã Trung Lý (huyện Mường Lát, Thanh Hóa) phải đến từng nhà học sinh nghỉ học để vận động các em trở lại trường.

Ông Ngân Văn Lon (người áo trắng) động viên học sinh ở bản Tà Cóm đến trường. Ảnh: CTV.

Trung Lý là một xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện Mường Lát (Thanh Hóa), có 7,8 km đường biên giới giáp với Lào, diện tích tự nhiên chủ yếu là đồi núi, địa hình chia cắt, điều kiện canh tác còn khó khăn.

Hiện, địa bàn xã Trung Lý có 15 bản, hệ thống hạ tầng giao thông đi lại còn khó khăn, cách trở. Để đến được các bản phải qua sông Mã bằng đò từ phía xã Mường Lý.

Bản xa nhất cách trung tâm xã khoảng 50km, như Tà Cóm, Cánh Cộng, bản gần nhất cách 7 km. Người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, Mông, Kinh, trong đó dân tộc Mông chiếm gần 70%, đời sống khó khăn khiến việc đến trường của các em cũng bị gián đoạn.

huy dong tre di hoc anh 1

Đường lên bản Tà Cóm. Ảnh: CTV.

Ông Ngân Văn Lon cho biết địa phương có gần 1.400 hộ dân, hơn 7.200 nhân khẩu, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 66%. Trình độ dân trí không đồng đều, nhiều người còn quan niệm con cái lớn lên phải phụ giúp việc nhà, đỡ đần bố mẹ.

Một số gia đình chỉ cho con học hết lớp 5 hoặc bậc THCS, trẻ đủ tuổi thì xây dựng gia đình hoặc đi làm xa ở các công ty hay làm ruộng, chăn nuôi… Những điều này ảnh hưởng đến việc học của học sinh, nhiều trẻ bỏ học giữa chừng.

Bản thân ông Ngân Văn Lon đã nhiều lần cùng các giáo viên lặn lội vào tận bản để vận động học sinh đến trường học chữ.

“Học sinh hay nghỉ học vào dịp sau nghỉ hè, lễ tết dài ngày. Đây là một thực tế đáng buồn, bởi tư tưởng, suy nghĩ của một số học sinh và một bộ phận người dân vùng đồng bào dân tộc chưa thực sự coi trọng việc học, còn tâm lý thích thì đến trường, không thích thì nghỉ”, ông Lon nói và cho biết bản thân đã phải đến hầu hết bản để vận động học sinh trở lại trường.

"Những bản xa như Tà Cóm, Cá Giáng (cách trung tâm xã khoảng 50km), chúng tôi phải đi hết cả ngày, phải qua sông mới đến được nhà để vận động học sinh, thuyết phục phụ huynh động viên con em mình đi học”, ông Lon chia sẻ.

Theo ông Lon, khi các em đã có ý muốn bỏ học, không thích đi học, việc vận động rất khó khăn. Có những gia đình ông phải đến 2-3 lần mới vận động họ cho con đi học trở lại được.

Lý do học sinh không trở lại trường chủ yếu là do hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, nhà neo người. Có trường hợp bố mẹ đi làm ăn xa cả năm mới về, ở nhà chỉ có ông, bà đã già yếu, hoặc học sinh phải ở nhà giúp đỡ gia đình như bế em, chăn trâu bò, đi làm cùng bố mẹ...

“Có gia đình, khi chúng tôi đến vận động, họ bảo ‘chịu thôi thầy giáo ạ, nó thích thì đến trường, không thì thôi’. Chính sự thờ ơ của bố mẹ là một trở ngại lớn, và chúng tôi phải rất kiên trì thuyết phục. Có trường hợp, tôi và giáo viên thay phiên nhau đến nhà, mất 3 ngày trời mới vận động thành công một em học sinh đi học lại. Em từng không muốn đến lớp vì dự định đi theo anh chị xuống dưới xuôi làm công ty”, ông Lon chia sẻ.

Một trường hợp điển hình là em H.T.H. (SN 2012), người Mông, ở bản Tà Cóm, không muốn đến trường học chữ do hoàn cảnh gia đình thuộc diện đặc biệt khó khăn. Bố mẹ H. qua đời sớm, em phải ở với bác ruột và bà nội. Do H. đã có ý định bỏ học để đi làm, nên dù ông và các thầy giáo đến nhà vận động nhiều lần, em vẫn chưa muốn đến trường. Sau 2 ngày kiên trì thuyết phục, H. mới chịu quay lại lớp học.

Ông Lon cho biết toàn xã Trung Lý hiện có 4 trường, gồm: Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Lý, Tiểu học Trung Lý 1, Tiểu học Trung Lý 2 và một trường mầm non. Hiện nay, các trường đều khang trang, sạch đẹp, đảm bảo cho công tác dạy và học.

Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?

Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.

Thầy cô miền núi tình nguyện ôn thi miễn phí cho học sinh cuối cấp

Để chuẩn bị cho học sinh lớp 9 thi vào lớp 10, giáo viên các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức ôn, luyện thi miễn phí cho các em.

https://vietnamnet.vn/chu-tich-xa-vung-cao-thanh-hoa-di-50km-vao-ban-van-dong-hoc-sinh-tro-lai-lop-2382549.html

Lê Dương / Vietnamnet

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm