Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chủ trọ Hà Nội dùng nhà làm chỗ ở miễn phí cho người lạ

Không chỉ giúp nhiều lao động nghèo, sinh viên mắc kẹt lại Hà Nội có chỗ ở miễn phí, chị Hạnh còn không lấy tiền điện, nước, hỗ trợ họ một số nhu yếu phẩm.

Vừa hoàn thiện nhà, chuẩn bị cho thuê, chị Nguyễn Thị Hạnh (32 tuổi, ngụ phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm) phải ngừng mọi kế hoạch vì Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội do làn sóng dịch thứ 4 bùng phát.

Theo dõi mạng xã hội, thấy nhiều hoàn cảnh gặp khó khăn, không có chỗ ở trong thời điểm này, đầu tháng 8, chị Hạnh bàn với chồng sử dụng khu nhà mới xây làm nơi ở miễn phí cho những người cần.

"Dịch bệnh thế này, nhà tôi xây xong để không cũng phí nên nếu có thể giúp được người khác thì rất tốt. Sau khi xin ý kiến và được sự ủng hộ của phía chính quyền phường, tôi nhanh chóng thông báo về kế hoạch qua mạng xã hội", chị Hạnh nói với Zing.

Chỉ sau ít ngày, bà chủ trọ bắt đầu nhận được những cuộc điện thoại nhờ giúp đỡ.

Tính đến 14/8, gần như các phòng của tòa nhà đã có người đến ở, mỗi phòng có 1-2 người, chủ yếu là lao động khó khăn, sinh viên bị kẹt lại Hà Nội và gặp vấn đề về chỗ trọ.

chu tro Ha Noi cho nguoi la o mien phi anh 1

Vợ chồng chị Hạnh cho người khó khăn vào ở miễn phí trong đại dịch.

Vì mỗi phòng được thiết kế dạng chung cư mini khép kín, rộng khoảng 20 m2, đầy đủ tiện ích như nhà vệ sinh, khu phơi đồ, bình nóng lạnh, điều hòa, bếp và một số đồ cơ bản, khách trọ đảm bảo được việc giãn cách, tránh tiếp xúc với người khác.

Không chỉ miễn phí chỗ ở, tiền điện, nước, chị Hạnh còn tặng một số nhu yếu phẩm như gạo, rau củ và đồ dùng cá nhân cho những người mới chỉ gặp lần đầu.

"Mọi người đến đây cũng rất có ý thức khai báo y tế, chấp hành các quy định và giữ vệ sinh. Giữa thời điểm dịch bệnh khó khăn này, giúp được người khác trong khả năng của mình, vợ chồng tôi thấy rất hạnh phúc".

Ngoài hoạt động ý nghĩa, từ 31/7, chị Hạnh còn đứng lên kêu gọi, tặng thực phẩm cho nhiều hộ khó khăn và cùng một số bạn bè nấu các suất ăn trưa, tối cho 5 chốt kiểm soát dịch trên địa bàn, tổng cộng khoảng 100 suất/ngày.

Thi thoảng có chốt cần tăng cường trực đêm, chị và nhóm thiện nguyện cũng sẵn sàng chuẩn bị bữa phụ tiếp sức.

Hoàng Trung Kiên (quê Hà Nam, sinh viên Cao đẳng FPT Polytechnic), một trong những người được giúp đỡ, cho biết bản thân rất cảm kích tấm lòng của chị Hạnh.

"Ngày 27/7, tôi phải rời khỏi chỗ trọ cũ, đành chuyển sang trú tạm phòng trọ của 4 người bạn. Tuy nhiên, chủ trọ nơi này không cho phép ở 5 người nên tôi tiếp tục phải chuyển đi. Vì đã dồn gần hết tiền vào việc làm đồ án tốt nghiệp cho kỳ sau nên tôi gặp khó trong việc tìm chỗ ở, nhất là trong thời điểm nhạy cảm này".

Trước đó, Kiên tưởng việc giãn cách kéo dài khoảng 1-2 tuần như các đợt trước nên chủ quan không về quê. Vì vậy, khi bị kẹt lại, cậu rơi vào tình huống éo le.

May mắn đọc được bài đăng của chị Hạnh trên mạng xã hội, Kiên gọi, trình bày hoàn cảnh của mình và nhanh chóng được chị đồng ý.

Gần hai tuần ở lại đây, Kiên yên tâm vì được hỗ trợ từ chỗ ở đến thực phẩm.

"Khu nhà vừa xây xong nên rất mới, khang trang, môi trường xung quanh cũng tốt. Thời gian này, nếu không có chị Hạnh giúp đỡ, tôi cũng không biết phải xoay xở thế nào. Đợi khi tình hình ổn định, tôi sẽ làm hợp đồng thuê phòng với chị ấy, ở lại đây luôn", Kiên cho biết.

Người khiếm thị mất việc, mắc kẹt ở Hà Nội cầu cứu

Nhờ chị Lê Nhuệ kết nối giúp, khoảng 30 người khiếm thị mất việc, gặp khó khăn tại Hà Nội đã được một số mạnh thường quân hỗ trợ nhu yếu phẩm.

Mai An

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm