Sáng 13/12, khi phóng viên tìm đến khu trọ ở hẻm 147 Lê Đình Cẩn (phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM), ông Lê Tuấn Giảng (78 tuổi, thường được gọi là chú Tư) đang ngồi trò chuyện cùng những người hàng xóm ở tiệm tạp hóa trước nhà.
“Hôm qua chú Tư cầm 120 triệu đi phát cho bà con, nay lại nổi tiếng rần rần rồi ha”, người phụ nữ ngồi cạnh đó hào hứng nói vui. “Trời ơi, chú Tư đợt nào cũng giúp đỡ mọi người, ở đây chúng tôi quý mến chú lắm!”.
Chú Tư từng miễn phí tiền trọ, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người khó khăn suốt những tháng giãn cách. |
Chia sẻ với Zing, ông Giảng cho biết khi nghe kể về việc nhiều người lao động trong khu phố 6 (phường Tân Tạo) khó khăn sau dịch, con gái ông đã chủ động đưa 120 triệu đồng để hỗ trợ.
“Sau giãn cách, tôi biết ở khu này ai cũng khó khăn, có người còn phải vay nợ mới có tiền sống qua ngày. Dịch bệnh đâu có đi làm được, suốt 3-4 tháng trời ở nhà làm gì còn tiền. Giờ đi làm lại rồi, nhưng họ nào phải lo trả nợ, còn phải lo tiền thuê nhà. Tôi kêu gọi con gái ủng hộ, là số tiền nhỏ thôi nhưng nó có ý nghĩa với họ trong giai đoạn khó khăn này”, vị chủ trọ nói.
Món quà đáng quý
Sáng 12/12, từ 8h, rất đông bà con đã cầm phiếu tới đứng xếp hàng trước khu trọ nhà ông Giảng để nhận quà. Chỉ trong khoảng một tiếng, ông cùng con gái đã phát xong 120 triệu đồng cho 400 người, mỗi phần quà là 300.000 đồng.
Trước đó, ông Giảng liên hệ với các tổ trưởng để lập danh sách phát quà. Toàn khu phố có 8 tổ, mỗi tổ ông hỗ trợ 20-30 hộ.
Ông Giảng phát tiền hỗ trợ cho những người lao động trong khu phố. Ảnh: NVCC. |
"Không phân biệt thường trú hay tạm trú, miễn khó khăn thì tôi sẽ phát hết. Riêng trong tổ của tôi, tôi nắm rõ hoàn cảnh những người ở trọ nên phát không sót hộ nào", chú nói.
Nhận được số tiền hỗ trợ 300.000 đồng, gia đình chị Lợi (36 tuổi), đang ở nhà trọ của ông Giảng, cảm thấy rất mừng. Chồng chị Lợi hiện là phụ hồ trong khi chị chưa thể đi làm vì bận ở nhà chăm sóc con trai mới 18 tháng tuổi.
“Mang thai rồi sinh đẻ trong mùa dịch, cho tới nay tôi vẫn chưa thể đi làm lại. Cả nhà phụ thuộc vào một nguồn thu nên rất khó khăn. Đợt giãn cách chồng tôi không thể đi làm nên đã khó càng khó hơn”, chị Lợi nói.
Người phụ nữ 36 tuổi cho biết cũng nhờ ông Giảng giúp đỡ mà gia đình chị đã có thể vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.
“Nửa tháng đầu giãn cách, chú Tư giảm 50% tiền trọ, đến hai tháng sau đó thì không lấy đồng nào luôn, kể cả tiền điện nước. Cứ mua hay xin được gạo, rau củ là chú lại chia ra phát cho từng nhà. Nhờ chủ nhà tốt bụng mà lao động ở trọ như chúng tôi đỡ khổ nhiều lắm”, chị Lợi kể.
Hai cháu ngoại của chú Tư (áo xanh) cũng noi gương tham gia làm từ thiện cùng mẹ và ông. Ảnh: NVCC. |
Chị Lê Thị Cẩm Dung (40 tuổi, ngụ quận 10), con gái út của ông Giảng, cho biết mình đã làm từ thiện được 12 năm. Được ba gợi ý hỗ trợ những lao động nghèo quanh khu vực, chị Dung lập tức đồng ý.
"Tính ba tôi thì lâu nay luôn chia sẻ, sẵn sàng bỏ đến đồng cuối cùng trong túi để giúp đỡ mọi người. Tôi gửi tiền ủng hộ cũng là cơ hội để giúp ba làm những việc ông thích mà không cần phải vất vả đi xa khi về già".
Trong dịch bệnh, là chủ trọ, chị Dung cũng hiểu được nỗi khổ của lao động ngoại tỉnh, khi về quê không được, ở lại cũng không xong. Chị đã bàn với ba giảm tiền phòng, hỗ trợ chi phí cho mọi người.
Trước đây, chị vẫn thường tới các bệnh viện tại TP.HCM như Từ Dũ, Nhi đồng, Ung bướu để tìm và giúp đỡ những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn hoặc theo nhóm bạn đến các tỉnh miền Trung hỗ trợ người dân vùng lũ, vùng khó.
Ông chủ trọ nhiều lần làm việc tốt
Đây không phải lần đầu tiên, ông Giảng khiến nhiều người ngưỡng mộ khi đứng ra giúp đỡ người khó khăn. Là chủ khu trọ 15 phòng, suốt gần 7 năm qua, ông thường xuyên hỗ trợ mọi người.
Hồi tháng 7, khi thành phố áp dụng Chỉ thị 16, ông giảm 50% tiền phòng. Đến tháng 8 và tháng 9, ông miễn phí toàn bộ tiền nhà.
Thấy nhiều người vẫn chưa thể đi làm lại sau 4 tháng giãn cách, ngày 8/10, ông Giảng lấy tiền của mình và nhờ con gái góp thêm để tặng mỗi gia đình 200.000 đồng tiền mặt, kèm thêm quà.
Suốt hơn 7 năm nay, ông Giảng sống một mình trong căn phòng đầu tiên của dãy trọ. |
Cảm mến tấm lòng của vị chủ trọ, không ít lao động ở đây suốt nhiều năm liền và gắn bó với chú như người một nhà.
Anh Trương Tấn Bửu (43 tuổi) thuê trọ của ông Giảng hơn 7 năm nay, từ khi khu nhà trọ mới xây dựng. Hai vợ chồng anh quê ở Đồng Tháp, làm công nhân tại một khu công nghiệp gần đó.
“Không chỉ giảm tiền trọ, suốt mùa dịch nghe chỗ nào có phát quà là chú Tư lại xin về cho anh em công nhân trong dãy trọ này và cả những khu gần đây, có nhiều chia nhiều, có ít chia ít. Tính chú xưa nay vẫn vậy nên mọi người quý lắm, hiếm ai chuyển đi”.
Nhiều lao động ở đây suốt nhiều năm liền và gắn bó với chú Giảng như người một nhà. |
Anh Bửu nói rằng 300.000 đồng tiền hỗ trợ của ông Giảng với mỗi hộ gia đình có thể không nhiều nhưng rất quý ở thời điểm này.
“Mọi năm, cỡ này công ty đã công bố tiền thưởng Tết rồi, còn như năm nay dịch bệnh nên chưa nghe nói gì, không biết có thưởng Tết hay không. Giờ có quà của chú Tư cho anh em công nhân ở đây, ai cũng mừng, rất quý”.
Mới đi làm được hơn một tháng sau dịch, vợ chồng anh Bửu không dám nghĩ nhiều đến chuyện ăn Tết.
“Về quê thì chắc vẫn về, cỡ 27-28 tháng Chạp chúng tôi đánh xe về nhưng nói chung năm nay có gì ăn nấy, chứ không được dư dả như mấy năm trước”.
Hai vợ chồng anh thuê trọ nhiều năm ở đây, coi ông Giảng như người nhà, thường xuyên được chú giúp đỡ.
“Hiếm có người chủ nhà trọ nào tốt như thế này. Trừ khi về quê hẳn hoặc mua nhà khác, chứ những người đã ở đây chẳng ai nỡ chuyển đi chỗ khác”.