Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cô gái bỏ việc, một mình vào Đà Lạt lập nghiệp với 7 triệu đồng

Ngày ra sân bay, bố Thư khóc vì thương con gái. Chỉ với 18 kg hành lý, số tiền tiết kiệm ít ỏi và ước mơ khởi nghiệp, cô gái vẫn quyết định lên đường đến vùng đất mới.

Nguyễn Anh Thư (24 tuổi, Vĩnh Phúc) đang trong thời gian bận rộn nhất trong năm: mùa của hồng giòn, hồng chín, hồng treo ở Đà Lạt.

Từ sáng sớm đến tối muộn, cô tất bật với đủ thứ việc và chỉ nghỉ ngơi những ngày mưa hoặc khi vòm đã kín hồng.

Một năm trước, Thư bỏ công việc văn phòng ở Hà Nội, một mình xách vali đến thành phố sương mù. Cô thuê trang trại để nuôi giấc mơ với nông sản Việt.

Dù gặp không ít khó khăn, Thư khẳng định với Zing rằng mọi đánh đổi đều xứng đáng.

Bo viec vao Da Lat lap nghiep anh 1

Anh Thư bỏ phố về rừng hơn một năm nay để theo đuổi ước mơ lập nghiệp.

Liều lĩnh

Tháng 4 năm ngoái, Thư tốt nghiệp đại học và bắt đầu công việc văn phòng ở Hà Nội với mức lương khoảng 10-12 triệu đồng/tháng. Dù có thu nhập đủ trang trải cuộc sống, cô lại thấy tù túng khi cả ngày quanh quẩn bên laptop, lủi thủi cơm canh một mình.

Những lúc chán nản, Thư mơ về cuộc sống hòa mình với thiên nhiên, làm công việc tự do. Tháng 6 năm đó, cô nhờ người quen trên Đà Lạt tìm thuê đất làm trang trại nhưng gặp trục trặc nên phải tạm gác lại.

Đến tháng 11, khi cảm thấy kiệt sức với vòng xoáy công việc, Thư xin nghỉ để bắt đầu cuộc sống mới.

Ngày ra sân bay, bố khóc vì không muốn Thư vất vả. Người cha đơn thân chỉ biết dặn dò con gái và gói cho cô 2 chiếc bánh chưng cùng cây giò.

“23 tuổi, còn quá trẻ để xách vali đi lập nghiệp. Chỉ với 7 triệu đồng trong tay, mình cũng chẳng biết sẽ làm được gì. Nhưng mình vẫn dọn đồ và quyết định lên đường. Quyết định này cũng có phần liều lĩnh”, cô nhớ lại.

Bo viec vao Da Lat lap nghiep anh 2

Anh Thư thuê trang trại có 3,5 ha cây trồng, chủ yếu là hồng, để kinh doanh.

Về lý do chọn Đà Lạt làm điểm dừng chân, Thư nói đây là nơi từng ôm ấp, vỗ về cô trong những ngày chông chênh vì gặp cú sốc về gia đình. Cô thuê trang trại tại Cầu Đất bởi mọi người nói chỉ có nắng gió ở đây mới làm ra những trái hồng ngon, đúng chất Đà Lạt.

Bước vào lĩnh vực mới, Thư bắt đầu từ con số 0: không kinh nghiệm, không người thân, không kiến thức về nông nghiệp. Lúc đó, điều duy nhất cô có là đam mê.

Ban đầu, Thư xin làm thuê tại trang trại mà mình định thuê lại để tích lũy kinh nghiệm. Đến đầu năm nay, cô chính thức ký hợp đồng thuê 2 năm sau khi mượn sổ hồng của bố để vay ngân hàng.

“Cuộc đời đánh vào mặt mình những cú sốc kinh hoàng. Từ văn phòng đi làm nông sao mà cơ cực, thất bại nhiều hơn thành công, ngày mưa nhiều hơn ngày nắng. Trang trại mình thuê với 3,5 ha cây trồng, có 4-5 giống hồng các loại, chủ đạo là vuông đồng và trứng lửa, thêm lác đác vài gốc bơ 034, booth. May mắn là ở vườn, ngoài mình ra còn có cô, chú chủ vườn cầm tay chỉ việc, dạy mình từng chút một”, Thư kể.

Không hối hận

Sau thời gian tập quen với thời tiết và việc làm vườn, Thư bắt đầu có thu nhập từ việc bán hồng nhờ chủ vườn để lại mối làm ăn. Mùa hè vừa qua, cô cũng túc tắc thu hoạch bơ trong vườn để đem bán.

“Mùa bận rộn của mình là từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau. Vào mùa hồng giòn, mình phải theo thợ đi hái hồng về ủ giòn rồi giao khách. Mùa hồng treo này cũng vậy, có nhiều ngày tới tối lạnh căm mình mới trở về nhà, nhất là những hôm đi hái cả tấn hồng cho kịp mẻ treo. Mình sẽ phải đi cả trưa, sáng hôm sau lại tất tưởi đem ra gọt, treo”, cô kể.

Thư thuê người để phụ việc nhưng tự tay làm từng công đoạn mới yên tâm. Những ngày mưa hay vòm đã kín hồng, cô gái 24 tuổi mới được nghỉ ngơi đôi chút.

Nếu không quanh quẩn với vườn hồng, Thư lại đi rừng để hái nấm khi mưa hay lúc nắng thì tranh thủ lấy củi.

“Những ngày mưa, Đà Lạt lạnh lắm, chỉ có 9-10 độ nên không khi nào bếp được trống củi”, cô lý giải.

Theo lời Thư, việc tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bên cạnh tìm kiếm khách hàng thông qua các hội, nhóm trên mạng, cô còn chủ động giới thiệu và ký gửi sản phẩm tại một số siêu thị mini, cửa hàng chuyên đồ organic tại Hà Nội.

Hiện tại, thu nhập đủ để Thư trang trải sinh hoạt phí mỗi tháng. Tháng 2 năm sau, khi kết thúc vụ hồng, cô mới có thể tổng kết mọi thứ.

“Mỗi quả hồng treo được hạ giàn là người nông dân như mình vui như Tết vì làm ra nó cực quá. Bản thân hồng treo cũng là loại đặc sản có giá trị tới nửa triệu đồng/kg nên cả cơm áo, gạo tiền được đặt lên những trái khô, tròn ấy. Nhìn lại hành trình một năm qua, đó không chỉ là nắng gió cao nguyên, mà còn là tuổi trẻ, nhiệt huyết, là máu và nước mắt của mình”, cô nói.

Thời gian tới, Thư cho biết sẽ tập trung cho công việc ở trang trại để tích lũy kinh nghiệm. Cô cũng ước mơ sở hữu farm riêng khi có đủ điều kiện.

“Sau tất cả, mình vẫn tin ở chính mình, tin vào sự lựa chọn của bản thân. Mình hạnh phúc vì đã và đang được sống với tuổi trẻ và khát khao”.

Làm lại sự nghiệp từ con số 0 trong dịch

Nếu dịch Covid-19 không bùng phát, Sen, Hoàng Đức, Thùy Uyên đều không nghĩ họ sẽ chuyển hướng nghề nghiệp, bắt đầu lại từ con số 0.

Thiên Nhi

Bạn có thể quan tâm