Nguyễn Thị Khánh Huyền (20 tuổi), sinh viên Điều dưỡng, ĐH Y Dược Thái Nguyên, là người nhỏ tuổi nhất trong số 10 cá nhân đạt Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia năm 2021.
Cô là ủy viên Ban chủ nhiệm CLB Thanh niên tình nguyện vận động hiến máu nhân đạo của ĐH Y Dược Thái Nguyên.
Trong đợt bùng phát dịch thứ 4, nữ sinh tham gia hỗ trợ công tác chống dịch tại Bắc Ninh và Đồng Nai. Ngoài ra, cô cũng năng nổ trong nhiều chương trình thiện nguyện.
Chia sẻ với Zing, Huyền cho hay: “Mình cảm thấy rất vui và vinh dự khi trải qua 2 năm hoạt động tình nguyện, những đóng góp của mình được ghi nhận. Mình cũng tự hào khi được ra tuyến đầu chống dịch Covid-19”.
Khánh Huyền tham gia 2 đợt xuất quân hỗ trợ chống dịch do ĐH Y Dược Thái Nguyên tổ chức. |
Chống dịch từ Bắc vào Nam
Sau đợt nghỉ lễ 30/4-1/5, các tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh bùng dịch mạnh. Khi đó, Huyền suy nghĩ rất nhiều về việc xung phong vào tâm dịch.
“Vì còn trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm, mình lo không đủ khả năng hỗ trợ mọi người. Hơn nữa, gia đình lo lắng nên cũng không đồng ý cho mình đi. Sau đó, mình nghĩ bản thân là sinh viên y dược, tương lai sẽ trở thành nhân viên y tế và trải qua những công việc tương tự, mình nhận thấy trách nhiệm đóng góp cho công cuộc chống dịch nên quyết định viết đơn đăng ký tham gia”, cô nói.
Sau khi thuyết phục bố mẹ, đầu tháng 6, Huyền lên đường tới Bắc Ninh. Cô không nghĩ hành trình gắn bó với bộ đồ bảo hộ, kit test Covid-19 của mình sẽ kéo dài tới 2 tháng.
Ban đầu, Huyền khá lo lắng và sợ môi trường nguy hiểm có thể nhiễm bệnh bất cứ lúc nào. Trải qua đợt tập huấn, học cách đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người, đồng thời được hướng dẫn, chỉ bảo trong quá trình làm việc thực tế, nữ sinh trở nên tự tin hơn.
Phải mặc đồ bảo hộ nhiều giờ dưới thời tiết nắng nóng là một trong những khó khăn Khánh Huyền phải đối diện khi đi chống dịch. |
Công việc chính của Huyền là thực hiện lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng, test nhanh, PCR và hỗ trợ công tác tiêm chủng. Đúng đợt nắng nóng ở miền Bắc, cô từng không ít lần kiệt sức vì phải mặc đồ bảo hộ cấp 4 nhiều giờ dẫn đến sốc nhiệt, mất nước.
Khi Huyền hoàn thành nhiệm vụ và trở về địa phương vào đầu tháng 8, ĐH Y Dược Thái Nguyên tiếp tục kêu gọi sinh viên đăng ký tham gia tình nguyện chống dịch ở TP.HCM. Tuy nhiên, vì chưa đủ thời gian cách ly, cô đành bỏ lỡ chuyến đi này.
Sau đó, khi nhà trường kêu gọi tham gia hỗ trợ chống dịch ở Đồng Nai, Huyền lại sẵn sàng lên đường từ ngày 20/8.
Đối diện nguy hiểm
Ở Đồng Nai, Huyền tham gia lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng tại vùng dịch có nguy cơ cao. Vì lực lượng chống dịch mỏng do hầu hết y, bác sĩ và tình nguyện viên được điều động hỗ trợ trong khu cách ly, công việc của những người ở vòng ngoài như Huyền vất vả hơn.
Khánh Huyền là người trẻ nhất trong số 10 cá nhân đạt Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia năm 2021. |
“Có buổi, mình làm việc liên tục từ 7h đến hơn 13h, lấy mẫu cho khoảng 500 người dưới thời tiết nắng nóng. Xong việc, mình gần như không còn chút sức lực nào”, nữ sinh nhớ lại.
Sau đó, công việc trở nên vất vả và nguy hiểm hơn khi Huyền được phân công trực tiếp tham gia chăm sóc, điều trị, lấy mẫu tại khu phân tầng 1 của khu điều trị bệnh nhân F0.
Xa gia đình thời gian dài, nhiều lúc khó khăn và nhớ nhà, Huyền thường gọi về và được mọi người động viên, an ủi.
Thời điểm khó khăn nhất là khi Huyền đang phụ trách quản lý các khu cách ly, một đồng đội bị nhiễm bệnh khiến cô trở thành F1 có nguy cơ cao.
“Khi mới nghe tin, mình rất lo lắng và sợ hãi, nhất là khi sát ngày nhận quyết định đi về. Mình cũng không dám nói với gia đình sợ mọi người lo lắng. Sau đó, mình cố gắng trấn tĩnh lại, các thầy, cô cũng an ủi mình vượt qua”, cô kể.
Trải qua đợt chống dịch dài, Huyền cảm thấy vui và tự hào khi được đóng góp sức lực cho cộng đồng. Nữ sinh thừa nhận bản thân chưa từng nghĩ có thể làm được nhiều việc như vậy.
Hiện tại, Huyền trở lại học tập ở trường, tích cực tham gia hoạt động hiến máu tại CLB, đồng thời đăng ký tham gia hỗ trợ tiêm chủng ở địa phương.
“Do dịch bệnh phức tạp, CLB mình tập trung vào mảng hiến máu cấp cứu. Khác với mọi năm, hiện chúng mình sẽ tổ chức nhiều đợt vận động hiến máu với quy mô nhỏ hơn”, cô nói.
Ngoài ra, Huyền cũng tham gia sáng tạo và phát triển mô hình quản lý thông tin người hiến máu, bao gồm sinh viên trong và ngoài trường; nhân dân địa phương; sau mỗi chương trình hiến máu để phục vụ cho hiến máu cấp cứu trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
4 tháng đi chống dịch để lại cho Khánh Huyền nhiều kỷ niệm khó quên. |