Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Làm lại sự nghiệp từ con số 0 trong dịch

Nếu dịch Covid-19 không bùng phát, Sen, Hoàng Đức, Thùy Uyên đều không nghĩ họ sẽ chuyển hướng nghề nghiệp, bắt đầu lại từ con số 0.

Đều làm việc trong ngành du lịch ở Sa Pa (Lào Cai), vợ chồng Ma Thị Sen (27 tuổi) lâm vào cảnh thất nghiệp khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Họ không có nguồn thu nhập trong gần 2 năm.

Không thể chờ hết dịch để đi làm lại, vợ chồng Sen quyết định mở homestay nhỏ. Tuy nhiên, trong đợt dịch thứ 4, nơi này phải ngừng hoạt động do không còn khách du lịch và tránh nguy cơ lây lan virus.

Sau đó, chồng Sen xin làm đầu bếp cho nhà hàng được 5 tháng nay. Còn cô chuyển sang lĩnh vực bất động sản từ 2 tháng trước.

“Mình phải vật vã mãi mới tìm được việc. Bắt đầu từ con số 0, mọi thứ khá khó khăn với mình do không có chuyên môn hay thế mạnh gì trong nghề mới. Thế nhưng, mình cố gắng học hỏi, thích ứng vì không biết khi nào du lịch mới phục hồi”, Sen nói với Zing.

Chuyen viec trong dich anh 1

Đại dịch khiến vợ chồng Sen mất việc và 2 lần phải chuyển hướng sự nghiệp.

Cô chia sẻ thêm: “Nếu dịch không xảy ra, mình chưa bao giờ nghĩ sẽ chuyển nghề vì du lịch là chuyên môn và đam mê của bản thân. Sau dịch, mình sẽ cố gắng quay lại làm du lịch vì đó là thế mạnh và giúp mình tìm thấy nhiều niềm vui trong công việc”.

Tương tự vợ chồng Sen, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều người phải nghỉ việc nhiều tháng không lương. Một số phải tìm hướng đi mới, khác hẳn so với công việc vẫn gắn bó, vì không thể chờ đợi thêm.

Bấp bênh

Vốn thích không khí náo nhiệt và tổ chức chương trình, party, Hoàng Đức (28 tuổi), quản lý quán bar ở Hà Nội, gắn bó với mảng dịch vụ nightlife khoảng 3 năm nay.

Kể từ khi đại dịch bùng phát, nơi Đức làm việc nhiều lần phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu từ chính quyền.

Bạn gái Đức là Minh Phương (24 tuổi), quản lý dancer ở quán bar, cũng lâm vào tình cảnh tương tự.

“Từ Tết năm ngoái đến nay, mình và bạn gái phải nghỉ gần một năm rồi. Sau đợt dịch thứ 2, chúng mình quyết định thuê mặt bằng, mở quán bánh mì để kiếm thêm sinh hoạt phí hàng ngày vì thấy dịch còn dai dẳng. Điều này hoàn toàn nằm ngoài dự tính của hai đứa”, Đức chia sẻ.

Trước đó, khi phải tạm nghỉ vì dịch, Đức kinh doanh online nhưng thấy không ổn vì ít khách và việc ship hàng gặp nhiều khó khăn.

Khi mới mở quán bánh mì, Đức và Phương thuê nhân viên phụ giúp. Lượng khách ban đầu khá ổn định, chủ yếu là sinh viên.

Tuy nhiên, đợt dịch thứ 4 bùng phát khiến sinh viên chuyển sang học online và về quê. Cửa hàng của đôi trẻ mất đi lượng lớn khách hàng.

“Sau đợt giãn cách xã hội, chúng mình không thuê nhân viên nữa mà tự làm mọi thứ để tiết kiệm chi phí. Hai đứa cố gắng duy trì để có đồng ra đồng vào”, Đức nói.

Chuyen viec trong dich anh 2

Minh Phương và Hoàng Đức mở cửa hàng kinh doanh riêng khi công việc chính bị ảnh hưởng vì dịch bệnh.

Về công việc ở quán bar, Đức và nhiều đồng nghiệp vẫn mòn mỏi chờ thông báo được mở cửa trở lại. Nhiều người phải về quê sống nhờ bố mẹ hoặc chuyển sang làm nhân viên kinh doanh, môi giới bất động sản, bán xe máy cũ.

“Trong dịch, mình nhận thấy ngành nightlife bấp bênh, không có gì chắc chắn. Hôm nay được mở cửa nhưng có khi mai phải đóng rồi. Bởi vậy, mình luôn chuẩn bị tinh thần cho mọi tình huống. Khi dịch kết thúc, mình vẫn quay lại làm quản lý bar vì đó là công việc bản thân yêu thích. Quán bánh mì mình vẫn duy trì để kiếm thêm thu nhập”, Đức nói.

Giống như Đức, Minh Phương cũng mong dịch sớm qua đi để trở lại với cuộc sống sôi động và công việc bận rộn trước kia.

Dịch đẩy nhanh kế hoạch

Tháng 6/2020, Thùy Uyên (29 tuổi) xin nghỉ việc, rời TP.HCM lên Đà Lạt trong sự ngỡ ngàng của mọi người xung quanh. Khi đó, cô là nhân viên tập đoàn về công nghệ thông tin của Singapore với mức lương khá.

Trước đó, trong lần về quê tránh dịch, không chỉ vì vấn đề sức khỏe, Uyên tự hỏi bản thân rằng “Sẽ thế nào nếu đại dịch thực sự tấn công Sài Gòn trong khi cuộc sống của mình ở đây đang phụ thuộc rất nhiều thứ?” và “Mục đích lao đầu vào kiếm tiền của mình là gì?”.

Bên cạnh đó, từ lâu, Uyên ấp ủ về cuộc sống an yên bên vườn tược nên bắt đầu suy tính đến chuyện thay đổi môi trường sống.

Lên thành phố sương mù với số tiền tiết kiệm không nhiều, Uyên bắt đầu xây dựng căn nhà đầu tiên sau nửa năm trải qua vài biến cố, phải bỏ dở và sang lại 2 căn khác.

“Để hoàn thành căn nhà, mình đã trải qua những chuyện bản thân chưa từng làm và không bao giờ nghĩ có thể làm được. Đó là bào gỗ ngày qua ngày, một mình ngủ lại canh công trình suốt 3 tháng mà xung quanh toàn là cây cối và căn villa sát bên ít khi mở cửa, rồi cuốc đất làm cỏ trồng thảo mộc, ươm hạt giống… chỉ để tiết kiệm tối đa chi phí. Có những đêm bị đau, ở một mình vừa sợ, vừa tủi, nghĩ lại những ngày tháng đi làm, ăn ngon mặc đẹp ở Sài Gòn mà khóc, nhưng rồi lại động viên bản thân cố gắng”, Uyên nhớ lại.

Khi căn nhà dần thành hình và dịch ập tới, bạn trai Uyên là Hải Nam (32 tuổi), kỹ sư lập trình cho công ty trụ sở ở Australia, chuyển sang “work from home” nên lên Đà Lạt đoàn tụ với bạn gái. Trong khi đó, Uyên vẫn duy trì công việc online dựa trên công việc từng làm ở TP.HCM.

Chuyen viec trong dich anh 3

Hải Nam và Thùy Uyên xây dựng căn nhà mơ ước trong đợt dịch kéo dài.

Uyên và Nam quyết định tự tay làm tất cả vật dụng trong nhà có thể như bàn, giường, kệ sách, kệ bếp, khu làm đồ handmade.

Đầu tháng 11, căn nhà gỗ của đôi trẻ đi vào hoàn thiện. Ngoài không gian sống, họ phân thêm các phòng để mở homestay.

“Hiện homestay của chúng mình bắt đầu nhận khách nhưng vì dịch vẫn phức tạp nên chỉ hoạt động 50% công suất và luôn trong tâm thế thực hiện 5K để đảm bảo an toàn cho mọi người”, cô nói.

Theo lời Uyên, khi lập nghiệp trong dịch, cô và bạn trai đối diện nhiều khó khăn từ chi phí xây dựng, vận hành và duy trì đến tâm lý khi dịch kéo dài, thủ tục khi đón khách. Tuy nhiên, họ có nhiều thời gian hơn để chăm chút không gian sống và chỉn chu homestay.

“Nếu Covid-19 không xuất hiện, mình nghĩ bản thân vẫn sẽ chọn rời thành phố để thực hiện ước mơ ấp ủ. Nhưng dịch giúp thúc đẩy suy nghĩ và hành động của mình nhanh hơn”, Uyên nói.

Cô chia sẻ thêm: “Hiện tại, mình chưa thấy hối hận với quyết định chuyển hướng. Dù còn nhiều khó khăn, mình học được rất nhiều thứ, đặc biệt là việc xây dựng và vận hành homestay nhỏ. Những trải nghiệm, kiến thức, kỹ năng này sẽ giúp ích cho mình rất nhiều mà sau này, khi có gia đình, mình chưa chắc đủ can đảm để làm”.

Uyên và Nam dự định dành 3 năm tới để trải nghiệm và tìm hiểu nhiều hơn về cuộc sống ở Đà Lạt. Nếu cảm thấy phù hợp, hai người sẽ chọn miếng đất ở ngoại ô để gắn bó và phát triển mô hình hướng đến sự thảnh thơi và tự chữa lành.

‘Xóa đi làm lại’ sự nghiệp sau dịch

2,5 năm theo nghề tiếp viên hàng không nhưng nghỉ nhiều hơn đi làm, K.N. buộc phải từ bỏ, tập trung cho công việc mới. Cô không thể chờ đợi thêm.

Ket tien cuoi nam hinh anh

Kẹt tiền cuối năm

0

Dịch bệnh kéo dài khiến công việc bị ảnh hưởng, thu nhập bấp bênh, không ít người trẻ phải đối mặt các vấn đề tài chính khi thời điểm cuối năm đang đến gần.

Thiên Nhi

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm