Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bé 4 tuổi theo cha mẹ leo 4 đỉnh núi ở Tây Bắc

Đến nay, bé Ken đã cùng bố mẹ chinh phục các đỉnh Lảo Thẩn, Nhìu Cồ San, Fansipan, Tả Liên Sơn. Sau mỗi chuyến đi, cậu bé trưởng thành và tự lập hơn.

“Rừng ở Tả Liên đẹp hơn Nhìu Cồ San mẹ nhỉ”.

Câu nói của con trai khiến chị Phạm Thị Hà (37 tuổi, đến từ Đông Anh, Hà Nội) vừa bất ngờ, vừa vui khi bé chia sẻ cảm nhận riêng trên đường leo lên đỉnh Tả Liên Sơn cao 2.996 m ở tỉnh Lai Châu vừa qua.

Trước đó, bé Ken (tên thật Đặng Quang Vinh, 4 tuổi) từng theo chân bố mẹ chinh phục các đỉnh Lảo Thẩn (2.860 m), Nhìu Cồ San (2.965 m) và Fansipan (3.143 m) đều thuộc tỉnh Lào Cai. Trong đó, bé leo bộ 600 bậc lên “nóc nhà Đông Dương” do chưa đủ tuổi để được trekking đường bộ.

“Từ khi còn nhỏ xíu, Ken đã thích vận động. Vợ chồng tôi thường cho con đi cắm trại. Sau chuyến trekking Lảo Thẩn vào tháng 10 năm ngoái, con yêu thích bộ môn này và đồng hành cùng bố mẹ trong nhiều hành trình”, chị Hà chia sẻ với Zing.

Tự lập

Sau đợt giãn cách xã hội kéo dài, vợ chồng chị Hà quyết định đi trekking đỉnh Tả Liên Sơn để vơi cảm giác “cuồng chân”. Như những lần trước, chị nhờ quản trị viên của hội, nhóm leo núi và bạn bè có kinh nghiệm tư vấn cung này có phù hợp cho trẻ nhỏ đi cùng hay không.

Nhận được thông báo được phép đi qua chốt kiểm soát dịch ở Lai Châu, vợ chồng chị Hà thu xếp đồ đạc, lái xe đưa bé Ken lên đường.

Gia đình nghỉ ở Sa Pa (Lào Cai) một đêm. Sáng hôm sau, họ xuất phát đi xã Tả Lèng (huyện Cam Đường, tỉnh Lai Châu). Qua chốt kiểm soát dịch ở huyện, cả nhà khai báo y tế tại công an xã.

“Chúng tôi là những vị khách đầu tiên trekking cung này sau 6 tháng phải tạm dừng vì dịch. Ban đầu, cả nhà phải vượt qua đoạn đường 8 km để bắt đầu leo núi. Bình thường vẫn có xe ôm chở vào tận nơi nhưng do bản đang làm đường, chúng tôi buộc phải đi bộ suốt 2 tiếng. Vợ chồng tôi sợ Ken sẽ oải nhưng trái lại, con hào hứng và tự lập khiến mọi người khâm phục”, người mẹ kể lại.

11h, gia đình chị Hà bắt đầu trekking với 2 porter, trong đó, một người có nhiệm vụ hỗ trợ bé Ken. Vì có trẻ em, hành lý được ưu tiên gọn nhẹ nhất có thể.

16h, cả đoàn lên tới lán nghỉ và nấu ăn, dựng lều nghỉ qua đêm. Khoảng 6h sáng hôm sau, hành trình tiếp tục.

Theo lời chị Hà, đường lên đỉnh núi từ đây tương đối khó do hầu hết là dốc, đòi hỏi mọi người vận động toàn thân, không chỉ chân mà còn phải dùng tay bám vào cây rừng để leo lên.

Sau 3 tiếng, cả đoàn đặt chân tới đỉnh Tả Liên Sơn. Do nhiệt độ 7 độ C khá lạnh, họ ngắm cảnh trong 20 phút và trở xuống.

“Trong suốt hành trình, Ken rất ngoan, tự lập và hợp tác với bố mẹ. Đoạn nào dốc, khó đi, con được chú porter giúp, còn đường bằng thì tự đi hết. Trên đường xuống, nhiều lần chú porter ngỏ ý cõng và bế nhưng con từ chối, nói tự đi được. Ngay cả việc ăn uống cũng dễ dàng, người lớn ăn gì, Ken ăn nấy và tự xúc mà không cần ai giúp”, chị Hà kể.

Cho con gần gũi thiên nhiên

Chị Hà làm việc trong ngành Dược, còn ông xã chị làm du lịch. Hai vợ chồng có chung sở thích leo núi và cắm trại.

Với mong muốn con cái có tuổi thơ đáng nhớ và tránh xa thiết bị công nghệ, họ khuyến khích các con vận động nhiều, gần gũi thiên nhiên.

“Giữa năm ngoái, tôi rủ chồng leo đỉnh Lảo Thẩn. Anh nói cho Ken đi cùng. Ban đầu, tôi lo con không đủ sức nhưng ông xã trấn an là sẽ hỗ trợ. Tôi liên hệ với porter để hỏi thì họ nói chỉ nhận các bé 9 tuổi trở lên. Tôi thuyết phục rằng họ chỉ cần hỗ trợ bé chỗ khó, còn tinh thần của bé thì không phải lo. Phần còn lại là hỏi ý kiến Ken, bé thích vận động nên lập tức đồng ý”, chị Hà kể.

Trước chuyến đi 2 tháng, bé Ken đều đặn đi bộ 5 km/ngày cùng bố.

Để đảm bảo an toàn, chị Hà thuê porter riêng hỗ trợ bé trên đường, đồng thời tìm hiểu, sắm đầy đủ giày, đồ bảo hộ đầu gối, quần áo trekking cho con.

Khi Ken chinh phục thành công đỉnh núi cao 2.860 m, vợ chồng chị Hà không dám tin là bé làm được. Từ đó, hai người tìm hiểu cung nào phù hợp đều cố gắng đưa con đi cùng.

Trước mỗi chuyến đi, Ken đều rất hào hứng. Nhiều tháng trước, vì tình hình dịch phức tạp và giãn cách xã hội, lâu không được leo núi, bé cũng hỏi ba mẹ.

“Mỗi chuyến đi về, tôi thấy con người lớn hơn rất nhiều và bắt đầu có sự so sánh rằng cảnh ở đây đẹp hơn hay đi chỗ kia mệt hơn. Bé cũng rất tự lập, từ leo núi, mang balo đến ăn uống, ngủ nghỉ. Bé cũng tò mò, hỏi han mẹ về cây, hoa, lá, động vật gặp trên đường và biết sẻ chia với mọi người xung quanh. Nhờ Ken, các chuyến đi của vợ chồng tôi trở nên thú vị hơn rất nhiều”, chị Hà nói.

Về nhà, Ken thường hào hứng kể cho hai chị nghe về hành trình do các bé bận học, không thể đi cùng.

Tháng tới, Ken bước vào tuổi thứ 5. Vợ chồng chị Hà đặt mục tiêu cho con chinh phục đủ 5 đỉnh núi. Địa điểm họ suy nghĩ tới là đỉnh Lùng Cúng cao 2.913 m ở Yên Bái.

Trong tương lai, chị Hà dự định cho con sang Trung Quốc chinh phục thêm nhiều đỉnh núi để có trải nghiệm khác biệt hơn.

“Tôi nghĩ thời gian để các con gần gũi bố mẹ không nhiều. Khi lớn lên, con sẽ thích đi với bạn bè hơn nên vợ chồng tôi tận dụng lúc con còn nhỏ để đi cắm trại, leo núi nhiều hơn. Mỗi chuyến đi, tình cảm gia đình cũng gắn kết hơn”, người mẹ nói.

Theo chị Hà, nhiều phụ huynh nhắn hỏi chị về việc đưa con đi trekking. Chị cho rằng điều quan trọng là các bé phải yêu thích và có tính tự lập, hợp tác với bố mẹ.

“Tôi nghĩ nếu có điều kiện, bố mẹ nên cho các con đi khám phá thiên nhiên thật nhiều để được tiếp xúc, học hỏi cái mới. Nếu không thể đi xa, người lớn chỉ cần bớt chút thời gian mỗi ngày, chẳng hạn sau khi đi làm về, để dắt con đi dạo, động viên các bé tham gia trò chơi, hoạt động ngoài trời là đã giúp con có tuổi thơ đáng nhớ hơn”, chị Hà nhắn nhủ.

Vợ chồng trẻ chăm cho con đi cắm trại để tận hưởng cuộc sống

Qua những chuyến đi, chị Hà My thấy hai con mạnh dạn, tự lập hơn và biết yêu thiên nhiên, có ý thức bảo vệ cảnh quan, dọn dẹp sau khi cắm trại.

Thiên Nhi

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm