Phan Tường Yên là nhà chuyên môn trong lĩnh vực tâm lý đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM. Chị hiện là Giám đốc đào tạo và phát triển dự án tại Phòng tâm lý Saigon Psychub và Phó chủ tịch Mạng lưới lãnh đạo trẻ toàn cầu Sunwah (khu vực TP.HCM). Đây là bài viết riêng của chị cho Zing.
Một người bạn của tôi trong lúc trải qua cú sốc mất người thân vì Covid-19 mà không thể ở bên cạnh để chăm lo, thăm viếng tang sự, đã nhận được nhiều lời nhắn, vừa thăm hỏi, vừa nhắc chừng rằng “Trong cái rủi có cái may, hai bác và con không sao”, “Đừng áy náy, đừng thấy có lỗi”, “Thay vì đau buồn thì hãy nhớ tới những khoảng thời gian dễ chịu và kỷ niệm đẹp khi mình ở bên mọi người hồi trước”, “Mạnh mẽ lên” và “cố gắng đừng buồn”.
Lúc đầu, cậu ấy cũng cảm thấy bình thường với những lời động viên quen thuộc, cũng có phần đồng tình là tình huống có thể diễn biến xấu hơn, cũng nghe theo và cố gắng mạnh mẽ, cố làm mọi cách để đánh lừa rằng mình “ổn” và kéo dài trạng thái đó lâu nhất có thể.
Thế nhưng, chỉ hơn một tuần, áp lực cố gắng tích cực và duy trì nó như một trạng thái thường xuyên của tâm trí khiến cậu ấy bắt đầu cảm thấy mệt mỏi và quá sức.
Tình huống này khá phổ biến và khó có thể nói được trong những người đang cố gắng ủi an bạn tôi ngoài kia ai là người đã lan tỏa sự tích cực độc hại, hay chính bạn tôi là người tự đeo mang trong mình gánh nặng “phải tích cực bằng được”.
“Mọi chuyện sẽ ổn thôi”, “Tích cực lên” là những lời an ủi một người trải qua mất mát, buồn đau thường nhận được. Tuy nhiên, họ thường không thấy ổn sau đó. |
Tôi đã xin phép bạn mình để chia sẻ câu chuyện này, bởi tôi và cậu ấy đều cho rằng nó phản ánh rất thực tế cách nhiều người trong chúng ta ứng phó với nỗi muộn phiền, khó khăn trong cuộc sống.
Nhìn lại quãng thời gian một năm nhiều biến động vừa qua, tôi tin đây không phải là lần đầu tiên bạn mình sử dụng sự tích cực như một miếng băng keo cá nhân cho sức khỏe tinh thần của mình.
Và chắc chắn đây sẽ không phải là lần cuối cùng.
Phủ nhận cảm xúc đau buồn
Sự tích cực độc hại (TCĐH) là khái niệm khá mới, chưa có trong hệ thống thuật ngữ của Hiệp hội Tâm lý học Mỹ (APA) và đang được nhắc tới nhiều trong khoảng 2 năm trở lại đây.
Nhìn chung, đó là thiên kiến cho rằng con người nên có suy nghĩ tích cực và chỉ nên thể hiện các cảm xúc hay suy nghĩ mang tính tích cực trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đặc biệt là khi đang đối mặt với khó khăn. Sự cực đoan hay toàn năng hóa giá trị và “công năng” của tinh thần tích cực, đến mức không chấp nhận việc con người có thể có các thể hiện “âm tính” như lo - sợ - buồn - đau rất đời thường của con người, là thứ khiến cho nó độc hại.
Cùng mang danh nghĩa tích cực nhưng sự TCĐH lại không phải lúc nào cũng cho người ta cảm giác tốt và dễ chịu.
TCĐH thôi thúc ta phải đạt được sự tươi vui, bình an, cân bằng bằng mọi giá, khiến ta muốn và mong đợi mình luôn cảm thấy tích cực, mà nếu không được như vậy thì sẽ thật tệ. Chính vì kỳ vọng không hợp lý này mà người có TCĐH sẽ dễ trải qua cảm giác sai trái, tội lỗi và thất bại hay yếu kém nếu không may rơi vào giai đoạn có nhiều cảm xúc khó khăn trong cuộc sống.
Trong dịch Covid-19, một trong những vấn đề lớn nhất về TCĐH là nó hàm chứa ẩn ý phủ nhận tính đau thương của đại dịch, ý nghĩa của việc đau buồn, lòng thương xót, nỗi sợ, nỗi âu lo, các cảm giác khó khăn hay mất phương hướng... và tạo ra áp lực tâm lý không đáng có cho những người vốn dĩ đang phải chịu nhiều căng thẳng vì các thay đổi trong dịch.
Sự TCĐH không phải lúc nào cũng cho người ta cảm giác tốt và dễ chịu. |
Sự TCĐH có thể biểu hiện rất rõ ràng, nhưng đôi khi cũng ẩn mình rất tinh vi.
Trong đại dịch, thông điệp của người TCĐH thường mang ý ngầm rằng “Nếu bạn không lạc quan hay biết cách giữ tinh thần tích cực về đại dịch này thì bạn đang sống những ngày rất hoang phí hoặc bạn đang lạc lối rồi hoặc là bạn đang chưa biết cách sống, chưa thực sự sống”.
Ở một số quốc gia, 2 năm đại dịch là “thời cơ” vàng cho rất nhiều dịch vụ và nhà sản xuất nội dung ăn theo trào lưu toàn năng hóa sự lạc quan này. Nhiều người nổi tiếng hoặc người truyền cảm hứng tự phong cũng thường xuyên đăng tải những thông điệp ẩn chứa sự TCĐH.
Nhiều người trẻ ở Việt Nam vì thế cũng bị dồn dập với những ý tưởng về việc nên sử dụng thời gian này như thế nào và nếu không làm được điều gì để phát triển lúc này, họ dễ cảm thấy đó là sự thất bại.
Cần lưu ý rõ rằng các thông điệp tích cực không có gì đáng lên án. Tuy nhiên, nếu thông điệp truyền tải đi kèm theo ẩn ý chối bỏ, xem nhẹ hoặc coi thường các cảm xúc trái chiều khác để tôn vinh tinh thần lạc quan, thì nó có khả năng đang góp phần làm nặng thêm các kỳ thị về sức khỏe tinh thần vốn dĩ đã rất nặng nề trong công chúng.
Ai cũng có thể là nạn nhân
Chúng ta đều có thể là nạn nhân của sự TCĐH của chính mình, trước khi là nạn nhân của sự TCĐH ở người khác.
Đây là điều quan trọng phải chú ý, vì nhiều mẩu thông tin tôi đọc được thời gian qua chủ yếu phê phán những khẩu hiệu lên tinh thần, những lời động viên chưa phù hợp từ bên ngoài mà quên mất sự tồn tại thực tế của một mảnh đất màu mỡ cho sự TCĐH phát triển bên trong mỗi cá nhân.
Hiểu điều này là quan trọng, bởi nó có thể giúp giảm hay tránh được khả năng ta nạn nhân hóa chính mình, phủ nhận yếu tố chủ quan khi nhận ra mình bị chi phối bởi TCĐH hay “buộc tội” sai ai đó đang gieo rắc TCĐH cho mình trong khi thực tế họ chỉ đang chưa biết cách phản hồi và sẻ chia phù hợp.
Đối với trường phái TCĐH, suy nghĩ tích cực thường được sử dụng như công cụ hay vũ khí để loại bỏ những cảm xúc được cho là tiêu cực, như tức giận, buồn bã và cô đơn, theo kiểu “Điều này khiến bạn cảm thấy tồi tệ, nên tốt nhất là bạn đừng nên để cảm thấy như vậy”.
Vấn đề là cách tiếp cận này đang đơn giản hóa cách vận hành của bộ não con người, giản lược quá mức cách chúng ta xử lý cảm xúc. Điều này thực sự có thể gây hại cho sức khỏe tâm thần của chúng ta.
Vì những biến động của đại dịch, nhiều người phải trải qua các trải nghiệm chưa từng có trong đời. Ai cũng có thể trở thành nạn nhân của sự TCĐH. |
Cách tiếp cận này có hại bởi nó coi thường và làm mất đi ý nghĩa của những cảm xúc âm tính. Tôi tránh gọi các cảm xúc đau buồn, thất vọng, giận dữ là tiêu cực bởi nó là các dấu hiệu quan trọng để chúng ta hiểu mình, hiểu người khác, hiểu bối cảnh để sinh tồn và nó xứng đáng được đối xử công bằng như các cảm xúc khác.
Kìm nén tất cả những rung cảm âm tính đó thực sự có thể kéo dài sự đau khổ của một người, dẫn đến căng thẳng thêm cho cơ thể và tâm trí. Nỗ lực lạc quan một cách cứng nhắc “đóng chặt cửa” với những cảm giác không thoải mái không làm chúng biến mất mà ngược lại, có thể làm trầm trọng thêm vấn đề.
Trong các chuyên đề tâm lý trao đổi với cộng đồng hay nhân viên y tế về đau buồn và mất mát, về hiểu và điều tiết cảm xúc trong thời gian qua, tôi và các đồng nghiệp luôn nhắc đi nhắc lại với người nghe rằng cảm xúc trước hết cần được ghi nhận và chấp nhận, cũng như khi ta có mất mát thì cần có thời gian để mình trải qua tang chế và tiếc thương.
Một đồng nghiệp của tôi từng chia sẻ công thức rất hay: Đau + chống cự → đau khổ. Đau chưa chắc đã gắn với khổ, nhưng nếu tìm cách chối bỏ, vật lộn, thay thế nó bằng cảm xúc nào khác, thì có thể sẽ cần nhiều thời gian hơn để một cá nhân thực sự đối diện và bước qua vấn đề của mình.
Chống lại sự tích cực độc hại
Chúng ta không thể thay đổi thế giới và cách người khác hành xử. Vì vậy, cách tốt nhất là bản thân phải “tăng cường miễn dịch” cho sức khỏe tinh thần.
Muốn như vậy, trước hết, mỗi cá nhân cần học cách tôn trọng sự hiện diện của các cảm xúc, tìm hiểu ý nghĩa của nó trong tình huống bất kể đó có phải là “cảm xúc tích cực” hay không.
Có thể chống lại sự TCĐH bằng các bí quyết sau:
#1. Cho phép bản thân có cả cảm xúc tiêu cực và tích cực
Một cách rất thú vị để làm điều này là thử đổi từ nối “nhưng” thành “và” khi nói về những cảm xúc trái ngược nhau trong cuộc sống của mình.
Ví dụ, thay vì nói “Em thấy may mắn vì vẫn đang an toàn ở nhà suốt mùa dịch nhưng em ghét việc phải làm việc căng thẳng ở nhà không được đi đâu”, bạn có thể nói “Em thấy may mắn vì vẫn đang an toàn ở nhà suốt mùa dịch và em ghét việc phải làm việc căng thẳng ở nhà không được đi đâu”.
Chỉ thay đổi cách diễn đạt một chút thôi có thể giúp não bộ chúng ta học cách chấp nhận sự tồn tại đồng thời của trạng thái tích cực và (tạm gọi là) “tiêu cực”.
Mỗi cá nhân cần học cách tôn trọng sự hiện diện của tất cả cảm xúc trong mình. |
#2. Tập viết nhật ký cảm xúc và thử thực hành các bài tập thở tĩnh tâm
Viết lại cảm xúc bất cứ lúc nào cảm thấy quá tải và cho bản thân vài phút ngắn trong ngày chỉ tập trung vào hơi thở thật sự rất hữu ích. Điều này đã được chứng minh trong các nghiên cứu về khoa học thần kinh.
#3. Học cách lắng nghe và chăm sóc bản thân
Khi đối mặt với những điều không như ý, chúng ta cần hiểu về khả năng mình có thể bị tổn thương và hãy quan tâm chăm sóc bản thân như cách mình đối xử với người thân yêu khi họ gặp biến cố.
Một thông điệp hàm ẩn khá sai lệch của TCĐH là “Cứ giữ cho mình lạc quan thì rồi thì cuối cùng mọi thứ sẽ qua”. Cách tiếp cận một chiều này làm giảm mạnh những nỗ lực hành động để đối diện vấn đề, giải quyết nỗi lo âu và chăm sóc tốt bản thân.
Hành động vì bản thân ở đây có nghĩa là sắp xếp để ngủ đủ giấc, vận động thường xuyên, ăn uống điều độ và lành mạnh, uống đủ nước và quan trọng nhất là chia sẻ nhiều hơn về những lo lắng của bản thân với những người thân yêu và bạn bè.
TCĐH khiến chúng ta phủ nhận những dấu hiệu cảnh báo tâm lý quan trọng (buồn, thất vọng, lo lắng) cố gắng thông tin đến não bộ rằng tinh thần và thể chất đang cần phải được chăm sóc.
Ở chừng mực nào đó, tất cả chúng ta đều có quyền lo lắng và đau lòng trước những biến cố đang xé toạc đất nước mình và thế giới ngay bây giờ. |
#4. Phát triển tinh thần “lạc quan giữa bi kịch” (Tragic Optimism)
Đây là cụm từ được sử dụng lần đầu bởi nhà tâm lý học hiện sinh - nhân văn Viktor Frankl. Mới đây, GS Scott Barry Kaufman, nhà khoa học tâm lý, trong bài viết đăng trên The Atlantic đã xem đó như là “liều thuốc giải” của TCĐH bởi đó là cách sống thực sự đem lại niềm hạnh phúc.
Tinh thần lạc quan giữa bi kịch bao gồm sự thấu hiểu và chấp nhận rằng bi kịch là điều không thể tránh khỏi trong sự tồn tại của con người và sự sẵn lòng tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống giữa những bi kịch ấy. Điều này hoàn toàn khác biệt với việc phủ nhận hay trốn tránh bóng tối rồi cố gắng để “sống tích cực hơn”.
Cuối cùng, hãy tự hỏi rằng bạn có đang thúc ép sự TCĐH lên bản thân trong đại dịch?
Hãy hiểu rằng chúng ta đã và đang trong giai đoạn khủng hoảng về sức khỏe lẫn kinh tế xã hội, một bối cảnh nguy cơ cao tạo ra các sang chấn tập thể, tức rất nhiều chấn thương về tinh thần đã đồng loạt xảy đến với hàng trăm triệu người trên thế giới khi phải chịu đựng căng thẳng cao độ trong thời gian dài, trải qua hay chứng kiến rất nhiều mất mát, thương tổn và hoang mang.
Vậy nên, ở một chừng mực nào đó, tất cả chúng ta đều có quyền lo lắng và đau lòng trước những biến cố đang xé toạc đất nước mình và thế giới ngay bây giờ.
Tôi không khuyến khích mọi người đắm chìm trong đau khổ và bi lụy, nhưng đừng để sự TCĐH cướp đi quyền có những ngày tồi tệ giữa cuộc khủng hoảng này của chúng ta.