Sự việc diễn ra trên cao tốc Highway 101 ở Palo Alto, California (Mỹ) sáng sớm hôm 30/11. Chiếc Tesla Model S phóng rất nhanh qua trạm kiểm soát. Cảnh sát phát hiện nhiều khả năng xe đang ở chế độ tự lái.
Tesla Model S là mẫu xe hiện đại được trang bị chức năng Autopilot, một dạng tự lái cần rất ít tương tác của tài xế. Vấn đề ở chỗ, chủ xe trên đang ngủ gật. Đội tuần tra cao tốc California ngay lập tức báo động và cử xe đuổi theo.
Tesla Model S có chế độ tự lái, tài xế chỉ cần đặt hờ tay lên vô lăng mà không cần tương tác gì thêm. |
Nhiều xe cảnh sát đã đuổi theo chiếc Tesla Model S có tài xế ngủ gật. Một xe cảnh sát chạy phía trước dọn đường, nhiều xe chạy phía sau cảnh báo các xe khác giảm tốc độ.
Phải mất 11 km và 7 phút trước khi cảnh sát làm chiếc xe dừng hẳn. Tesla Model S được trang bị cảm biến hiện đại. Xe sẽ giảm dần tốc độ và dừng hẳn xe khi phát hiện vật cản phía trước.
Báo chí địa phương cho biết, sau khi chiếc Tesla Model S dừng hẳn, cảnh sát đã phải đập vỡ cửa kính để lôi tài xế ra ngoài, người vốn dĩ vẫn đang “say giấc nồng”.
Tài xế được nhận diện là Alexander Samek, một nhân viên môi giới sống tại Los Altos, hạt Santa Clara, California. Người đàn ông này bị bắt giữ ngay sau đó và bị buộc tội lái xe nguy hiểm.
Hiện báo cáo của cảnh sát chưa xác định chiếc Tesla Model S đang trong chế độ tự lái khi xảy ra vụ việc. Tuy nhiên, từ dấu hiệu hiện trường có thể thấy chế độ Autopilot đã được kích hoạt.
Vấn đề ở chỗ Autopilot vẫn cần tài xế đặt tay vào vô lăng. Xe sẽ đưa ra cảnh báo liên tiếp khi phát hiện tài xế bỏ tay ra khỏi vô lăng. Nếu người lái không đáp lại các cảnh báo này, xe sẽ tự động giảm tốc độ và dừng hẳn.
Nhận xét về vụ việc hi hữu trên, sĩ quan cảnh sát Art Montiel của đội tuần tra cao tốc California cho rằng công nghệ tự lái có vai trò quan trọng. Tuy nhiên, tài xế cần ý thức được rằng công nghệ chỉ là một phần, cái chính người lái phải kiểm soát được xe ở mọi thời điểm.