Tên khoa học Basella rubra Lin., họ mồng tơi. Mồng tơi tính hàn, vị chua, vào 5 kinh tâm, can, tỳ, đại tràng, tiểu tràng. Có tác dụng thanh nhiệt lương huyết, chỉ huyết, chỉ lỵ, chữa ban chẩn, định sang tán nhiệt, lợi tiểu, giải độc, làm nhuận da, hoạt trường, không độc. Theo Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh còn có tác dụng hoạt thai làm dễ đẻ.
Trong mồng tơi chứa chất nhày pectin rất quý để phòng chữa nhiều bệnh làm cho rau mồng tơi có tác dụng nhuận tràng, thải chất béo chống béo phì, thích hợp cho người có mỡ và đường cao trong máu. Tác dụng trừ thấp nhiệt, giúp cho người lao động ngoài trời nắng nóng duy trì được sức khỏe phòng chống bệnh tật như mỏi mệt, háo khát, bứt rứt.
Sau đây là một số cách dùng rau mồng tơi để chữa bệnh "phòng the" ở nam giới:
- Tráng dương "yếu sinh lý": Rau mồng tơi, rau ngót, rau má. Mỗi thứ một nắm, 1 bộ lòng gà hay vịt, đủ cho một người lớn ăn 1 bữa. Nấu canh, ăn vã hoặc ăn với cơm. Tuần ăn vài lần. Nếu uống kèm nước cơm rượu hiệu quả càng lớn.
- Chữa di mộng tinh: Rau mồng tơi, đậu nành, lạc. Mỗi thứ một nắm nấu với 1-2kg xương lợn (xương ống tốt hơn). Hầm kỹ xương lợn trong nồi áp suất rồi mới cho đậu lạc vào, cuối cùng cho rau mồng tơi nấu thêm 10 phút. Có thể cho thêm tiêu bột, nước tương, nước mắm. Ăn nóng, ăn xong uống nước nóng.
- Chữa hoạt tinh: Trường hợp tinh xuất quá nhanh và sau giao hợp thường bị mệt mỏi đuối sức, xanh xao. Rau mồng tơi 1 nắm, rau giền tía 1 nắm nấu với một đôi bầu dục để nguyên lớp mỡ và vỏ bọc (không bóc vỏ), cho gia vị. Ăn nóng. Ăn xong uống nước trà gừng nóng sẽ tăng hiệu quả. Trước khi đi ngủ ăn 1 thìa vừng đen (đã rang thơm) nhai kỹ nhuyễn rồi nuốt. Xong uống 1 chén nước cơm rượu càng có hiệu quả cao hơn.
Chú ý: Rau mồng tơi tính mát lạnh nên dùng cẩn thận với người hay bị lạnh bụng đi ngoài. Để bớt lạnh, nên nấu kỹ hoặc phối hợp thêm các thức ăn khác nguồn gốc động vật.