Chiều 26/8/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Ủy ban đổi mới giáo dục và đào tạo đã chủ trì phiên họp thứ nhất thảo luận về nhiều nội dung lớn như đổi mới hệ thống giáo dục quốc dân; chương trình, sách giáo khoa; phương án tổ chức kỳ thi THPT.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trong Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo có nêu trước mắt giữ cơ bản hệ thống giáo dục nhưng có những vấn đề cần phải xem xem xét ngay vì liên quan đến đổi mới chương trình, sách giáo khoa.
Đối với giáo dục phổ thông, chương trình, SGK sẽ đổi mới theo định hướng tích hợp ở dưới, phân hóa ở bên trên, sâu theo năng khiếu.
Trước đó, trong báo cáo định hướng đổi mới hệ thống giáo dục, Bộ GD-ĐT cũng đề xuất và phân tích về những ưu điểm, hạn chế của 2 phương án giữ nguyên hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay (9 năm giáo dục cơ bản, 3 năm THPT) và thêm 1 năm ở bậc THCS (10 năm giáo dục cơ bản, 2 năm THPT).
Hiện tại dự thảo này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Các chuyên gia giáo dục lo lắng, nếu thực hiện theo phương án 2 (THCS kéo dài 5 năm) sẽ nảy sinh nhiều bất cập về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên…
Tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng một số vấn đề liên quan đến giáo dục phổ thông như số năm học, tổ chức trường chuyên cần được nghiên cứu tiếp.
Một vấn đề quan trọng cũng được ra thảo luận đó là việc tổ chức kỳ thi quốc gia chung trong năm 2015.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết kỳ thi quốc gia sẽ kế thừa những mặt mạnh, những thành công của kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như những ưu điểm của kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng theo hình thức ba chung
Công tác tổ chức coi thi, chấm thi sẽ được tiến hành theo cụm do các trường ĐH, CĐ chủ trì. Đề thi gồm các câu hỏi ở 4 trình độ tư duy nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng nâng cao với phần cơ bản đáp ứng cho hầu hết thí sinh và phần nâng cao nhằm phân hóa năng lực học sinh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết một nội dung lớn trong tổ chức kỳ thi và việc sử dụng kết quả kỳ thi chung là việc học sinh sau khi có kết quả thi mới đăng ký vào các trường ĐH, CĐ.
Đây là đổi mới rất lớn, có ý nghĩa quan trọng trong kỳ thi quốc gia sắp tới. Theo đó, quan điểm được thống nhất về nguyên tắc là một kỳ thi quốc gia, đảm bảo trung thực, là cơ sở xét tuyển cho các trường ĐH.
Về kỳ thi quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh việc tổ chức một kỳ thi được sự đồng thuận xã hội, nổi rõ nhất là 2 yêu cầu là xét tốt nghiệp và làm cơ sở căn cứ xét tuyển vào ĐH.
Đối với 3 phương án thi của Bộ GD-ĐT, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo Bộ tiếp tục lắng nghe các nhà khoa học, chuyên gia, ý kiến của người dân, các phương án của các đại biểu đưa ra tại phiên họp cũng như của ĐHQG Hà Nội đề xuất, từ đó lựa chọn phương án tối ưu, căn bản tạo thuận lợi cho học sinh.
“Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm về vấn đề này và sớm lựa chọn phương án để công bố. Bộ chọn phương án nào thì phải nêu rõ lý lẽ, giải thích cho người dân, xã hội hiểu và ủng hộ” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu.