Đại diện lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, vấn đề xác định lại số năm học của mỗi cấp học trong hệ thống giáo dục phổ thông còn cần thời gian hoàn chỉnh và thông qua Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo vào ngày 28/8, trước khi trình Quốc hội.
Theo vị này, dự thảo tờ trình đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa có nêu vấn đề xác định lại số năm học của mỗi cấp học trong hệ thống giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, việc này còn cần thời gian hoàn chỉnh và thông qua Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo vào ngày 28/8 tới trước khi trình Quốc hội. Sau khi có ý kiến chính thức của Chính phủ, dự thảo này sẽ được công khai để lấy ý kiến của rộng rãi trong xã hội.
Trong khi đó, là người trực tiếp tham gia phiên họp Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực ngày 20/8, PGS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho biết, tại phiên họp đã có rất nhiều ý kiến bàn luận về vấn đề này.
Các ý kiến tập trung vào những vấn đề thực tế đặt ra nếu Bộ GD-ĐT áp dụng phương án 10 năm cho giáo dục cơ bản ở bậc THCS. Cụ thể, nếu áp dụng có nghĩa là tăng thêm một năm với khoảng 1 triệu học sinh, chưa kể giáo viên, vào bậc học này. Điều này sẽ kéo theo vấn đề cơ sở vật chất với khoảng 30.000 phòng học mới cho học sinh.
Trong khi đó, bậc THPT lại trở nên “rỗng ruột” khi bị rút từ 3 triệu xuống còn 2 triệu học sinh. Những vấn đề trên trước mắt là bất khả thi vì sẽ khó khắc phục được.
Bên cạnh đó, trong phiên họp, khá nhiều thành viên hội đồng chia sẻ ý kiến xem xét lại việc giảm tải những kiến thức không cần thiết trong chương trình để gói gọn 9 năm THCS hiện nay cho giáo dục cơ bản.
Theo ông Nhĩ, trước đây Việt Nam đã từng có 7 năm, 8 năm cho bậc THCS, và việc triển khai phân luồng chính là ở bậc trung học phổ thông. Ông Nhĩ đề xuất bậc học này sẽ là “2 năm với học sinh xác định sẽ học tiếp lên đại học, và 3 năm với học sinh học nghề. Với khối học nghề, các em vừa học kiến thức THPT vừa học nghề và sẽ có các chương trình liên thông từ trung học nghề lên CĐ, ĐH nghề. Học sinh có khả năng và định hướng vào đại học nghiên cứu hay ứng dụng thì có thể chỉ cần 2 năm học THPT”.