Việc tìm trọ khá khó với các tân sinh viên. Ảnh: Raychan. |
Những ngày này, trang chủ Facebook của Minh Hằng (học sinh ở Quảng Ninh) lại có thêm những nội dung mới - bài đăng tìm phòng trọ. Dù đang trong thời gian đăng ký nguyện vọng, nữ sinh vẫn muốn tham khảo trước, nếu được thì “chốt” sớm để tránh sau này thiếu phòng hoặc bị tăng giá.
Tìm trọ sớm cho yên tâm
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, Hằng cho biết em đăng ký xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT vào một trường đại học ở khu vực quận Cầu Giấy. Nữ sinh áng chừng điểm thi của bản thân khá ổn, có thể trúng tuyển nguyện vọng mong ước nên muốn tìm chỗ ở sớm để tránh cập rập.
Thực ra, chị gái của Hằng đang sống tại Hà Nội và đã có chỗ trọ. Nhưng do nhà trọ hiện tại ở khu vực quận Hoàng Mai, khá xa so với trường mà Hằng định theo học, hai chị em quyết định tìm nhà trọ mới tại quận Cầu Giấy.
“Chị gái em biết lái xe máy và đã có xe nên có thể đi làm xa một chút. Hiện tại em chưa biết lái xe nên được ưu tiên tìm trọ gần trường để dễ đi học”, nữ sinh chia sẻ.
Minh Hằng tham gia loạt hội nhóm cho thuê nhà trọ. Ảnh: NVCC. |
Suốt một tuần qua, Hằng và chị gái đã tham khảo hàng loạt bài đăng cho thuê phòng trọ tại khu vực Cầu Giấy nhưng chưa thể “chốt” được nơi ở phù hợp. Nữ sinh khá sốc vì giá nhà cao hơn em nghĩ, một căn hộ dịch vụ hoặc chung cư mini đầy đủ nội thất lên đến mức 4,5-6 triệu đồng, căn 2 phòng ngủ có thể đắt hơn.
Phòng đắt là một chuyện, phòng có giống như ảnh hay không lại là một chuyện khác. Hằng kể rằng một lần, hai chị em tìm được phòng trọ khá đẹp, giá ổn. Chị gái nữ sinh đến tận nơi xem nhà mới phát hiện phòng thực tế không hề giống ảnh đăng mạng.
“Nếu không tìm được chỗ trọ ở Cầu Giấy, em sẽ sống ở chỗ trọ hiện tại của chị gái rồi đi xe buýt tới trường”, nữ sinh chia sẻ.
Khác với Minh Hằng có chị gái hỗ trợ trong việc tìm phòng, H.A., học sinh ở Vũng Tàu, chưa tìm được chỗ trọ. Nữ sinh cũng không có người thân ở TP.HCM để nhờ đến tận nơi xem phòng.
Hiện tại, H.A. chỉ đang tham khảo các nhà trọ ở khu vực TP Thủ Đức để tiện sau này đi học đại học. Em cũng đã tham khảo giá phòng thông qua một số bài đăng trên các hội nhóm trên Facebook, nhưng đang hơi băn khoăn vì giá phòng hơi cao so với dự tính của em và gia đình.
“Em mới xem thôi, chưa dám chốt vì chưa tìm được chỗ rẻ. Nếu khó tìm phòng trọ quá thì có thể em sẽ đăng ký ở ký túc xá, chỉ là hơi bất tiện ở việc không được nấu nướng”, H.A. nói.
Tìm trọ thế nào để tránh bị lừa
Trao đổi với Tri Thức - Znews về việc tìm phòng trọ, Nguyễn Tùng, người môi giới phòng trọ tại TP.HCM, cho biết thời gian này, người tìm trọ cho tân sinh viên đã có, nhưng chưa đông. Có thể trong một tháng tới, lượng tân sinh viên tìm phòng ở sẽ tăng mạnh hơn.
Khi nhu cầu tìm phòng tăng, anh Tùng khuyên các tân sinh viên cần cảnh giác và tìm hiểu kỹ khi tìm phòng trọ vì những bạn trẻ mới lên thành phố lớn rất dễ trở thành đối tượng của những trò lừa đảo.
Anh nói rằng lừa đảo thuê trọ có rất nhiều kiểu, nhưng phổ biến nhất là yêu cầu cọc tiền trước rồi mới cho xem phòng, hoặc kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó” - nghĩa là dùng ảnh phòng trọ đẹp để câu khách, nhưng phòng thực tế lại rất tệ.
Các bạn trẻ cần cẩn thận để tránh bị lừa, đồng thời tìm được nơi ở phù hợp, thoải mái. Ảnh minh họa: Pexels. |
Ngoài ra, một số bên cho thuê thường dùng những thuật ngữ cao siêu để “đánh tráo khái niệm” về các loại phòng, khiến các tân sinh viên nhầm lẫn và có nguy cơ thuê phải phòng trọ không đảm bảo chất lượng.
Do đó, cách tốt nhất để tìm được phòng trọ ưng ý là đến tận nơi, kiểm tra kỹ không gian, cơ sở vật chất, hệ thống phòng cháy chữa cháy và cả an ninh xung quanh khu vực trọ.
Nguyễn Tùng cũng khuyên các tân sinh viên tuyệt đối không được phép đặt cọc khi chưa được xem nhà và ký hợp đồng. Thậm chí, ngay cả khi đã được xem nhà, các bạn vẫn có nguy cơ bị kẻ gian lừa tiền.
Anh lấy ví dụ một số người không phải chủ nhà trọ, nhưng đăng bài cho thuê, dẫn khách đến xem nhà rồi yêu cầu đặt cọc, sau đó biến mất. Trong trường hợp này, chủ nhà thực sự cũng không thể chịu trách nhiệm.
Do đó, anh Tùng nhấn mạnh khi tìm hiểu và muốn thuê phòng, tân sinh viên cần kiểm tra kỹ người dẫn mình đi xem phòng là ai (có thể là người môi giới hoặc chủ nhà). Khi đi xem phòng, các bạn cũng nên đi từ 2 người trở lên, tránh đi một mình để không gặp những tình huống bất trắc.
Nếu phía cho thuê yêu cầu đặt cọc, các bạn nên yêu cầu người đó cung cấp các bằng chứng để chứng minh họ là người có quyền cho thuê (ví dụ căn cước công dân, giấy tờ nhà đất hoặc giấy ủy quyền cho thuê…).
Khi đặt cọc hay đóng tiền nhà, các bạn cần yêu cầu phía cho thuê cung cấp biên lai thu tiền, hợp đồng đầy đủ, có chữ ký xác nhận từ hai bên để đảm bảo quyền lợi cho mình.
“Một số nơi ký hợp đồng nhà trực tiếp với chủ nhà, cũng có nơi ký thông qua người môi giới nhưng mình khuyên các bạn nên ký trực tiếp với chủ nhà. Nếu phát sinh vấn đề trong quá trình thuê, các bạn sẽ dễ liên lạc và có thể đòi quyền lợi tốt hơn”, Nguyễn Tùng khuyên.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.