Sáng 10/1, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) thông tin với báo chí về 2 ca lấy mô, tạng từ người cho chết não hiến tặng cho 8 trường hợp trong chưa đầy 24 giờ.
Kết quả này góp phần tô đậm thêm thành tựu của ngành y tế Việt Nam. Đó là việc làm chủ chuyên môn cao, chuẩn bị chu đáo về trang thiết bị, hậu cần và vai trò điều phối đã đem hết hy vọng về cuộc sống mới cho hàng nghìn bệnh nhân chờ ghép tạng...
TS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho hay liên tục trong 24 giờ, tại bệnh viện đã diễn ra 2 ca lấy mô, tạng từ người cho chết não mang lại sự sống cho 8 trường hợp. |
6 bàn mổ, hàng trăm y bác sĩ
Theo TS Dương Đức Hùng, đây là kết quả của việc thay đổi trong chính sách truyền thông, vận động về hiến ghép mô tạng của bệnh viện.
"Là đơn vị đi đầu trong thực hiện ghép tạng, nhu cầu của người cần ghép rất lớn. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để vận động được gia đình một người chết não thực hiện hiến tạng để cứu giúp nhiều người khác hồi sinh sự sống. Bệnh viện đã thực hiện việc tư vấn cho gia đình các bệnh nhân nặng, đang nằm hồi sức để họ hiểu thêm về nghĩa cử cao đẹp của việc hiến tặng mô tạng để hồi sinh sự sống cho những trường hợp bệnh trọng khác cần ghép", TS Hùng nói.
Ông Hùng cho biết thêm trong khoảng một tháng, đội ngũ tư vấn chuyên môn của Bệnh viện Việt Đức đã tư vấn cho 5 gia đình có bệnh nhân nặng, chết não.
Đặc biệt, chỉ trong vòng hơn nửa ngày, chúng tôi đã phối hợp với đơn vị chuyên môn tiến hành vận động được 2 gia đình có người thân chết não hiến tặng mô tạng.
"Từ nguồn hiến tặng này đã mang lại sự sống cho 8 người, thậm chí bệnh nhân ghép gan còn 'trêu' bác sĩ khi ra viện có uống được rượu hay không để mời bác sĩ rượu cảm ơn", TS Dương Đức Hùng nói.
Trước đó, ngày 3-4/1, tập thể thầy thuốc Bệnh viện Việt Đức đã thực hiện thành công 2 ca lấy đa mô, tạng từ người cho chết não trong vòng 24 giờ. Đây là điểm nhấn ý nghĩa đầu năm 2024, đem đến hy vọng về cuộc sống mới cho hàng nghìn bệnh nhân chờ ghép tạng.
Nam bệnh nhân ghép gan vẫy tay chào các y bác sĩ từ phòng hậu phẫu. Ảnh: Đức Hùng. |
TS Hùng cho biết để thực hiện việc lấy - ghép tạng này, phòng mổ của Bệnh viện Việt Đức 'như trẩy hội' vì các kíp mổ sẵn sàng thực hiện việc lấy - ghép khi có thể thực hiện được ngay, đơn cử như 2 ca ghép tim tại bệnh viện diễn ra liên tiếp. 6 bàn mổ trong phòng mổ liên tục sáng đèn, hàng trăm y bác sĩ, chuyên gia, người lao động gián tiếp đã tham gia vào các ca hiến - ghép đa tạng này.
Tạng hiến của bệnh nhân N. và P.V.G. đã hồi sinh sự sống cho 8 người. Trong đó, có 2 bệnh nhận được ghép tim (có một bệnh nhân nữ chỉ 8 tuổi), 2 bệnh nhân được ghép gan và 4 bệnh nhân được ghép thận.
Vượt qua nỗi đau để cứu lấy sự sống
PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Việt Đức, cho biết những ngày cuối năm 2023, Đơn vị Tư vấn và Điều phối Ghép tạng tại Trung tâm Ghép tạng đã nhận được thông tin từ phòng khám Cấp cứu về 2 trường hợp bệnh nhân chấn thương sọ não nặng.
Đơn vị Tư vấn và Điều phối Ghép tạng đã nhanh chóng gặp mặt và chia sẻ kịp thời với gia đình của 2 bệnh nhân N. (Thái Nguyên) và P.V.G (Phú Thọ).
Hai bệnh nhân đều bị tai nạn giao thông xe máy và được Trung tâm y tế tuyến dưới chuyển đến Bệnh viện Việt Đức trong tình trạng chấn thương sọ não rất nặng, hôn mê sâu, Glasgow 3 điểm.
"Sau khi nghe bác sĩ giải thích về tình trạng của bệnh nhân, gia đình cả 2 bệnh nhân rất đau lòng, đặc biệt gia đình bệnh nhân P.V.G. ban đầu đã xin đưa bệnh nhân về tư gia, sau đó khi được đề cập đến việc hiến, mô tạng sau khi chết não, gia đình 2 bệnh nhân thấu hiểu việc hiến tạng có thể cứu sống nhiều cuộc đời khác nên đã quyết định đồng ý hiến mô, tạng", PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa cho biết.
Sau khi điều trị và hồi sức tích cực, các y bác sĩ đã rất cố gắng tìm cơ hội sống cuối cùng cho 2 bệnh nhân này nhưng kỳ tích đã không đến với gia đình. Hội đồng đánh giá chết não được thành lập, 3 lần test chết não, kết quả đều dương tính. Hội đồng và Ban Giám đốc Bệnh viện Việt Đức công bố 2 bệnh nhân đã chết não.
Mọi quy trình chuyên môn và thủ tục pháp lý nhanh chóng được hoàn thành. Ban Giám đốc Bệnh viện chỉ đạo ca ghép với sự tham gia của nhiều đơn vị chuyên môn như Trung tâm Ghép tạng, Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, Trung tâm Gây mê Hồi sức ngoại khoa, khoa Giải phẫu bệnh cùng các khoa - phòng - ban liên quan khác.
Bệnh nhân được đưa lên phòng mổ. Trước khi tiến hành lấy mô, tạng, đội ngũ y bác sĩ và nhân viên y tế có buổi lễ mặc niệm, cảm ơn bệnh nhân đã hiến mô, tạng của mình để cứu chữa những bệnh nhân khác.
PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Việt Đức, chia sẻ tại buổi cung cấp thông tin. |
"Hai cuộc đại phẫu được tiến hành liên tiếp trong vòng 24 giờ vào 20h40 ngày 3/1 và 9h30 ngày 4/1. Tạng và mô hiến của 2 bệnh nhân bao gồm 2 tim, 2 gan, 4 thận, 2 tĩnh mạch chủ chậu, 2 khí quản, 4 giác mạc, 11 đoạn gân.
Cùng lúc đó, bệnh nhân nhận cũng đang được chuẩn bị để tiến hành ghép tạng. Tất cả diễn biễn trong khi phẫu thuật đều được thực hiện đúng theo quy trình", TS Nghĩa nói.
Giám đốc Bệnh viện Việt Đức Dương Đức Hùng cho biết thêm Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã nhanh chóng điều phối 2 giác mạc, một gan sang Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và 2 giác mạc sang Bệnh viện Mắt Trung ương để kịp thời hồi sinh nhiều cuộc đời mới.
Theo Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, hiện nước ta có hàng chục nghìn người đang cần ghép mô, tạng để duy trì sự sống, song chưa thể thực hiện được vì không có đủ nguồn mô, tạng để ghép.
Tính từ thời điểm năm 2010 đến nay, Bệnh viện Việt Đức đã thực hiện được 59 ca ghép tim, 88 ca ghép gan, 185 ca ghép thận và nhiều ca ghép mô khác. Ghép mô, tạng là một trong những thành tựu quan trọng của ngành y tế trong việc chữa bệnh, đặc biệt đối với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do các mô, tạng bị suy giảm chức năng và không hồi phục được như: suy thận mãn, gan, tim, tuỷ, hỏng giác mạc...
Việc thực hiện thành công các ca ghép tạng từ người cho chết não mở ra cơ hội có cuộc đời mới cho nhiều bệnh nhân đồng thời thúc đẩy sự phát triển ghép tạng của ngành Y tế Việt Nam.