Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chưa đủ thuyết phục khi hạ chuẩn bài báo khoa học

Các nhà khoa học trong nước vẫn tranh luận sôi nổi trước điều chỉnh liên quan bài báo khoa học của nghiên cứu sinh tại quy chế đào tạo tiến sĩ mới được Bộ GD&ĐT đưa ra.

Nội dung gây tranh cãi nhất hiện nay của quy chế mới (còn gọi là Thông tư 18) đó là chấp nhận nghiên cứu sinh có bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước, được Hội đồng Giáo sư Nhà nước quy định khung điểm đánh giá tới 0,75 điểm trở lên.

Các ngành xã hội không khó để đăng bài trên các tạp chí quốc tế

Một số nhà khoa học cho rằng quy định này đi ngược lại xu hướng hội nhập của khoa học Việt Nam, “hạ chuẩn” so với quy chế cũ (Thông tư 08 ban hành năm 2017). Quy chế cũ không chấp nhận thí sinh chỉ có bài đăng trên các tạp chí trong nước, dù tạp chí đó được chấm bao nhiêu điểm.

Ở một góc nhìn khác, cũng như từ quan điểm của Bộ GD&ĐT, đó là những ngành khoa học xã hội của Việt Nam rất khó có thể đăng bài trên các tạp chí khoa học nổi tiếng thế giới, quy định mới chỉ là “sàn” tối thiểu, các cơ sở đào tạo có thể nâng chuẩn phù hợp với yêu cầu.

Chuan dao tao tien si anh 1

Một lễ trao bằng tiến sĩ. Ảnh: Tiền Phong.

Tuy nhiên, theo thống kê của thạc sĩ Hồ Mạnh Toàn (Trung tâm Nghiên cứu Xã hội Liên ngành, ĐH Phenikaa) trái ngược với nhận định Khoa học xã hội nhân văn khó đăng bài quốc tế, có thể thấy một loạt các ngành trong lĩnh vực này đã có tăng trưởng vượt bậc về số lượng công bố quốc tế trong 5 năm qua.

Trong đó, các chuyên ngành được xem là có “tính đặc thù”, tưởng chừng như rất khó công bố cũng có sự thay đổi đáng kể như: Nhân học, Văn học, Triết học, Thư viện và khoa học thông tin, Đô thị học…

Nếu như trong năm 2016 chỉ công bố được dưới 10 bài/ngành, thì đến các năm 2018, 2020, số xuất bản đều tăng dần lên tới “hai chữ số”. Đặc biệt ấn tượng là có chuyên ngành Thư viện và Khoa học thông tin, đến năm 2020, đã công bố được 77 bài.

Tương tự, các ngành khác như Tâm lý, Văn hóa, Luật, Khoa học chính trị và Quan hệ quốc tế, Lịch sử, Ngôn ngữ cũng đều có sự tăng trưởng đều từ 2016 đến 2020.

Thạc sĩ Hồ Mạnh Toàn cũng cho thấy chuyên ngành Kinh tế và Kinh doanh đã có bước tiến trong công bố quốc tế thời gian qua. Năm 2016, các nhà nghiên cứu kinh tế từ Việt Nam chỉ công bố được 107 bài, đứng thứ 57 thế giới, thì đến năm 2018, con số tương ứng đã lên tới 246 bài, xếp thứ 52 thế giới.

Hơn thế nữa, đến năm 2020, có sự tăng trưởng vượt bậc về số công bố trong ngành Kinh tế (1.024 bài, đứng thứ 20 thế giới). Tương tự, các ngành khác như Tâm lý, Văn hóa, Luật, Khoa học chính trị và quan hệ quốc tế, lịch sử, ngôn ngữ cũng đều có sự tăng trưởng đều từ 2016 đến 2020.

Từ số liệu đó, thạc sĩ Hồ Mạnh Toàn khẳng định sau Thông tư 08 về đào tạo tiến sĩ năm 2017 với sự chú trọng đến công bố quốc tế, nghiên cứu về Khoa học xã hội nhân văn ở Việt Nam đã có sự tăng trưởng rất đáng ghi nhận về trong mọi chuyên ngành hẹp. Và nhận định rằng Khoa học xã hội nhân văn Việt Nam là “đặc thù”, “khó đăng” hay “không phù hợp với quốc tế” cần phải xem xét lại.

Quốc tế hay quốc nội?

Cũng liên quan tiêu chí chấp nhận bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước, GS.TSKH Phạm Đức Chính, từng công tác tại Viện Cơ học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho rằng ông rất bất ngờ với Thông tư 18 của Bộ GD&ĐT khi từ bỏ tiêu chuẩn công bố quốc tế cho đào tạo tiến sĩ.

“Tại sao thông tư này được đưa ra vội như vậy mà không qua thảo luận trong cộng đồng khoa học như những năm gần đây”, GS Phạm Đức Chính đặt câu hỏi.

Theo ông, Thông tư này đi ngược lại với tinh thần của Quyết định 37 về tiêu chuẩn chức danh GS, PGS. Do đó, GS Chính cho rằng nếu có thay đổi, Thông tư 18 của Bộ GD&ĐT phải theo tinh thần cải tiến chứ không phải "cải lùi", và nên xin ý kiến cộng đồng khoa học trước khi đưa ra chính thức.

Ở góc nhìn khác, TS Hán Thành Trung, Khoa Điện - Điện tử, Đại học Tôn Đức Thắng - từ kinh nghiệm của bản thân, cho rằng dùng tiêu chí công bố quốc tế cũng rất tai hại. Nếu áp dụng tiêu chí này, điều khó khăn chỉ là tìm thầy biết cách sửa đổi, dùng kết quả ban đầu ở đâu đó mở rộng ra, là có thể có bài thuộc top tốt trong một thời gian ngắn. Người có kinh nghiệm viết tập trung thì 2 tuần hoặc cùng lắm là 2 tháng là đủ tiêu chí 2 bài tạp chí quốc tế uy tín.

TS Hán Thành Trung chứng minh bài đầu tiên của ông mất 4 năm mới hoàn thành, nhưng bài thứ 2 chỉ 2 tuần là xong cả kết quả lẫn bản thảo và xuất bản đúng hạn. Do vậy, TS Hán Thành Trung cho rằng quy định tại Thông tư 18 không có vấn đề gì. Vấn đề cốt lõi của đào tạo nghiên cứu sinh là đảm bảo nghiên cứu sinh làm nghiên cứu thật, làm toàn thời gian, và đủ thời gian trong phòng lab.

Đảm bảo điều kiện này, chắc chắn không cần quy định, cũng có 80% nghiên cứu sinh có kết quả công bố đạt chất lượng Q2 (tiêu chuẩn xếp hạng các tạp chí khoa học trên thế giới từ thấp đến cao từ Q1 - Q4) trở lên, 20% không may mắn nghiên cứu vấn đề hóc búa không ra kết quả, thì vẫn có thể xét tốt nghiệp do làm nghiên cứu nghiêm túc.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã có chỉ đạo Bộ GD&ĐT nghiên cứu các ý kiến góp ý trên tinh thần cầu thị, nghiêm túc; có hình thức phù hợp để trao đổi ý kiến thật sự khoa học và tiếp thu các ý kiến xác đáng nhằm nâng cao chất lượng và tiếp cận với chuẩn mực quốc tế trong đào tạo tiến sĩ. Đối với những ngành đặc thù thì có quy định cho phù hợp, đảm bảo chất lượng.

Lo ngại gia tăng tiến sĩ ‘dởm’ khi hạ chuẩn đào tạo

Việc nới lỏng, "hạ chuẩn" trong đào tạo tiến sĩ sẽ góp phần gia tăng số lượng tiến sĩ mỗi năm nhưng về chất lượng thì khó có thể tăng lên.

https://tienphong.vn/chua-du-thuyet-phuc-khi-ha-chuan-bai-bao-khoa-hoc-post1356471.tpo

Nghiêm Huê / Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm