Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ hiện điều trị cho 2 ca bệnh sốc sốt xuất huyết nặng, gồm bé gái 9 tuổi và trẻ nhỏ 6 tháng tuổi. Cả hai đều nhập viện trong diễn tiến nặng, sốt li bì nhiều ngày liền, được chẩn đoán suy đa cơ quan và phải dùng máy thở.
Trẻ nguy kịch vì sốc sốt xuất huyết
Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ gần đây tiếp nhận một bệnh nhi (nữ 9 tuổi, ngụ tại huyện Cờ Đỏ), được chuyển từ bệnh viện tuyến dưới sau khi sốt cao liên tục trong 3 ngày.
Em nhập viện trong tình trạng đừ, thở ậm ạch, chi lạnh, huyết áp kẹp, được nhanh chóng hỗ trợ hô hấp, chống sốc tích cực, bù dịch theo phác đồ và tiến hành các xét nghiệm theo dõi điều trị.
Kết quả xét nghiệm cho thấy men gan tăng cao, suy chức năng thận, nhiễm trùng. Các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị sốc sốt xuất huyết Dengue nặng, tái sốc 2 lần, suy đa cơ quan, suy hô hấp.
Diễn tiến xấu dần, em được đặt nội khí quản thở máy, kháng sinh liều cao và nhiều biện pháp hồi sức tích cực. Tuy vậy, tình trạng suy đa cơ quan của bệnh nhi vẫn không cải thiện.
Bệnh nhi bị sốc sốt xuất huyết Dengue nặng dẫn đến suy đa cơ quan, suy hô hấp. Ảnh: BVCC. |
Sau hơn 15 ngày điều trị tích cực với thở máy và lọc máu liên tục, chức năng gan thận của bệnh nhi dần hồi phục, ngưng lọc máu, tập cai máy thở.
Cũng cùng thời điểm trên, bệnh viện cũng tiếp nhận bé gái T.N.N.T. (6 tháng tuổi, ngụ tại Cái Răng) cũng bị sốc sốt xuất huyết.
Ba ngày trước nhập viện, bé sốt cao liên tục, sau đó lừ đừ, bú ọc 2-3 lần, tiêu lỏng một lần, được người nhà đưa nhập viện Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ.
Thời điểm nhập viện, bé vẫn còn sốt cao, suy hô hấp nặng, tràn dịch màng phổi. Các bác sĩ hỗ trợ bé thở máy, bù dịch chống sốc và kháng sinh cao cấp.
Sau 9 ngày điều trị, tình trạng lâm sàng của bé cải thiện. Trẻ dần được cai máy thở, hiện thở áp lực dương liên tục qua mũi và đang tiếp tục điều trị tại khoa Hồi sức.
Ca sốt xuất huyết Dengue đang tăng nhanh
Trong 3 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận 20.537 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 3 trường hợp tử vong.
Dù đang là mùa khô, diễn biến bệnh sốt xuất huyết ở miền Tây Nam bộ đang rất phức tạp, số ca mắc tăng, đặc biệt số trẻ bệnh nặng tăng do người lớn chủ quan.
Theo thống kê từ đầu năm đến nay tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, tổng số bệnh sốt huyết nhập viện tăng 3,78 lần (trong đó, sốt xuất huyết nặng tăng 5,5 lần), ngoại trú tăng 0,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Sốt xuất huyết Dengue có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, từ trẻ nhũ nhi đến trẻ lớn và người lớn. Ảnh: QT. |
Bác sĩ chuyên khoa II Trần Huỳnh Việt Trang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, khuyến cáo hiện nay, số lượng trẻ sốt xuất huyết đang tăng dần. Do đó, phụ huynh không nên chủ quan.
“Sốt xuất huyết Dengue có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, từ trẻ nhũ nhi đến trẻ lớn và người lớn. Mọi người cần luôn cảnh giác với Dengue vì có nguy cơ bệnh nặng và tử vong", khuyến cáo.
Trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue thường có biểu hiện sốt cao liên tục 2-7 ngày kèm dấu hiệu đau phía sau hốc mắt; nhức đầu; buồn nôn; chấm xuất huyết ở da (thường ở cánh tay, cẳng chân); chảy máu răng, máu mũi.
Khi trở nặng, người bệnh đau bụng nhiều, gan to, trụy tim mạch, tay chân lạnh, da nổi bông, ói máu hay tiêu phân đen.
Bác sĩ Trang cho hay bất kỳ trẻ em nào sốt 2-3 ngày trở lên có thể đang bị sốt xuất huyết Dengue. Phụ huynh nên đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.
Đặc biệt, các trường hợp sốt xuất huyết ở trẻ nhũ nhi dễ bị chẩn đoán nhầm lẫn với bệnh lý đường hô hấp, tiêu hóa do có triệu chứng của bệnh khác như nôn mửa, tiêu chảy hay ho sổ mũi.
Cuốn sách bên bờ sự sống
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.