Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

''Chưa viết thạo, học trò lớp 4 của tôi vẫn đạt loại giỏi'

Viết chính tả 10 dòng sai đến hơn chục lỗi, bảng cửu chương lúc nhớ lúc không, nhưng suốt 4 năm qua, cậu bé này luôn được giấy khen học sinh giỏi.

Gần đây, báo chí liên tục phản ánh tình trạng tại nhiều trường tiểu học, THCS trên cả nước 80-90% học sinh được xếp loại giỏi. Tiêu biểu, một lớp 50 học sinh có đến 49 em đạt loại giỏi, đứng cuối sổ vẫn là học sinh xuất sắc.

Ngành giáo dục đang trong tình trạng "bội thực" học sinh giỏi - Ảnh minh họa.

Trước những thông tin này, báo điện tử Zing.vn đã nhận được rất nhiều bình luận, chia sẻ của độc giả. Không chỉ bày tỏ sự bất bình về bệnh thành tích đang ngày càng nặng nề trong ngành giáo dục, nhiều người còn kể những câu chuyện của chính bản thân mình.

Mẹ xin cô giáo cho con từ xuất sắc xuống loại khá

“Dù bài thi Toán này của con có thể bị trừ 1, 2 điểm, có thể ảnh hưởng tới kết quả chung đi nữa thì sẽ tốt cho con hơn nhiều về sau này", trích bức thư của người mẹ này.

Xin trích đăng nguyên văn chia sẻ của độc giả N.T.T:

“Tôi là sinh viên năm cuối của ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng và đang nhận dạy kèm cho một bé trai học lớp 4. Cách đây một năm, khi nhận dạy, tôi được cha mẹ cho biết lớp 3 cháu được học sinh giỏi nên nghĩ chắc việc dạy của mình sẽ nhẹ nhàng. Nhưng lúc bắt đầu, tôi đã hiểu vì sao 12 người gia sư trước đó phải bỏ cuộc.

Môn tiếng Anh dù đi học thêm ở trung tâm ngoại ngữ nhưng bé chỉ biết hỏi tên tuổi mà thôi. Môn Toán bé không biết gì, cộng bốn con số thì sai lên sai xuống, nên khả năng tính nhẩm là chuyện xa vời, bảng cửu chương lúc nhớ lúc không.

Còn với môn tiếng Việt, lớp 4 mà các từ đơn giản như chuẩn bị. thiết thực, giận hờn, ă - â, bé cũng không phân biệt được. Các phụ âm như ch - tr, s - x , n - ng, ng - nh… hiếm khi cháu viết được nếu tôi không đánh vần. Bé cứ viết đoạn chính tả 10 dòng thì sai đến hơn chục lỗi.

Với trình độ này, tôi cho rằng em thậm chí còn không được lên lớp. Nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại, kỳ thi nào cháu cũng được điểm 9,10 và từ lớp 1 đến giờ năm nào cũng được cô giáo đánh giá là học sinh giỏi.

Thấy được cô giáo xếp loại tốt, nên cậu bé này cũng nghĩ rằng mình giỏi thật. Thời gian đầu, cháu tỏ ra rất lười học, lại hay nói dối “quên vở trên lớp” để tôi khỏi kiểm tra bài.

Bản chất ngoan và biết nghe lời, nên sau khi bị tôi và bố mẹ đặt roi bên cạnh để dọa, bé đã chăm chỉ hơn nhưng vẫn khó tập trung học.

Thời gian đầu dạy cháu, tôi không biết khi đi thi bé làm bài kiểu gì mà toàn 9,10 điểm trong khi đề toàn làm ở nhà cao nhất chỉ đạt 7 điểm dù bài dễ và không hề đánh đố. Thậm chí, các bài tập trong sách bé hầu như không tự giải được mà tôi phải hướng dẫn trước.

Lâu dần, tôi biết được nguyên nhân đó là do nửa tháng trước khi thi, giáo viên chủ nhiệm đều cho sẵn đề cương. Việc làm này chẳng khác nào cho các cháu biết trước đề. Bởi môn Tiếng Việt sẽ có khoảng 5 câu chọn ra 3-4 câu, còn Toán thì chỉ là thay số vào dạng bài đã ôn sẵn. Em nào thông minh chỉ cần mất một chút thời gian là học xong.

Nghiêm trọng hơn, môn Văn dù đã được giới hạn rất ngắn và học sinh của tôi đã bị bắt học thuộc nhưng đến giờ thi cháu vẫn mở văn mẫu ra chép như thói quen.

Cháu kể: “Cả lớp con bạn nào cũng vậy. Con mở ra chép để cho đúng chính tả”. Nghe thấy thế, tôi thắc mắc: “Con không sợ thầy giáo biết sao?”. Cháu hồn nhiên trả lời: “Thầy chưa bao giờ mắng, nên con nghĩ thầy không nhìn thấy đâu ạ”. Nghe cháu nói, tôi nghĩ chắc giáo viên đó lơ đi mà thôi!

Càng dạy cháu, tôi càng thấy thương khi học trong một môi trường như vậy. Bé luôn nói: “Lớp con giỏi nhiều lắm. Mấy bạn ấy vẫn chép bài con”.

Lớp 49 bạn giỏi, một bạn khá

Thời gian này các trường học trên cả nước đang tổ chức họp phụ huynh cuối năm để thông báo kết quả học tập của trò. Trong khi ở nhiều trường, xu hướng 80-90% học sinh đạt mức giỏi.

An Hoàng

Bạn có thể quan tâm