Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuẩn bị lấy chồng, cô gái phát hiện mắc ung thư vú

7 tháng phải chung sống với căn bệnh ung thư vú là ký ức không thể quên trong cuộc đời của Thanh Huyền khi tự chuẩn bị tóc giả cho mình sau mỗi đợt điều trị.

“Tôi chỉ cảm thấy mình kém may mắn. Kém may mắn vì “anh ấy” đến với tôi quá sớm. Một cô gái vô lo, vô nghĩ, một cô gái đang ở tuổi đẹp nhất cuộc đời, đang chuẩn bị bước vào cánh cửa hạnh phúc lứa đôi, một cô giáo trẻ tràn đầy nhiệt huyết phải đón nhận anh bạn không ai mong muốn này”.

“Anh ấy đến với tôi ngay khi bản thân có nhiều dự định, nhiều kế hoạch nhất, ngay lúc tôi đang hạnh phúc nhất và làm thay đổi tất cả”.

Gọi căn bệnh ung thư vú là “anh ấy”, Nguyễn Thị Thanh Huyền (sinh năm 1993, Phú Thọ) tâm sự về hành trình 7 tháng chung sống với ung thư. Trải nghiệm trong thời gian đó chắc chắn là những điều cô chưa bao giờ nghĩ đến, chưa bao giờ tưởng tượng và cũng không thể nào quên.

"Tôi bình thản đến kỳ lạ khi biết tin mình bị ung thư"

Nhìn nụ cười của Thanh Huyền, không ai nghĩ cô vừa phải trải qua khoảng thời gian ăn ngủ cùng ung thư. Nhận được tin dữ vào giữa tháng 9/2018, thời điểm đó, Thanh Huyền đang tất bật chuẩn bị giáo án cho năm học mới và dự định về một cuộc hôn nhân sẽ diễn ra cách đó không xa.

Chien thang ung thu sau 7 thang anh 1
Cô giáo Thanh Huyền trước và sau khi điều trị ung thư vú. Ảnh: NVCC.

"Một ngày khi tôi ngủ dậy, thấy trên ngực xuất hiện khối u nhỏ, tôi đi khám ngay. Sức khỏe mà, đùa sao được", cô nhớ lại.

Sau khi phải tiến hành hàng loạt xét nghiệm, vài ngày sau, cô nhận kết quả "U ác vú trái". Và thế là, chuỗi ngày gắn với bệnh viện, xạ trị, mùi thuốc sát trùng, sự đau đớn của cô bắt đầu từ đó.

Không để những suy nghĩ bi quan chiếm trọn tâm trí, Huyền bình tĩnh đón nhận tin dữ và chờ đợi những điều sẽ đến ở phía trước. "Không hiểu sao tôi bình thản đến kỳ lạ. Từ lúc biết tin cho đến khi bước vào phòng xạ trị tư tưởng tôi rất thoải mái. Tôi luôn nghĩ dù mình kém may mắn nhưng nhiều người còn khó khăn hơn, sao phải suy nghĩ nhiều?”, cô nói.

Buộc phải nhập viện để bắt đầu điều trị, cuộc sống của Huyền trở nên xáo trộn, cô không thể đi dạy, phải hoãn ngày cưới, bước vào những đợt xạ trị, hóa trị mà mỗi khi nhớ lại đều "rợn tóc gáy".

"Không chỉ đau đớn, hàng loạt tác dụng phụ bắt đầu xuất hiện. Đầu tiên là rụng tóc, tiếp đến là những thay đổi khó chịu trong cơ thể. Để bản thân không kịp hụt hẫng, tôi tự chuẩn bị cho mình một bộ tóc giả và rồi đeo chúng và ngắm mình trong gương sau mỗi đợt điều trị. Tôi tự trấn an bản thân phải cố gắng, không kêu ca hay than vãn, luôn giữ tinh thần thoải mái nhất", Huyền tâm sự.

Đối với những người bệnh ung thư, chi phí điều trị là một gánh nặng. Thanh Huyền cũng vậy. Gia đình không khá giả, bố mẹ đều làm nông cùng với đồng lương giáo viên ít ỏi khiến cô vất vả chạy vạy khắp nơi để chữa bệnh. “Toàn bộ chi phí chuẩn bị cho đám cưới tôi đều phải để lo cho những đợt hóa trị, thuốc thang, nhưng cũng không đủ. May mắn, tôi được họ hàng và bạn bè giúp đỡ”, cô chia sẻ.

Sau 7 tháng điều trị, Huyền có thể trở lại với cuộc sống bình thường. Những lời động viên, sự quan tâm của gia đình, người thân, đồng nghiệp và các học trò nhỏ giúp khoảng thời gian chung sống với ung thư không còn là cuộc chiến cô đơn.

Tạm biệt ung thư vú với Thanh Huyền hay những người đồng bệnh khác giống như việc được sống lần thứ hai.

“Có đôi lúc tôi nghĩ ông trời sao bất công với mình quá, nếu không vì bị bệnh thì tôi đã không bỏ lỡ nhiều cơ hội. Nhưng nhìn lại thì mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người”, Thanh Huyền tâm sự.

Mỗi cánh cửa đóng lại đồng nghĩa với việc một cánh cửa khác mở ra. Hiện tại cô đã có tổ ấm nhỏ của riêng mình. Hạnh phúc tuy đến chậm nhưng vẫn ngọt ngào và viên mãn.

“Sau khi chia tay được “anh bạn” ung thư tôi xây dựng cho mình chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý và khoa học. Còn rất nhiều điều chờ ở phía trước, tôi sẽ trân trọng từng phút giây được sống tiếp”, cô chia sẻ.

Ung thư vú ngày càng trẻ hóa

Không chỉ có Thanh Huyền phải trải qua nỗi đau khi đối mặt với căn bệnh ung thư vú, ngày càng nhiều phụ nữ trẻ lâm vào tình cảnh tương tự. Nhiều bệnh nhân ung thư vú chưa có gia đình, thậm chí vừa bước vào ngưỡng cửa đại học.

Năm 2018, các bác sĩ Bệnh viện K (Hà Nội) từng điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Thị Ánh (ở Nam Định) mắc ung thư vú khi mới 22 tuổi. Đây là một trường hợp điển hình mắc ung thư vú khi còn rất trẻ. Nữ bệnh nhân này bị ung thư vú phải giai đoạn 4, đã di căn đến gan.

Đối với người trẻ, bệnh ung thư vú phát triển mạnh, nhanh hơn so với người già, có những đặc điểm riêng chưa thể lý giải như tế bào tốc độ phát triển mạnh hơn, độ ác tính cao hơn, thụ thể nội tiết hay âm tính và thời gian giữ được ổn định bệnh cũng ngắn hơn.

Thống kê ở khu vực châu Á, Đông Nam Á, tỷ lệ ung thư vú ở người bệnh trẻ tuổi khá cao. Tại Việt Nam, bệnh ghi nhận nhiều ở độ tuổi từ 31-36, cao hơn các nước châu Âu, châu Mỹ. Đây là căn bệnh ung thư phổ biến ở phụ nữ Việt Nam và hầu hết nước trên thế giới.

Tại Việt Nam, theo báo cáo của các trung tâm ghi nhận ung thư, năm 2018 có 164.671 số ca mắc mới ung thư, trong đó ung thư vú chiếm 15.229 ca (9,2%). Trong 5 loại ung thư hay gặp nhất ở nữ giới, ung thư vú đứng vị trí đầu bảng với 43,1/100.000 dân, với tỷ lệ tử vong 12,9/100.000 dân.

Ung thư vú được xem là bệnh dễ phát hiện sớm nhất vì bệnh nhân có thể tự sờ thấy những bất thường xung quanh ngực. Với bệnh ung thư nếu được phát hiện sớm, tỷ lệ sống trên 5 năm tương đối cao. Bệnh nhân ung thư vú nếu phát hiện sớm ở giai đoạn I, tỷ lệ sống trên 5 năm là 100%.

Để phát hiện sớm bệnh, nữ giới cần thường xuyên tự tầm soát ung thư vú tại nhà và đừng chủ quan với các dấu hiệu nhỏ. Khoảng 80-90% bệnh nhân ung thư vú phát hiện có khối u khi ở giai đoạn 0-1 hoàn toàn có thể dùng tay sờ nắn để phát hiện.

Tự kiểm tra vú thường xuyên tại nhà là việc làm quan trọng cho tất cả nữ giới bước vào độ tuổi trưởng thành. Sau kỳ kinh 7 ngày, nữ giới có thể kiểm tra bằng cách tự sờ nắn ngực. Để thực hiện, nữ giới nên đứng trước gương, giơ hai tay lên đầu, dùng 3 ngón tay trỏ, giữa, áp út để xoa nắn xem vú có khối u hay tiết dịch bất thường không. Sau đó, chị em thực hiện các bước tương tự với tư thế nằm.

Nếu nhận thấy các dấu hiệu bất thường như có hạch ở nách, vú, cần đến cơ sở y tế khám để được thăm khám và điều trị kịp thời. Đối với phụ nữ ở tuổi ngoài 50, trung bình nên tầm soát ung thư vú 6 tháng/lần.

Báo động gia tăng bệnh ung thư vú ở nam giới Một báo cáo gần đây cho thấy tỷ lệ ung thư vú ở nam giới tăng 26% trong 25 năm qua và ngày càng có xu hướng gia tăng.

Tuổi thơ không thể mặc váy của người mẫu bị cắt chân do ung thư

Khi 9 tuổi, Jessica Quinn mắc bệnh ung thư xương và phải cắt bỏ một chân để ngăn di căn. Vượt qua hoàn cảnh, cô trở thành người mẫu truyền cảm hứng cho nhiều người.

Thiên Nhan

Bạn có thể quan tâm