Chuẩn bị nhảy việc trong năm mới
Trong không khí háo hức chờ đón Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, liệu bạn còn nhớ tới “lời thề” ngày 31/12 năm ngoái: “Đúng thời điểm này năm sau, mình sẽ có việc làm mới”.
(Ảnh minh họa: Thinkstock Images/Jupiterimages) |
Chỉ còn vài ngày nữa là năm cũ khép lại, bỗng nhiên bạn giật mình: “Một năm đã trôi qua và không có gì thay đổi nhiều!”. Khi thấy không hài lòng với việc hiện tại, một năm có thể là khoảng thời gian khá dài. Suốt 12 tháng đằng đẵng, bạn luôn mong chờ điều gì đó tốt đẹp hơn – không cần quá “hoành tráng”, chỉ là một công việc không khiến bạn phải ngần ngại lúc rời nhà mỗi sáng. Nhìn lại những gì đã làm, bạn mới thấy hối tiếc đã không dành đủ thời gian chuẩn bị cho sự thay đổi chỉ vì quá bận bịu.
Mời bạn tham khảo danh sách một số việc cần hoàn thành để có thể tự tin nhảy việc. Như vậy, sang năm tới nữa, bạn có thể nhớ ngược về ngày 1/1/2010 và nhận ra trình độ lẫn năng lực đã được cải thiện đáng kể.
Tham gia các khóa ngoại ngữ
Nếu từng học một ngoại ngữ nào đó ở bậc đại học nhưng lưỡi bạn đã “cứng” lại từ sau ngày tốt nghiệp do ít thực hành, năm mới là thời điểm hoàn hảo để tham gia các khóa rèn luyện “món” này. Rồi bạn sẽ thấy ngạc nhiên về chính bản thân cũng như những cơ hội nghề nghiệp mới.
Học kỹ năng nói trước đám đông
Bạn từng phải chịu đựng một buổi thuyết trình nhàm chán? Không phải ai cũng là nhà thuyết trình giỏi, thậm chí nhiều người còn không bao giờ thử cải thiện kỹ năng này. Nếu chưa yên tâm về cách trình bày thành công trước đám đông, bạn nên tham gia các khóa đào tạo để trở thành người nổi trội lúc đi xin việc. Các công ty luôn thích những ứng viên có thể gây ấn tượng với ban giám đốc hoặc bước vào khán phòng mà không nói lầm bầm và túa mồ hôi ướt cả áo. Khi bổ sung thêm được kỹ năng thuyết trình xuất sắc vào CV của mình, ngay lập tức bạn đã "ghi điểm" trong mắt nhà tuyển dụng.
Hoàn thiện bằng cấp chuyên môn
Nếu không thấy ngành nghề của mình đáng ghét, nhưng lại khó chịu với trạng thái nghề nghiệp bình ổn hiện thời, một tấm bằng biết đâu cũng giúp bạn thăng tiến. Dù bạn có một hay hai bằng cấp, đôi khi một tấm bằng mới có thể cho ban giám đốc thấy bạn tập trung và đam mê công việc thế nào. Hãy nhìn vào các tổ chức nghề nghiệp khác nhau trong lĩnh vực đang theo đuổi, bạn sẽ ngạc nhiên khi có không ít loại bằng cấp cần thiết cho sự nghiệp của mình.
Đừng quên bằng cấp bổ trợ
Đa số bằng bổ trợ đòi hỏi bạn phải bỏ công đèn sách khoảng hai năm, nhưng có loại bằng chỉ lấy mất của bạn một năm. Bằng bổ trợ khác với bằng chuyên môn vì nó có thể giúp bạn chọn ra hướng đi mới. Trong khi tấm bằng chuyên môn có thể chỉ nâng bạn nổi lên trong ngành nghề hiện tại, bằng bổ trợ - mà bạn nhận được sau thời gian theo học tại các học viện hoặc trường chuyên biệt – thường đủ sức mở đường cho bạn đến với nghề nào đó, bất chấp vốn kinh nghiệm trước đó.
Góp nhặt kiến thức từ hội thảo
Thỉnh thoảng, điều bạn cần để vươn đến một tầm cao khác chỉ là khóa học mới mẻ hơn hay cách thức đánh giá lại những gì bạn biết. Nhiều công ty thường tổ chức các buổi hội thảo hoặc hội nghị chuyên đề cho nhân viên, với đề tài bao quát từ nhiệm vụ chuyên ngành cho đến vấn đề chung như kỹ năng quản lý thời thời gian hay giám sát. Đăng ký dự một trong những hội thảo này, hoặc một khóa bên ngoài tại học viện nào đó, có thể giúp chứng tỏ với sếp rằng bạn rất quan tâm đến sự thăng tiến. Thậm chí, bạn có thể tiếp cận cấp trên để tìm hiểu xem liệu có khía cạnh nào ông/bà ấy muốn bạn cải thiện và tận dụng điều ấy làm điểm xuất phát.
Ty
Theo Bưu điện Việt Nam