Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

#FORMAT

Chuẩn bị những gì trước khi sống chung

Quyết định sống chung dựa trên trách nhiệm, suy nghĩ thấu đáo và có kế hoạch rõ ràng sẽ giúp bạn tránh được nhiều rủi ro cả về tài chính lẫn tinh thần.

song chung voi nguoi yeu anh 1

Quyết định sống chung dựa trên trách nhiệm, suy nghĩ thấu đáo và có kế hoạch rõ ràng sẽ giúp bạn tránh được nhiều rủi ro cả về tài chính lẫn tinh thần.

Sống chung với người yêu nằm trong số những cột mốc quan trọng ở bất kỳ mối quan hệ nào. Nó có thể đem đến trải nghiệm bổ ích, giúp hai bạn xây dựng nền tảng thiết yếu cho một cuộc hôn nhân vững bền.

Tuy nhiên, bạn phải tiếp cận cột mốc này đúng cách, theo chuyên gia tư vấn hẹn hò Jenna Birch. Nếu không có kế hoạch phù hợp, sống chung với người yêu có thể dẫn đến tan vỡ tình cảm và thảm họa tài chính.

Cùng bàn về lý do muốn sống chung

Nhiều cặp cho rằng sống chung giúp họ tiết kiệm khoản lớn tiền thuê nhà. Tuy nhiên, quyết định nghe chừng hợp lý ở góc độ tài chính không có nghĩa đúng đắn.

Trước khi dọn về ở chung, hãy tự hỏi bản thân liệu bạn có đang làm điều này vì mối quan hệ tình cảm hay không. Liệu đôi bên đã đều sẵn sàng cho bước tiến này, hay do có áp lực tác động đến quyết định?

Chia tay với người chưa phải vợ/chồng không phức tạp về mặt pháp lý, song nó có thể gây đau đớn về mặt tình cảm và bất lợi tài chính. Do đó, đừng gật đầu đồng ý khi chưa suy nghĩ thấu đáo.

Hiểu mong đợi của nhau

Nhiều người nghĩ rằng việc dọn đến ở cùng nhau là dấu hiệu cho “hạnh phúc mãi mãi”. Bởi vậy, họ chưa bao giờ thực sự hỏi bạn trai/gái xem mối quan hệ này sẽ đi đến đâu. Trong khi đó, đối phương có thể không cùng quan điểm về định nghĩa “sống chung”, bởi họ chưa suy nghĩ nhiều về mối quan hệ nghiêm túc trong tương lai.

Nếu muốn tiến đến hôn nhân, bạn phải nói với bạn trai/gái. Nếu chưa có kế hoạch kết hôn trong tương lai gần, bạn cũng phải nêu rõ quan điểm của mình.

Không có gì khủng khiếp hơn cảm giác như bị “lừa dối” do sai lệch thông tin. Hãy tránh giận dỗi, bực tức và nói chuyện thẳng thắn về kỳ vọng của nhau trước khi sống chung.

Ở cùng nhau dài ngày trước khi sống chung

Khi nghĩ rằng bạn có thể muốn sống cùng nhà với người yêu, hãy ở bên đối phương thường xuyên nhất có thể, chẳng hạn hẹn hò qua đêm dịp cuối tuần, đi du lịch dài ngày…

Sự thân mật phát triển trong những lần lưu trú ngắn hạn này khó có thể tìm thấy ở các cuộc hẹn hò truyền thống. Bạn có thể thấy người yêu bất ngờ bộc lộ sự tức giận, hoặc cách hành xử của đối phương khi bạn rơi vào tình cảnh khó khăn.

Nếu mối quan hệ vẫn tiếp tục phát triển và sâu đậm ngay cả khi cả hai không ở tâm trạng tốt nhất, việc chuyển đến sống chung sẽ là bước tiến tuyệt vời.

Bàn về tài chính

Hãy chia sẻ thẳng thắn về tình hình tài chính hiện tại của bạn: điểm tín dụng, khoản nợ chưa thanh toán, thu nhập, chi tiêu và số tiền bạn có thể bỏ ra hàng tháng khi sống chung.

Nếu cả hai đang đưa ra các quyết định tài chính lớn cùng nhau, hãy cân nhắc soạn thảo một thỏa thuận chung sống dựa trên pháp lý nhằm cung cấp sự bảo vệ cho mỗi bên nếu chẳng may chia tay hoặc đối phương qua đời, theo Forbes.

Hãy bàn xem ai sẽ là người chịu trách nhiệm chi trả các hóa đơn - xét từ quan điểm tài chính lẫn việc quản lý và thanh toán chúng đúng hạn hàng tháng.

Bạn có thể tạo một bảng tính về tất cả chi phí của đôi bên, chẳng hạn tiền điện nước, tiền chợ hay chăm sóc vật nuôi. Sau đó, nếu cả hai thống nhất sẽ cùng nhau thanh toán, hãy chia khoản chi theo % ở từng danh mục phù hợp với mức lương mỗi người.

Thống nhất về nơi sống

Các cặp thường chỉ bàn về điều này sau khi đã chấp nhận dọn về chung nhà, và việc đó có thể khiến mối quan hệ đổ vỡ. Do đó, tìm hiểu sớm về địa điểm sống phù hợp với nhu cầu và túi tiền của cả hai sẽ càng có lợi. Hãy hỏi “nửa kia” về yêu cầu về nhà ở và xác định điều nào họ có thể thỏa hiệp với bạn.

Chuẩn bị cho những điều chưa biết

Luôn có những ưu và khuyết điểm khi chuyển đến sống với ai đó. Có những điều bạn sẽ không thể biết cho đến khi sống chung với người yêu.

Một mặt, bạn có thể thấy rất thuận tiện khi luôn được kề cạnh với người yêu, hoặc đối phương là một “bạn cùng nhà” ngăn nắp và tôn trọng bạn. Mặt khác, họ có thể ngáy to trong giấc ngủ hoặc gây bừa bộn nhà vệ sinh mỗi sáng.

Tuy nhiên, nếu bạn lường trước được phần nào và đủ thông cảm, chia sẻ, bạn sẽ đủ tinh thần để thỏa hiệp những tình huống tranh cãi, khó khăn trong tương lai.

Phân chia trách nhiệm việc nhà

Hãy làm cho việc sống chung trở nên dễ dàng hơn đối với cả hai bằng cách thảo luận về việc nhà. Chẳng hạn, bạn có thể ghét rửa bát nhưng không ngại quét nhà, hoặc người yêu bạn thích nấu nướng nhưng ghét dọn nhà vệ sinh.

Do đó, hãy thiết lập danh sách việc nhà mà mỗi người nhận trách nhiệm đảm đương. Tuy nhiên, đừng coi đó là những quy tắc nghiêm ngặt, làm mất đi niềm vui và tinh thần tự giác trong cuộc sống chung.

song chung voi nguoi yeu anh 3

Ảnh: Alamy.

Tạo không gian riêng

Sống chung không đồng nghĩa hai bạn phải làm mọi thứ cùng nhau. Bạn sẽ không muốn rơi vào tình trạng bị phụ thuộc - nơi bạn từ bỏ tình bạn, sở thích riêng và mối quan tâm cá nhân của mình.

Hãy dành 1-2 ngày/tuần cho bản thân, dù đó là nằm nhà xem bộ phim yêu thích hoặc đi chơi với bạn bè. Thời gian riêng tư sẽ giúp bạn tận hưởng lúc bên người yêu nhiều hơn.

Bên cạnh đó, hãy đặt ra giới hạn cho nhau và trao đổi rõ ràng về vấn đề này. Chẳng hạn, đối phương là người hướng nội, không thoải mái với việc nhóm bạn của bạn đột ngột xuất hiện và tổ chức tiệc tại gia.

Sẵn sàng “kế hoạch hậu chia tay”

Thật dễ hiểu khi ít cặp không chuẩn bị cho kế hoạch này. Chẳng ai muốn bàn về một tương lai không có nhau. Tuy nhiên, có một kế hoạch phòng trừ khả năng chia tay vẫn là một ý kiến hay. Hãy nhớ rằng các cặp sống chung trước hôn nhân không có sự bảo vệ của pháp luật.

Hãy tôn trọng tài sản riêng của nhau, đồng thời xem xét món đồ nào có quyền sở hữu chung. Chúng có thể được bán đi và chia đôi số tiền thu được cho mỗi người trong trường hợp chia tay.

Cuối cùng, hãy xem xét việc chia tay ảnh hưởng như thế nào đến vật nuôi chung. Ai sẽ là người chăm sóc chúng hậu chia tay? Khi nào bạn được đến thăm hoặc đến lượt chăm sóc chúng?

Vẫn là trải nghiệm đáng giá dù chuyện không thành

Bạn sẽ chưa thực sự biết liệu mối quan hệ của mình có tồn tại lâu dài hay không cho đến khi sống bên người yêu 24/7. Trong quá trình đó, bạn có thể thấy phù hợp, hoặc nhận ra chuyện này sẽ không đi đến đâu.

Tuy nhiên, đừng sợ chuyện sống chung. Đó có thể là cơ hội để hai bạn yêu nhau theo một cách hoàn toàn mới. Hơn nữa, quyết định sống chung dựa trên trách nhiệm, suy nghĩ thấu đáo và có kế hoạch rõ ràng sẽ giúp bạn tránh được nhiều rủi ro cả về tài chính lẫn tinh thần.

Cách đối phó với câu hỏi 'Bao giờ cưới?'

Những câu hỏi giục cưới từ phía gia đình, họ hàng có thể gây áp lực vô hình và chia rẽ các cặp yêu nhau.

Ánh Dương

Đồ hoạ: Yến Nhi

Bạn có thể quan tâm