Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Black Friday không còn chen chúc, xếp hàng từ sớm

Nhiều bạn trẻ sẵn sàng chi tiền mua sắm dịp Black Friday, song ra về "trắng tay" vì không tìm được sản phẩm ưng ý.

9h ngày 26/11, Ly (24 tuổi) có mặt tại trung tâm thương mại Vincom Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng). Cô dự định sẽ chi tiêu khoảng 4 triệu đồng cho quần áo vào đợt giảm giá Black Friday.

Sau khoảng 45 phút dạo quanh khu mua sắm, cô vẫn chưa tìm được món đồ ưng ý. Tuy nhiên, Ly không cảm thấy thất vọng.

“Chiều nay và có lẽ cả cuối tuần, tôi sẽ ghé qua những khu mua sắm khác để ngắm nghía thêm. Khác với nước ngoài, chương trình khuyến mãi Black Friday của các hãng ở Việt Nam thường kéo dài cả tuần”, cô chia sẻ với Zing.

“Hơn nữa, tôi nghĩ mình không cần vội vàng, bởi hết đợt giảm giá này sẽ đến dịp sale 12/12 ngay thôi”, cô nói thêm.

Dịp mua sắm ảm đạm

Theo ghi nhận của Zing, “ngày thứ 6 đen tối” tại Hà Nội năm nay có phần ảm đạm, kém sôi động hơn so với 3-4 năm trước.

Trên những phố mua sắm như Bà Triệu, phố Huế (quận Hoàn Kiếm) hay Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa), các cửa hàng thời trang bán lẻ không vội mở cửa từ sớm.

Các trung tâm thương mại ở Hà Nội cũng vắng hẳn cảnh dòng người xếp hàng, chen chúc, tranh nhau săn đồ hiệu giảm giá.

Đến trưa, lượng khách vẫn ở mức không khác so với ngày thường, bất chấp những biển quảng cáo hấp dẫn như "dịp giảm giá lớn nhất năm”, “sale tới 80%”...

Phần lớn khách hàng đi mua sắm mang tính chất tham khảo mẫu mã hoặc “thật ưng mới mua”.

Black Friday khong con chen chuc xep hang anh 5

Cặp bạn thân Thùy Linh (18 tuổi) và Trí Đức (18 tuổi) đã "ngắm" sẵn một số sản phẩm trước khi đi mua sắm. Song, khi đến cửa hàng, họ chưa ưng ý với món đồ hoặc không tìm được cỡ phù hợp.

Kiên (22 tuổi) và Hoàng (21 tuổi) dành buổi sáng để ghé qua một số cửa hàng thời trang, giày dép hàng hiệu trong trung tâm thương mại. Họ dự định sẽ tiêu khoảng 5 triệu đồng mỗi người.

Tuy nhiên, cả hai đều không đặt nặng chuyện săn sale. Họ sẵn sàng “quẹt thẻ” mua sản phẩm không giảm giá, miễn là chất lượng tốt và có giá hợp lý.

“Hôm nay, chúng tôi không tính trước sẽ mua gì, cứ đến xem đồ đã. Tôi thích tới trực tiếp tại cửa hàng hơn săn sale trên mạng. Nhờ vậy, tôi mới có thể kiểm tra kỹ chất lượng sản phẩm, cũng như thử trang phục lên người xem có vừa vặn, phù hợp không”, Kiên chia sẻ.

Tương tự, An (21 tuổi) và bạn trai Trí (26 tuổi) bắt đầu mua sắm từ sáng. Cả hai cho biết họ không giới hạn chi tiêu cho ngày hôm nay, và sẵn sàng mua sản phẩm yêu thích dù không giảm giá.

Tuy nhiên, sau khi dạo quanh cả hai trung tâm thương mại Vincom Bà Triệu và Tràng Tiền Plaza, họ vẫn rời đi "trắng tay".

"Mặc dù đi shopping với tâm lý thoải mái về tiền bạc, tôi chưa sắm gì vì không thấy món đồ nào vừa ý", cô nói.

Black Friday khong con chen chuc xep hang anh 6

Thành (trái) và Nguyên cân nhắc kỹ trước khi "xuống tiền".

Dù sẵn sàng chi 10 triệu đồng cho dịp Black Friday đầu tiên của cả hai, Nguyên (18 tuổi) và bạn trai Thành (18 tuổi) rời khỏi trung tâm thương mại chỉ với một túi đồ trên tay.

“Sau gần một tiếng lên xuống khắp 3 tầng, tôi chỉ chọn được một chiếc quần bò cho bạn trai. Tôi chưa ngắm được sản phẩm nào cho mình”, Nguyên nói.

Cô cho biết khu mua sắm ngập tràn chương trình khuyến mãi lớn và hấp dẫn, nhưng thật khó để cô tìm được sản phẩm vừa ý. Ngoài ra, một số cửa hàng chỉ áp dụng sale cho sản phẩm mẫu mã cũ hoặc đồ mùa hè.

“Mặc dù đây là dịp Black Friday đầu tiên săn sale đồ hiệu trực tiếp tại cửa hàng, tôi không quá hào hứng về mức giảm giá, mà cân nhắc kỹ về mẫu mã và chất lượng sản phẩm. Từ giờ đến trưa, tôi và bạn trai sẽ ghé qua một số thương hiệu thời trang lớn khác xem có ‘thu hoạch’ thêm được gì không”, Nguyên nói.

Chi tiêu khôn ngoan vào ngày Black Friday

Những chiêu trò quảng cáo của các nhà bán lẻ dịp mua sắm này có thể khiến bạn "xiêu lòng" và chi trả cho sản phẩm không thực sự cần thiết.

Hồng Chang

Bạn có thể quan tâm