Chấn thương ở lưng đã khiến Anett Kontaveit phải chia tay con đường thi đấu chuyên nghiệp. Ảnh: REUTERS/Carlos Perez Gallardo. |
Theo Insider, Kontaveit quyết định chia tay quần vợt chuyên nghiệp khi được chẩn đoán mắc chứng thoái hóa đĩa đệm thắt lưng. Đây là căn bệnh mà sụn hỗ trợ cột sống bị thoái hóa, gây đau lưng.
Thông thường, căn bệnh này chỉ xuất hiện ở người lớn tuổi và do tình trạng quá tải kéo dài. Tay vợt người Estonia chia sẻ rằng căn bệnh này khiến cô không thể hoàn thành giáo án tập luyện và thi đấu.
Giới chuyên môn đánh giá Kontaveit sở hữu phong cách đánh sử dụng tốc độ, sức mạnh khá nhiều. Đó cũng có thể là lý do khiến cô dính chấn thương nghiêm trọng và phải giải nghệ sớm.
“Tôi phải thông báo rằng tôi phải kết thúc sự nghiệp thi đấu đỉnh cao. Tôi không thể tiếp tục cạnh tranh ở đẳng cấp cao nhất”, Kontaveit buồn rầu chia sẻ trên trang cá nhân.
Kontaveit bắt đầu thi đấu quần vợt chuyên nghiệp vào năm 2010. Sau đó, cô giành được 6 danh hiệu đơn nữ trong hệ thống WTA. Tháng 6/2022, tay vợt này leo lên vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng thế giới. Đây là thứ hạng cao nhất mà cô từng đạt được trong sự nghiệp.
“Tôi thậm chí chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể vào top 100 thế giới khi bắt đầu sự nghiệp. Quần vợt đã cho tôi, dạy tôi nhiều điều và tôi rất biết ơn. Điều quan trọng nhất đối với tôi là có thể mang lá cờ Estonia đến khắp các sân vận động và thi đấu trước khán giả trên toàn thế giới”, Kontaveit thổ lộ.
Giải đấu cuối cùng của Kontaveit sẽ là Wimbledon 2023.
Theo Cleveland clinic, thoái hóa đĩa đệm xảy ra khi đĩa đệm cột sống bị mòn đi. Đĩa đệm cột sống là đệm cao su giữa các đốt sống của bạn (xương trong cột sống của bạn).
Chúng hoạt động như bộ giảm xóc và giúp bạn di chuyển, uốn cong và vặn thoải mái. Đĩa đệm cột sống thoái hóa theo thời gian và là một phần bình thường của quá trình lão hóa.
Tuy nhiên, một số người có thể xảy ra thoái hóa đĩa đệm sớm hơn, chẳng hạn béo phì, chấn thương cấp tính (ngã), hút thuốc, người làm công việc thể chất…
Các triệu chứng phổ biến nhất của bệnh thoái hóa đĩa đệm là đau cổ và đau lưng. Cơn đau này có thể đến rồi đi, mỗi lần kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng.
Người bệnh thường bị tê hoặc ngứa ran ở tay chân, tỏa xuống lưng và mông. Cơn đau trở nên tồi tệ hơn khi ngồi, nâng vật nặng hoặc uốn cong…
Ăn uống lành mạnh có thể giúp cải thiện tâm trạng, đặc biệt là đối với những người có dấu hiệu căng thẳng, trầm cảm. Rất nhiều loại vitamin, khoáng chất như folate (B9), B12, vitamin B1 (thiamine) và B6 (pyridoxine)... đóng vai trò then chốt trong việc ngăn ngừa và xoa dịu trầm cảm.
Cuốn sách Ăn gì cho khỏi thần kinh của tác giả Uma Naidoo là cẩm nang về cách lựa chọn, sử dụng và chế biến thực phẩm để hỗ trợ sức khỏe tâm thần. Tác giả là một chuyên gia trong lĩnh vực dinh dưỡng tâm thần học, mang tới kiến thức dinh dưỡng để tăng cường hệ miễn dịch và đối phó với các bệnh trạng về tâm lý.