Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cô gái 18 tuổi xin bác sĩ được trữ đông trứng, chờ ngày làm mẹ

Nữ sinh đến gặp bác sĩ tư vấn để trữ đông trứng. Tuy nhiên, cô gái không gặp bất cứ vấn đề sức khỏe nào.

co gai xin tru trung anh 1

Trữ đông trứng là phương pháp bảo tồn khả năng sinh sản được nhiều phụ nữ quan tâm. Ảnh minh họa: Pexels.

“Ở độ tuổi này, với thể trạng khỏe mạnh như thế này, em trữ đông trứng làm gì”, TS.BS Nguyễn Hữu Trung, giảng viên bộ môn Phụ sản, Đại học Y dược TP.HCM, lặp đi lặp lại với cô gái trẻ.

K.T. (18 tuổi, sinh viên ở TP.HCM) đến gặp bác sĩ Trung với nguyện vọng được thực hiện kỹ thuật trữ đông trứng. Nguyên nhân xuất phát từ sự lo sợ không thể mang thai và sinh con tự nhiên nếu gặp bất trắc sức khỏe trong tương lai.

Trữ trứng làm “của để dành”

“Sau khi khai thác tiền sử bệnh của T. cùng với kế hoạch tương lai, tôi đã từ chối và khuyên cô nên suy nghĩ về chuyện này trong tương lai xa hơn. Muốn có 'của để dành' cho tương lai và lo lắng về sức khỏe sinh sản là tốt, nhưng không phải bất kỳ ai, tình huống nào cũng nên trữ trứng”, bác sĩ Trung kể lại.

K.T. có sức khỏe tốt, chức năng buồng trứng bình thường. Tuy nhiên, các thông tin trên mạng xã hội về nguy cơ vô sinh, hiếm muộn, nhiều người teo buồng trứng ở độ tuổi quá trẻ… khiến cô gái lo lắng.

Bên cạnh đó, theo bác sĩ Trung, vấn đề đáng cân nhắc nữa là chi phí trữ trứng đông là không nhỏ đối với một nữ sinh 18 tuổi.

“Tôi đã khuyên cô gái nên tập trung cho chuyện học tập, sinh hoạt bình thường, khi nào lớn tuổi hơn, tối thiểu sau 30-33 tuổi mà chưa nghĩ đến chuyện có con, lập gia đình thì hãy nghĩ đến việc này”, bác sĩ Trung kết luận.

Một trường hợp khác cũng đến gặp TS Nguyễn Hữu Trung là vợ chồng nữ bệnh nhân 25 tuổi. Cô được chẩn đoán ung thư vú, chuẩn bị bước vào giai đoạn điều trị ung thư với hóa trị và xạ trị nên quyết định trữ đông trứng.

“Quyết định này lại hợp lý, nên thực hiện bởi điều trị ung thư có thể ảnh hưởng phần nào đến chức năng buồng trứng”, ông nói thêm.

TS.BS Nguyễn Hữu Trung nhấn mạnh đối với việc trữ trứng, khi tư vấn cho mọi người, bác sĩ cần thấu hiểu được hoàn cảnh của từng người, tiền sử sản phụ khoa từ giai đoạn dậy thì, khai thác từng hoàn cảnh cá nhân của từng người và các dự định trong tương lai của họ để tư vấn phù hợp. Bởi việc trữ trứng càng lâu, chi phí càng cao.

Khi nào nên nghĩ đến chuyện đi trữ trứng?

Trữ đông trứng là phương pháp bảo tồn khả năng sinh sản được nhiều phụ nữ quan tâm. Kỹ thuật này được nhiều người đánh giá là bảo hiểm sinh sản cho phụ nữ khi muốn trì hoãn thời điểm mang thai và sinh con.

Để thực hiện trữ trứng, phụ nữ cần được kích thích buồng trứng và chọc hút trứng. Trứng được chọc hút từ buồng trứng sẽ được bảo quản ở nhiệt độ âm sâu (-196 độ C) trong môi trường nito lỏng.

Thông thường, đứng trước một trường hợp trữ trứng, bác sĩ sẽ cân nhắc trên nhiều yếu tố về tuổi, bệnh lý đi kèm, dự định có con trong tương lai. Số lượng và chất lượng trứng của người phụ nữ sau tuổi 35 sẽ giảm dần. Vì vậy, trữ trứng nên được thực hiện trước 35 tuổi.

co gai xin tru trung anh 2

Nơi lưu trữ và đông lạnh tinh trùng, noãn, mô buồng trứng, mô tinh hoàn hoặc phôi để sử dụng cho các chu kỳ điều trị. Ảnh: Duy Hiệu.

Theo TS.BS Nguyễn Hữu Trung, về vấn đề trữ đông trứng, theo lý thuyết, một số nghiên cứu cho thấy vài năm sau rã đông, trứng vẫn đạt hiệu quả tốt.

Tuy nhiên, chuyên gia này lưu ý khi quyết định trữ trứng, phụ nữ nên có kế hoạch tương đối rõ ràng là tình hình sức khỏe thế nào, trữ trứng trong bao lâu, kế hoạch sinh con ra sao.

“Ngoài vấn đề chất lượng trứng trữ, điều cần quan tâm là ở độ tuổi càng lớn, việc mang thai và sinh con cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Vấn đề nuôi dạy, giáo dục con khi bố mẹ ở độ tuổi quá lớn cũng khó đảm bảo em bé phát triển tốt nhất về mặt thể chất, tinh thần, xã hội”, bác sĩ Trung nói thêm.

Phụ nữ sau 30 tuổi mà chưa có kế hoạch lập gia đình hay sinh con có thể nghĩ đến chuyện trữ trứng. Hoặc khi người phụ nữ có mẹ hoặc chị gái có tiền sử mãn kinh sớm, giảm dự trữ buồng trứng, suy buồng trứng sớm… có thể thăm khám phụ khoa, làm các xét nghiệm đánh giá dự trữ buồng trứng. Nếu xác định dự trữ buồng trứng có khuynh hướng giảm, họ có thể xem xét được trữ trứng.

Ngoài ra, những trường hợp bất khả kháng khác là phụ nữ sắp bước vào cuộc hóa trị, xạ trị điều trị ung thư… nên cân nhắc kế hoạch này. Lý do là phác đồ điều trị ung thư thường lâu dài, các hóa chất có thể khiến buồng trứng bị ảnh hưởng.

“Quá trình thực hiện trữ đông trứng không mất nhiều thời gian. Giai đoạn kích thích buồng trứng chỉ mất 10-12 ngày, chỉ cần khoảng 2 tuần, các quy trình có thể hoàn tất”, bác sĩ Trung thông tin thêm.

Bên cạnh đó, bác sĩ Trung cũng khuyến cáo không phải mọi người đều tự ý đến để lưu trữ trứng đều được đáp ứng. Tùy từng trường hợp cụ thể, bạn phải gặp bác sĩ để thăm khám xem trường hợp mình có chỉ định thực hiện trữ trứng hay không.

Quy trình trữ trứng khá "gọn” nhưng phụ nữ vẫn phải trải qua thủ thuật chọc hút trứng như trong thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Những nguy cơ về gây mê (tiền mê), xuất huyết trong ổ bụng… hiếm xảy ra song vẫn có thể có.

Chữa lành bằng sách

Mục Sức khỏe giới thiệu một số cuốn sách về chủ đề sức khỏe tâm thần dành cho bạn đọc có quan tâm:

Chữa lành sau sang chấn: "Chữa lành sau sang chấn" là một cách tiếp cận sức khỏe tinh thần, thể chất và tâm linh gọi là tâm lý học toàn diện, nơi người tham gia cam kết thực hành mỗi ngày để tự giúp mình khỏe mạnh bằng cách phá vỡ các khuôn mẫu tiêu cực, chữa lành quá khứ.

Đại dương đen là tiếng nói sẻ chia với thế giới của người trầm cảm, đồng thời là lời kêu gọi xóa bỏ định kiến xã hội, để những con người ấy có cơ hội được sống hạnh phúc.

Chưa đến 30 tuổi đã suy buồng trứng

Tại Bệnh viện Bưu Điện, bệnh nhân trẻ tuổi đến khám và phát hiện bị suy buồng trứng ngày càng nhiều. Một số người sau 1-2 năm đã mãn kinh, trường hợp may mắn kéo dài được vài năm.

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm