Bác sĩ Trịnh Văn Du, Trung tâm hỗ trợ sinh sản, thăm khám, tư vấn cho bệnh nhân. Ảnh: Phương Anh. |
"Em muốn trữ trứng để vài năm nữa nếu không lấy chồng sẽ làm mẹ đơn thân", Trịnh Tuyết Lan (32 tuổi, trú tại Nho Quan, Ninh Bình) chia sẻ thẳng thắn với bác sĩ của Trung tâm hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện, Hà Nội, khi vào phòng tư vấn.
Trữ trứng vì chưa muốn kết hôn
Sau khi được tư vấn làm các xét nghiệm kiểm tra, Tuyết Lan tiếp tục đến gặp thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Văn Du, Trung tâm hỗ trợ sinh sản, để nghe kết quả.
"Dự trữ buồng trứng của em rất thấp, kết quả cho thấy chỉ số chỉ ở mức 0,3. Tức là em năm nay 32 tuổi nhưng buồng trứng của em như người 42 tuổi. Nếu chưa có đối tác để kết hôn, em nên suy nghĩ đến việc trữ trứng", bác sĩ Du thông báo.
Tuyết Lan rất bất ngờ với kết quả xét nghiệm của mình. Cô không nghĩ rằng mình bị suy giảm buồng trứng sớm như vậy. May mắn, cô đã chủ động đi trữ trứng khi chưa có kế hoạch lập gia đình thì kịp thời phát hiện bệnh lý này.
Bác sĩ Du cho hay bệnh nhân này sẽ được tiêm kích rụng trứng và chọc hút trứng sau 2 ngày. Mỗi lần hút trứng, bác sĩ có thể lấy được 2 quả. Mỗi tháng, bệnh nhân sẽ thực hiện một lần đến khi gom được số lượng khoảng 10 quả trứng để trữ đông. Việc này tránh được trường hợp trong năm tới, nữ bệnh nhân không còn trứng trong buồng trứng.
Bác sĩ Du cho biết ông cũng mới tiếp nhận một bệnh nhân nữ quê Thanh Hóa tới trữ trứng để tương lai sẽ làm mẹ đơn thân với hoàn cảnh khá đặc biệt. Đây là bệnh nhân nặng 98 kg.
"Cô gái này mắc bệnh béo phì từ nhỏ, khi lớn lên kinh nguyệt không đều và rất tự ti về ngoại hình. Bệnh nhân luôn mặc cảm và không tìm được đối tượng để kết hôn", bác sĩ Du kể lại.
Trao đổi với Tri thức trực tuyến, bác sĩ Du cho hay việc lưu trữ trứng thường được áp dụng cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, thụ tinh trong ống nghiệm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, số phụ nữ có nhu cầu trữ trứng từ lý do cá nhân (chưa muốn lập gia đình, chưa thể mang thai và sinh con) có dấu hiệu tăng lên. Độ tuổi phụ nữ đến thực hiện chủ yếu từ 30 đến 35 tuổi.
Lý do ngày càng nhiều phụ nữ đi trữ trứng
Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Văn Du cho biết mục đích của việc trữ đông trứng là đảm bảo khả năng sinh sản ngay cả khi phụ nữ đã qua độ tuổi phù hợp. Đến nay, Trung tâm hỗ trợ sinh sản của Bệnh viện Bưu Điện đã trữ trứng cho khoảng 350 trường hợp. Những năm gần đây, số lượng phụ nữ có nhu cầu trữ trứng có xu hướng tăng lên. Trung bình mỗi tháng, đơn vị này trữ trứng cho khoảng 5-7 bệnh nhân.
Vị chuyên gia này cho rằng hiện nay, độ tuổi kết hôn của phụ nữ ngày càng cao. Lý do khiến phụ nữ không mặn mà với chuyện lập gia đình có thể là ưu tiên phát triển bản thân hơn, chú trọng sự nghiệp, dẫn đến lỡ tuổi "lập thân". Ngoài ra, một số người cũng lo sợ thiếu tự do, lo lắng về việc nuôi dạy con cái, cũng như bị ảnh hưởng từ các câu chuyện đổ vỡ của bạn bè, người thân.
Mục đích của việc trữ đông trứng là đảm bảo khả năng sinh sản ngay cả khi phụ nữ đã qua độ tuổi phù hợp. Ảnh: Bluu Biosciences. |
"Lý do thứ hai là từ sự tiến bộ của chuyên ngành hỗ trợ sinh sản, đặc biệt là phương pháp bơm tinh trùng vào tử cung (IUI), thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) và sự hình thành của ngân hàng tinh trùng. Bên cạnh đó, sự phổ biến của mạng xã hội, phương tiện truyền thông khiến xu hướng làm mẹ đơn thân ngày càng rõ ràng ở Việt Nam, dù trên thế giới đã có từ lâu", bác sĩ Du nói.
Theo bác sĩ Du, chính những lý do trên, việc tiếp cận dịch vụ lưu trữ trứng dễ tiếp cận hơn trước đây.
Ai nên trữ đông trứng?
Theo bác sĩ Du, độ tuổi càng cao, trứng bất thường càng nhiều và ngược lại. Sau tuổi 35, số lượng và chất lượng trứng của chị em sẽ giảm dần. Do đó, trữ trứng nên được thực hiện trước tuổi này.
Sau tuổi 35, số lượng và chất lượng trứng của chị em sẽ giảm dần. Ảnh: NBC News. |
Kỹ thuật đông lạnh trứng thường được chỉ định cho những trường hợp như: Phụ nữ mắc bệnh lý ung thư cần hoá trị, xạ trị; bệnh lý phải can thiệp lên buồng trứng, phụ nữ giảm dự trữ buồng trứng và cần gom trứng nhiều lần đến khi có nhu cầu sử dụng; chủ động trữ trứng vì chưa muốn có con ngay.
Ngoài ra, trong việc điều trị thụ tinh trong ống nghiệm, khi người chồng không lấy được mẫu tinh trùng, trứng của người vợ cũng sẽ được trữ lại.
"Với công nghệ hiện nay, chất lượng trứng sau khi được rã đông khá ổn định. Trứng có thể được trữ lạnh trong khoảng 10 năm. Tuy nhiên, phụ nữ nên cân nhắc thời điểm mang thai, không nên để quá lớn tuổi vì có thể phát sinh những vấn đề sức khỏe khác trong thai kỳ", bác sĩ Du nhấn mạnh.
Khi muốn sử dụng trứng đã lưu trữ, chúng cần trải qua quá trình rã đông, thụ tinh với tinh trùng trong phòng thí nghiệm để tạo thành phôi. Sau đó, phôi này được cấy vào tử cung của phụ nữ.
"Việc chọc hút trứng nên thực hiện vài lần để có thể có nhiều trứng dự trữ, đảm bảo khả năng mang thai và sinh con sau này. Tỷ lệ thành công cũng sẽ phụ thuộc vào độ tuổi khi thực hiện trữ trứng, số lượng và chất lượng trứng tại thời điểm đó. Tuổi càng trẻ thì khả năng mang thai và sinh con bằng phương pháp sử dụng trứng đông lạnh càng cao", vị chuyên gia cho hay.
Cuốn sách Ăn gì cho khỏi thần kinh của tác giả Uma Naidoo là cẩm nang về cách lựa chọn, sử dụng và chế biến thực phẩm để hỗ trợ sức khỏe tâm thần. Tác giả là một chuyên gia trong lĩnh vực dinh dưỡng tâm thần học, mang tới kiến thức dinh dưỡng để tăng cường hệ miễn dịch và đối phó với các bệnh trạng về tâm lý.