Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

19 tuổi đã đau lưng, khó thở vì bị cong vẹo cột sống

Nữ sinh 19 tuổi thường xuyên bị đau mỏi vùng lưng, khó thở và không thể leo cầu thang được nhiều. Tình trạng này đã kéo dài từ năm 12 tuổi nhưng cô không được điều trị.

Gù vẹo cột sống trong lứa tuổi trẻ em và dậy thì không được điều trị sẽ dẫn đến diễn tiến nặng. Ảnh: Spinalbackrack.

Bệnh nhân là V.L.A., 19 tuổi, sinh viên tại TP.HCM. Mẹ của L.A. cho biết năm học lớp 7, thấy lưng con bị cong vẹo nên đưa đi khám tại bệnh viện ở quê và được chẩn đoán vẹo cột sống nặng nhưng không điều trị.

Tự ti, trầm cảm vì ngoại hình

Nữ sinh này thường xuyên than bị đau mỏi vùng lưng, khó thở và không thể leo cầu thang được nhiều. L.A. cũng cảm thấy tự ti và trầm cảm vì ngoại hình của mình. Sau đó, bệnh nhân lên học tập tại TP.HCM, tìm hiểu và biết đến Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP.HCM nên khám để điều trị.

Theo bác sĩ Trịnh Quang Anh, Trưởng đơn vị Hiệu chỉnh cơ xương khớp, bệnh nhân L.A. bị vẹo cột sống ngực, thắt lưng nặng, mất độ ưỡn sinh lý cột sống cổ. Điều nguy hại là các đốt sống ngực đã biến dạng. Việc điều trị bảo tồn không thể trả lại hình dạng ban đầu cho bệnh nhân.

May mắn, sau 12 buổi tập, tình trạng đau mỏi lưng của bệnh nhân được cải thiện rõ ràng. Hiện nữ sinh có thể leo thang lầu được nhiều và không còn cảm thấy khó thở nhiều như trước đây.

Theo quan sát và đánh giá của mẹ bệnh nhân sau thời gian dài không gặp con, bà thấy rõ tình trạng cải thiện, hai vai bằng nhau và giảm lệch vẹo. Bệnh nhân được hướng dẫn thêm bài tập về nhà để tập luyện duy trì.

Một bệnh nhân khác cũng gặp tình trạng cong vẹo cột sống phát hiện đã lâu nhưng không điều trị triệt để là L.Đ. (18 tuổi, học sinh lớp 12).

Trước đó, năm 13 tuổi, bệnh nhân đã đi khám ở cơ sở y tế khác ở TP.HCM và phát hiện cong vẹo cột sống. Tại bệnh viện này, Đ. được điều trị bằng phương pháp mặc áo nẹp và không xử trí thêm.

Cong veo cot song anh 1

L.A. (trái) bị vẹo cột sống ngực, thắt lưng nặng và L.Đ. (phải) có vai trái lệch cao gần 5 cm với vai phải, lồng ngực biến dạng. Ảnh: BSCC.

Sau 5 năm, tình trạng cong vẹo cột sống của bệnh nhân càng tiến triển nhưng vẫn chỉ mang áo nẹp liên tục.

Đến tháng 6, L.Đ. phải học thêm nhiều để chuẩn bị cho tốt nghiệp và thi đại học nên càng thêm đau mỏi cơ vùng cổ vai gáy, khó khăn trong sinh và thể chất yếu đi.

Sau khi thăm khám, bác sĩ Trịnh Quang Anh cho hay hình thể trên lâm sàng của bệnh nhân bị biến đổi nghiêm trọng, vai trái lệch cao gần 5 cm với vai phải, lồng ngực biến dạng, cột sống cong chữ S. Ngoài ra, bệnh nhân Đ. còn bị lệch vẹo khung chậu.

Điều trị muộn không thể trở lại hình thể ban đầu

Gần đây, đơn vị Hiệu chỉnh cơ xương khớp của bác sĩ Quang Anh cũng tiếp nhận nhiều ca vẹo cột sống học đường. Các độ tuổi đến bệnh viện thăm khám từ 5-6 tuổi đến 22-23 tuổi.

Gù vẹo cột sống trong lứa tuổi trẻ em và dậy thì không được điều trị sẽ dẫn đến diễn tiến nặng, gây tàn tật suốt đời, làm giảm thể tích bên trong lồng ngực, gây ảnh hưởng xấu chức năng hô hấp, từ đó suy giảm thể chất.

Khi lớn lên, tinh thần của trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, mặc cảm, tự ti, không giao tiếp xã hội và chất lượng cuộc sống giảm. Vì vậy, chuyên gia khuyến cáo cha mẹ nên chú ý đến con. Đặc biệt là thời gian sử dụng điện thoại phù hợp và tư thế ngồi xem.

Về các phương pháp điều trị, bác sĩ Trịnh Quang Anh cho hay áo nẹp thường được người bệnh sử dụng nhưng chúng không giúp điều trị khỏi, chỉ phần nào ngăn ngừa vẹo cột sống tăng nặng thêm, tác dụng lên ý thức.

Hầu hết áo nẹp được mặc cả ngày và đêm trong giai đoạn trẻ còn đang phát triển và vẹo cột sống mức độ nhẹ. Bệnh nhân nên chấm dứt mặc áo nẹp khi bộ xương ngừng phát triển.

"Hiệu chỉnh cơ xương khớp là phương pháp trị liệu chính ngày nay cho các lệch vẹo cột sống và cơ xương khớp trên thế giới. Tuy nhiên, nếu để bệnh diễn tiến nặng và đã biến dạng các đốt sống, điều trị không thể hoàn trả lại hình dạng ban đầu", bác sĩ Quang Anh nhấn mạnh.

Theo vị chuyên gia, phẫu thuật là phương pháp cuối cùng. Khi phẫu thuật, các bác sĩ hàn xương, dính các đốt sống lại với nhau bằng cách đặt dụng cụ nắn chỉnh cột sống để giữ cho chúng được thẳng và lành xương.

Trong trường hợp trẻ còn quá nhỏ, lúc này, hàn xương sớm sẽ làm cột sống ngắn lại, ảnh hưởng chức năng tim - phổi.

Bên cạnh đó, phương pháp này cũng không khả thi khi cột sống cong vẹo nhiều đoạn hay toàn bộ.

Biến chứng của phẫu thuật chỉnh vẹo cột sống khá nhiều và nặng nề, bao gồm: Chảy máu, nhiễm trùng, đau đớn, tổn thương tủy và rễ thần kinh dẫn đến liệt hạ chi, không lành xương - khớp giả…

"Ngay từ khi trẻ có những dấu hiệu nhẹ, cha mẹ nên đưa con đi thăm khám và điều trị kịp thời", bác sĩ Quang Anh cho hay.

Sách về nghề y

Tò mò về nghề y, về một nghề nghiệp luôn có tác động đến cuộc đời bạn nhưng luôn đầy những thông tin kỹ thuật khó hiểu? Đây là một số giới thiệu của mục Sức khỏe dành cho bạn:

Ký túc xá - Cá tốc ký: Cuốn sách kể về đời sống của sinh viên Đại học Y Hà Nội, chủ yếu xoay quanh đời sống ký túc xá, nơi tác giả đã trải qua tuổi trẻ cùng 10 thành viên khác trong phòng 110 E2.

Chạy trời không khỏi đau: Tập hợp các ghi chép của tác giả Adam Kay trong 6 năm hành nghề y từ 2004 đến 2010, cuốn sách là bản báo cáo không khoan nhượng về công việc của đội ngũ y tế của Vương quốc Anh đang làm việc ngày đêm nhưng chưa được nhìn nhận và tôn trọng đúng mức.

Bé gái 12 tuổi bị vẹo cột sống vì hay cúi đầu, gù lưng khi học bài

Gù vẹo cột sống nặng có thể dẫn đến bị tật nguyền suốt đời nếu không được nhận biết sớm và điều trị kịp thời.

Phương Anh

Bạn có thể quan tâm