Tòa City Bank-Farmers Trust Company Building sừng sững tại quận Manhattan nằm trong số những tòa nhà cao nhất thành phố New York, theo New York Times.
Nó gồm 59 tầng, và hiện là khu dân cư sầm uất với hơn 750 căn hộ, gồm các tiện nghi sang trọng, tầm nhìn ra bến cảng và một số căn hộ có giá thuê ổn định.
Thế nhưng, kể từ tháng 11, tòa nhà chọc trời này gặp sự cố mất thang máy kéo dài, khiến cư dân mắc kẹt với vấn đề di chuyển.
Vấn đề thang máy tại một trong những tòa nhà cao nhất New York khiến một số cư dân mắc kẹt tại chính căn hộ của mình. |
Nói với New York Times, hơn chục cư dân bày tỏ sự bất lực, mệt mỏi khi sống ở “địa ngục cao tầng” này và cách họ phải thay đổi lối sống sinh hoạt cá nhân. Họ phải hủy hẹn, lỡ kế hoạch, đi làm muộn, từ bỏ sử dụng xe đẩy và dự tính chuyển nhà.
“Cuộc sống của chúng tôi hoàn toàn thay đổi vào thời điểm những chiếc thang máy này ngừng hoạt động”, Faisal Al Mutar (30 tuổi), sống trong một studio trên tầng 22, cho biết.
Vô vàn bất tiện
Thang máy chỉ hoạt động từ tầng 15 đổ xuống, còn lại rơi vào trạng thái chập chờn. Tình trạng mất điện cũng thường xuyên hơn trong 2 tháng qua.
Tình trạng mất điện liên tục đã gây ra sự phẫn nộ đặc biệt đối với cư dân - những người có thể phải trả tới 5.000 USD/tháng để thuê căn hộ một phòng ngủ tại tòa nhà này.
Y tá Erin Campbell tiếp tục đi bộ lên tầng 48 sau những ca làm 12 tiếng mệt mỏi. |
Một số người chọn cách leo rất nhiều bậc cầu thang. Trên thực tế, một kỹ sư công nghệ trẻ tuổi quen với việc đi thang bộ đến nỗi anh quyết định đăng ký cuộc thi leo 102 tầng tại One World Trade Center vào tháng 6 nhằm gây quỹ.
Gần đây, sau ca làm việc kéo dài 12 tiếng, Erin Campbell, một y tá 28 tuổi, về nhà lúc 20h30 và người gác cửa nói rằng khoảng 23h mới dùng được thang máy.
“Tôi bật khóc. Tôi là người trẻ nên có thể đi bộ. Nhưng thật khốn khổ”, cô kể lại.
Năm ngoái, Campbell từng rất vui mừng khi tìm được hợp đồng thuê 2 năm cho căn hộ nằm trên tầng 48 với mức giá ưu đãi thời Covid-19. Nhưng sau đó, thang máy bắt đầu hỏng, khiến cô rơi vào tình cảnh khó khăn.
Bên cạnh đó, mối quan tâm lớn hơn của Campbell là những người hàng xóm không thể tự đi bộ quá nhiều tầng như vậy, cũng như khả năng cư dân không kịp thời được cấp cứu trong trường hợp khẩn cấp.
Việc không thể sử dụng thang máy đặc biệt gây khó khăn với những cư dân không có khả năng di chuyển thang bộ hoặc tiếp cận hỗ trợ y tế. |
DTH Capital, các chủ sở hữu tòa nhà, đã thuê các đội có chuyên môn về thang máy, điện, kỹ thuật để giải quyết tận cùng vấn đề đang ảnh hưởng đến 8 thang máy. Họ cũng nói rằng Con Edison, công ty cung cấp thiết bị điện, phải vào cuộc để giải quyết vấn đề này.
Về phần mình, Con Edison thuê tổ chức phi lợi nhuận Viện Nghiên cứu Năng lượng Điện để hỗ trợ điều tra. Họ cho biết đã tiến hành thử nghiệm rộng rãi tại tòa nhà và không tìm thấy “dấu hiệu nào cho thấy nguồn cấp điện của chúng tôi bị thiếu hụt hoặc hư hại”.
Chủ sở hữu tòa nhà nói rằng bảng điều hành của thang máy thường xuyên quá tải và phải thay thế liên tục. Họ đã thuê thợ sửa thang máy túc trực 24/24 giờ.
Họ cũng cố gắng mua số lượng lớn bảng điều hành, nhưng bị cản trở bởi vấn đề chuỗi cung ứng.
Dù tòa nhà đã huy động các đội kỹ thuật túc trực sửa chữa, vấn đề hỏng thang máy vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn. |
Sara Irvine (31 tuổi), cư dân sống trên tầng 43, cho biết chứng viêm khớp khiến cô không thể sử dụng cầu thang bộ.
Từng có khoảng thời gian Irvine cư xử như giai đoạn đầu của đại dịch - chỉ ra ngoài mua nhu yếu phẩm 2 tuần/lần hoặc sống tạm với những gì có sẵn ở nhà.
“Có những hôm tôi không có cách nào để ăn tối. Tôi đành ăn bánh quy cho qua bữa”, cô kể lại.
Cô và một số cư dân thậm chí từng trải qua những lần mất điện bất ngờ khi ở trong thang máy. Một lần, thang máy bỗng ngừng hoạt động và rơi xuống đột ngột.
Irvine chấp thuận đề nghị ở lại khách sạn gần tòa nhà trong tháng này, nhưng cho biết thời gian lưu trú thường bị kéo dài vào phút cuối. Cô cảm thấy càng bực bội hơn khi trả tiền hàng tháng cho căn hộ của mình, song không có cách để ra vào.
“Vấn đề thực sự gây bất ổn về mặt tinh thần và cảm xúc”, cô nói.