Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Người chuyển giới Trung Quốc gặp khó

Bên cạnh việc đối phó với định kiến của gia đình, sự phân biệt đối xử trong công việc, người chuyển giới Trung Quốc phải chấp nhận rủi ro sức khỏe khi tìm thuốc ở chợ đen.

nguoi chuyen gioi Trung Quoc gap kho tu be anh 1

Trong video mới nhất hồi đầu tháng 3, Shia Majer (28 tuổi), một phụ nữ chuyển giới, cho biết cuộc sống hiện khá suôn sẻ, hạnh phúc và tốt đẹp kể từ khi hoàn thành cuộc đại phẫu thuật năm 2019, theo Sup China.

Tuy nhiên, chặng đường 6 năm vừa qua cũng không phải dễ dàng gì. Từng có thời điểm Shia muốn tự vẫn để thoát khỏi những áp lực, định kiến của gia đình, xã hội.

Tại xứ tỷ dân, sự xuất hiện của những ngôi sao truyền hình chuyển giới như Jin Xing và Chao Xiaomi truyền tải nền văn hóa Trung Quốc cởi mở về giới đầy ảo tưởng.

Trên thực tế, đây là quốc gia mà người chuyển giới phải khám sức khỏe tâm thần để được chuyển giới hợp pháp, và là nơi họ phải vật lộn để được chăm sóc y tế, hoàn thành giáo dục hoặc có việc làm.

Lựa chọn duy nhất

Shia vốn sinh ra là nam giới. Cô bị đè nén bởi những kỳ vọng của cha mẹ và xã hội về cách thể hiện bản thân suốt nhiều năm.

Từ nhỏ, những món đồ chơi và trò chơi truyền thống gắn liền với các bé gái luôn thu hút Shia. Thời trung học, cô không có người bạn nam giới nào và điều này khiến mẹ cô rất lo lắng.

“Mỗi lần đi chơi, mẹ đều hỏi tôi sẽ gặp ai. Tôi nghĩ mình hoàn toàn bình thường vì tôi chỉ đi chơi với bạn bè thân thiết. Họ chỉ vô tình là nữ giới thay vì nam giới”, Shia kể lại.

nguoi chuyen gioi Trung Quoc gap kho tu be anh 2

Cộng đồng LGBT ở Trung Quốc vẫn còn chịu nhiều định kiến xã hội. Ảnh: AFP.

Ở độ tuổi vị thành niên, Shia thực sự không biết khái niệm chuyển giới. Khi học đại học, cô cảm thấy “khó chịu” khi nhìn cơ thể trần truồng của các nam sinh cùng phòng ký túc xá, nhưng không thể xác định chính xác điều gì đang tạo ra cảm giác đó.

Năm 2015, khi Shia chuyển đến Quảng Châu để học ngành thiết kế thời trang, mọi thứ bắt đầu thay đổi.

Một ngày nọ, cô khám phá YouTube và xem vô số tài liệu, cùng lời chứng thực từ góc nhìn thứ nhất của những người phụ nữ chuyển giới. Trong các video, họ mô tả việc thực hiện các phương pháp điều trị bằng hormone, trông nữ tính hơn và khôi phục cảm giác về bản thân đích thực.

Khi ấy, Shia đột nhiên tìm được lời giải thích cho cảm giác của cô suốt những năm tháng qua, và xác định mình đang mong muốn điều gì. Cùng lúc ấy, gánh nặng của sự cô đơn và áp lực kiếm sống từng khiến Shia nảy sinh ý định tự vẫn.

“Tại thời điểm đó, tôi chỉ có lựa chọn hoặc chuyển giới, hoặc tự vẫn. Khi nhận ra điều này, tôi không thể kiềm chế mình được nữa”, cô nói.

nguoi chuyen gioi Trung Quoc gap kho tu be anh 3

Cuối tháng 3/2021, Abbily (20 tuổi), ngôi sao giả gái nổi tiếng tại Trung Quốc, tuyên bố đã thực hiện phẫu thuật chuyển giới từ nam sang nữ.

Năm 2016, Shia bắt đầu nghiên cứu các liệu pháp thay thế hormone (HRT) và ngấu nghiến bất cứ thông tin nào cô có thể tìm thấy trên mạng. Suốt 3 năm tiếp theo, cô sử dụng estrogen.

Nhờ đó, Shia đã có bộ ngực và một giọng nói nữ tính khi tới Thái Lan thực hiện phẫu thuật chuyển giới.

Tháng 7/2019, cô thực hiện cuộc phẫu thuật chuyển giới kéo dài 6 tiếng tại xứ Chùa Vàng. Cô cảm thấy hạnh phúc, được trao quyền và giải phóng - thứ mà cô khao khát cả đời.

“Cuộc đại phẫu cho phép tôi được hoàn toàn là chính mình, và bây giờ tôi có thể tương tác với xã hội bằng con người thật của mình”.

Tìm kiếm hỗ trợ ở chợ đen

Trung Quốc không có thống kê chính xác về số người như Shia - có bản dạng giới khác với giới tính khi sinh ra. Rất ít nghiên cứu về cộng đồng chuyển giới ở xứ tỷ dân.

Theo một nghiên cứu năm 2012 do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc công bố, ước tính khoảng 0,3% toàn bộ dân số của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là người chuyển giới.

Nếu tỷ lệ đó được áp dụng cho Trung Quốc, quốc gia này sẽ có tới 4,2 triệu người chuyển giới trong số 1,4 tỷ công dân.

Còn phân tích năm 2021 của Viện Williams tại Trường Luật UCLA (Mỹ) cho thấy khoảng 14% trong số hơn 1.000 người Trung Quốc được hỏi có người quen là người chuyển giới, theo NBC News.

nguoi chuyen gioi Trung Quoc gap kho tu be anh 4

Jin Xing, người được mệnh danh là "Oprah của Trung Quốc", là một phụ nữ chuyển giới. Ảnh: Hollywood Reporter.

Quá trình chuyển giới ở Trung Quốc rất khó khăn với nhiều thủ tục và cả định kiến. Ngay cả đối với những người sẵn sàng vượt qua nó, họ vẫn chưa được đảm bảo thành công.

Wantong, một phụ nữ chuyển giới 24 tuổi ở Quảng Châu, cho biết sau khi nhận 2 tờ giấy chứng minh rằng cô mắc chứng rối loạn giới tính từ bác sĩ tâm thần, các bệnh viện trong thành phố vẫn từ chối kê đơn nội tiết tố cho cô.

Nhiều người chuyển giới khao khát hormones phải chuyển sang các phương pháp thay thế.

Theo báo cáo năm 2017 từ Trung tâm LGBT Bắc Kinh, chỉ 6% trong số gần 2.100 người chuyển giới không gặp khó khăn trong việc nhận hormones từ bệnh viện. Số còn lại cho biết mình bị phớt lờ hoặc từ chối bởi các bác sĩ.

33% người được khảo sát cho biết họ tìm đến chợ đen để tìm nguồn cung hormones, chấp nhận rủi ro thuốc giả, không tương thích với cơ thể, ít thông tin về tác dụng phụ.

Ashu, một phụ nữ chuyển giới ở Bắc Kinh, người đã theo đuổi HRT gần 3 năm, cho biết những trẻ vị thành niên sợ công khai giới tính với bố mẹ hoặc đối mặt sự phản đối của gia đình là đối tượng gặp nguy hiểm nhất.

nguoi chuyen gioi Trung Quoc gap kho tu be anh 5

Lorde Cai, một người chuyển giới nữ sống ở Trung Quốc. Ảnh: Wu Huiyuan/Sixth Tone.

Bên cạnh việc sử dụng các loại thuốc hợp pháp, sinh viên đại học 22 tuổi vẫn dùng thêm hormone bên ngoài đơn thuốc bởi chúng “rẻ và dễ tiếp cận hơn”.

“Đối với thanh thiếu niên chuyển giới, họ có thể mua hormone từ các y bác sĩ trực tuyến miễn là có căn cước công dân của một phụ nữ trưởng thành, chẳng hạn như mẹ họ”, cô kể.

Ashu nói thêm: “An toàn và khả năng tiếp cận là sự đánh đổi mà nhiều người trong số họ phải chấp nhận. Tôi không có tư cách đánh giá họ bởi vùng xám này phải tồn tại trong bối cảnh nguồn lực y tế dành cho người chuyển giới quá khan hiếm”.

Gia đình phản đối

Cũng theo báo cáo của Trung tâm LGBT Bắc Kinh, trong số 1.640 người từng công khai giới tính với gia đình, chỉ có 6 người chưa từng trải qua bất kỳ hình thức lạm dụng gia đình nào.

Mẹ của Wantong, một người theo đạo Thiên Chúa giáo, bắt cô đọc Kinh thánh với hy vọng rằng con sẽ suy ngẫm về “tội lỗi” của việc chuyển giới.

“Mẹ tôi nghĩ rằng tôi mắc chứng bệnh tâm thần có thể ‘chữa’ được một khi tìm được sức mạnh từ Chúa”, cô kể lại.

Vì lo lắng cho chính sự an toàn của mình, Wantong đã dặn một số bạn thân về những địa điểm để tìm cô ấy nếu chẳng may một ngày cô biến mất.

Wantong sợ rằng cô bị giam giữ tại gia hoặc bị cha mẹ gửi đến nơi xa xôi hẻo lánh để “trị liệu chuyển đổi giới” - một phương pháp gây hại nhằm mục đích thay đổi khuynh hướng tính dục hoặc bản dạng giới.

nguoi chuyen gioi Trung Quoc gap kho tu be anh 6

Chao Xiaomi (39 tuổi) là một trong những người đầu tiên ở Trung Quốc công khai là người phi nhị nguyên giới. Ảnh: Sixth Tone.

Cắt hỗ trợ tài chính và lạm dụng tâm lý, bao gồm sỉ nhục và coi thường, nằm trong số những hình thức lạm dụng phổ biến nhất.

Darius Longarino, chuyên gia về luật Trung Quốc tại Đại học Yale (Mỹ), cho biết luật chống bạo lực gia đình của Trung Quốc, có hiệu lực vào tháng 3/2016, nên được áp dụng cho những trường hợp này.

“Tuy nhiên, thật khó để các cán bộ thi hành pháp luật bỏ thói quen nói rằng ‘Ồ không, chúng tôi không can dự vào chuyện gia đình’ dù quyền của một công dân đang bị vi phạm”, ông Longarino chia sẻ.

“Mặt khác, khi con cái công khai chuyển giới, các bậc cha mẹ thường nghĩ chúng chỉ đang bị lệch lạc và cần được uốn nắn vào khuôn mẫu đúng đắn. Cần phải có thông điệp từ các nhà chức trách nói với phụ huynh rằng điều đó không hề đúng và lũ trẻ hoàn toàn bình thường”, ông nói thêm.

Trong những năm gần đây, tự xác định giới tính đã trở thành luật ở một số quốc gia, bao gồm Ireland và Đan Mạch, nơi người chuyển giới được phép thay đổi giới tính một cách hợp pháp mà không cần chẩn đoán y tế hoặc HRT.

Năm 2021, tòa án hành chính cấp cao ở Đài Loan đã ra phán quyết chống lại đạo luật yêu cầu người chuyển giới phải cung cấp bằng chứng về việc phẫu thuật chuyển giới trước khi thay đổi giới tính hợp pháp.

nguoi chuyen gioi Trung Quoc gap kho tu be anh 7

Trung Quốc vốn không khuyến khích nói về chủ đề LGBT. Ảnh: SCMP.

Nhưng tại Trung Quốc, để xin sửa đổi giới tính trên các tài liệu chính thức như căn cước công dân và bằng cấp, người chuyển giới được yêu cầu phải phẫu thuật chuyển giới hoàn toàn.

Trong khi đó, chính sách gần đây nhất của Trung Quốc về phẫu thuật chuyển giới, được xuất bản bởi Ủy ban Y tế Quốc gia năm 2017, chỉ áp dụng với những người trên 20 tuổi chưa lập gia đình, chưa từng có tiền án và được sự đồng ý của gia đình trực hệ.

Tại các bệnh viện, chi phí phẫu thuật phần dưới có thể dao động từ 60.000-80.000 NDT (9.400-12.500 USD). Đối với những bệnh nhân thực hiện phẫu thuật nhiều bộ phận cùng lúc, chẳng hạn nâng ngực và nữ hóa khuôn mặt, tổng chi phí có thể lên tới 6 con số.

Phân biệt đối xử trong tuyển dụng

Sự phân biệt đối xử trong tuyển dụng là thực tế khắc nghiệt khác với nhiều người chuyển giới Trung Quốc.

Sau khi trở về quê nhà từ cuộc phẫu thuật chuyển giới ở Thái Lan, Shia nhận thấy danh tính chuyển giới của mình trở thành tâm điểm của nhiều cuộc phỏng vấn xin việc.

nguoi chuyen gioi Trung Quoc gap kho tu be anh 8

Aries Liu (phải), một chuyển giới nam, cưới bạn gái Yao Mei hồi tháng 9/2016. Ảnh: Aries Liu.

Trải nghiệm tủi hổ nhất của Shia là khi cô được mời phỏng vấn tại một công ty thiết kế thời trang nổi tiếng. Ban đầu, cô mong đợi một cuộc trò chuyện chuyên nghiệp.

Nhưng sau khi đưa sơ yếu lý lịch và ngồi xuống trước mặt 4 nhà tuyển dụng, những gì Shia nhận được là những câu hỏi mang tính thẩm vấn chuyện riêng tư, rằng liệu bộ ngực của cô có tự nhiên không.

Mặc dù khó có thể đưa ra con số chính xác, cuộc khảo sát năm 2017 của Trung tâm LGBT Bắc Kinh cho thấy 11,87% người chuyển giới được hỏi đang thất nghiệp, so với 3,97% dân số Trung Quốc nói chung.

Gần 25% người chuyển giới có việc làm cho biết họ phải đối mặt với “môi trường làm việc thù địch”. Để tránh định kiến hoặc phân biệt đối xử trong công việc, gần 1/2 phụ nữ chuyển giới được hỏi đã chọn cách che giấu danh tính tại nơi làm việc.

Niềm hạnh phúc đơn giản

Shia thường xuyên đăng tải video lên mạng xã hội và thu hút hơn 1.200 người đăng ký. Ngoài nội dung liên quan đến chuyển giới, cô cũng chia sẻ nhiều mặt khác trong đời sống.

“Tôi không muốn mọi người chỉ nhìn thấy mỗi bản dạng giới của mình. Chuyển giới chỉ là một phần, không phải tất cả về tôi”, cô nói.

Hiện Shia đang xây dựng một nền tảng, nơi mà người nước ngoài ở Quảng Châu có thể thuê người trợ giúp công việc hàng ngày và tìm kiếm các cơ sở thân thiện với LGBT.

nguoi chuyen gioi Trung Quoc gap kho tu be anh 9

Vết hằn dây áo ngực trên cơ thể của một phụ nữ chuyển giới ở tỉnh Cát Lâm (Trung Quốc) năm 2015. Ảnh: VCG.

Cô có kế hoạch thúc đẩy môi trường làm việc tích cực cho nhân viên LGBT và cam kết sẽ đóng góp 100% lợi nhuận cho các hoạt động cộng đồng.

“Tôi cảm thấy chúng ta thực sự cần một hình mẫu ở Trung Quốc, những người bắt đầu từ con số 0, nỗ lực vươn lên và tạo dựng vị trí của mình trong xã hội. Hiện Trung Quốc không có ai như thế và tôi muốn trở thành người đó”, Shia chia sẻ.

Cô nói thêm: “Cuối cùng, mọi chuyện không phải về tôi. Càng lớn tuổi, tôi càng ít quan tâm đến danh tiếng và những thứ khác. Tôi chỉ muốn làm điều gì đó cho đất nước và con người của mình”.

Người chuyển giới Trung Quốc lo sợ lệnh cấm sao nam ẻo lả

Dù không trực tiếp nhắm đến cộng đồng LGBT+, lệnh cấm này lại dấy lên làn sóng kỳ thị, tấn công mạng đối với các influencer trong cộng đồng.

Ánh Dương

Bạn có thể quan tâm