Dù chỉ vừa bước sang năm mới, nhiều người đã cảm thấy kiệt sức cả về tinh thần lẫn thể chất.
Kết thúc kỳ nghỉ Tết cũng là lúc mỗi người tự đánh giá lại bản thân và tiếp tục đề ra những kế hoạch tiếp theo cho năm mới. Nhưng khi nhìn lại các mục tiêu của năm trước, bạn nhận ra mình vẫn còn nhiều điều chưa thực hiện.
Nguyên nhân của tình trạng này có thể xuất phát từ một số lý do như bạn cảm thấy kế hoạch này không thật sự phù hợp với định hướng của bản thân, chúng cần nhiều thời gian hơn dự tính hay thậm chí bạn trở nên căng thẳng với chính những kỳ vọng của mình.
Để thiết lập được những mục tiêu thiết thực hơn, tránh tình trạng kiệt sức hay quá tải trên hành trình phát triển của bản thân trong năm mới, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:
Mục tiêu được cá nhân hóa
Thay vì ép mình thực hiện các phương pháp hay kế hoạch giống như những người khác, bạn cần đề ra những mục tiêu phù hợp và cần thiết cho bản thân nhất.
Theo một nghiên cứu của tổ chức phát triển lãnh đạo và quản lý thời gian, Franklin Covey, chỉ ra rằng chỉ chưa đầy một tháng sau khi lên mục tiêu cho năm mới thì 1/3 số người thực hiện đã tự phá vỡ chúng.
Chính vì vậy, nếu đặt ra yêu cầu quá cao so với năng lực hay không phù hợp với định hướng phát triển của bản thân trong tương lai sẽ khiến bạn kiệt sức, thất vọng và bỏ cuộc.
Tổ chức Management Review đã đề xuất mô hình SMART với 5 tiêu chuẩn cho một mục tiêu tốt, bao gồm:
- Specific: Cụ thể
- Measurable: Có thể đo lường
- Actionable: Tính Khả thi
- Relevant: Sự Liên quan
- Time Bound: Giới hạn thời gian
Xác định điều bản thân thật sự ưu tiên
Trong năm nay tôi sẽ học ngoại ngữ mới, nghiên cứu về đầu tư, ăn uống lành mạnh,... hay rất nhiều dự định khác được các bạn đề ra cho năm mới.
Tuy nhiên, trong số đó vẫn có một vài điều không thật sự cần thiết cho bạn. Để không cảm thấy mệt mỏi khi phải cố gắng tìm cách hoàn thành các gạch đầu dòng mình đặt ra bạn cần xác định được điều bản thân thật sự ưu tiên.
Bạn có thể tham khảo kế hoạch hay dự định năm mới từ bạn bè hay người thân nhưng cần thời gian tìm hiểu và trải nghiệm để xem chúng có thật sự phù hợp với bản thân hay không, Vanessa Bohns, nhà tâm lý học xã hội và hành vi tổ chức chia sẻ.
Cai nghiện kỹ thuật số
Các thông tin không mấy tích cực về cuộc sống hay những dòng chia sẻ về thành tích của bạn bè xung quanh trên các phương tiện truyền thông đôi khi cũng có thể khiến bạn choáng ngợp và thất vọng về bản thân.
Từ đó, bạn sẽ lập ra những mục tiêu quá lớn mà không thật sự thiết thực. Thay vì dành thời gian để tìm hiểu về những thông tin này, bạn hãy hạn chế tiếp xúc với chúng hoặc chỉ dành một ít thời gian trong ngày cho nó.
Một số gợi ý từ Verywell Mind mà bạn có thể cân nhắc thử:
- Kỹ thuật số nhanh: Hãy thử từ bỏ tất cả các thiết bị kỹ thuật số trong một khoảng thời gian ngắn, chẳng hạn như một ngày hoặc tối đa một tuần.
- Kiêng kỹ thuật số thường xuyên: Chọn một ngày trong tuần không dùng thiết bị nào cả.
- Cai nghiện cụ thể: Nếu một ứng dụng, trang web, trò chơi hoặc công cụ kỹ thuật số chiếm quá nhiều thời gian của bạn, hãy tập trung vào việc hạn chế sử dụng món đồ có vấn đề đó.
- Cai nghiện mạng xã hội: Tập trung vào việc hạn chế hoặc thậm chí loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng mạng xã hội của bạn trong một khoảng thời gian cụ thể.