Suốt nhiều thế hệ, chúng ta đã được dạy rằng tiền tệ xuất hiện một cách tự nhiên từ việc trao đổi sản phẩm có giá trị tương đương nhau. Ảnh: Pexels. |
Suốt 150 năm qua, các nhà kinh tế học vẫn tin vào câu chuyện về nguồn gốc tiền tệ được truyền tải qua hàng loạt sách giáo khoa.
Nghi ngờ về nguồn gốc quen thuộc của tiền tệ
Câu chuyện này yêu cầu chúng ta tưởng tượng về một nền kinh tế trao đổi hàng hóa tiền tệ thuở sơ khai, nơi mọi người mua bán hàng hóa và dịch vụ bằng cách trao đổi chúng với các hàng hóa và dịch vụ khác có giá trị tương đương nhau.
Cuối cùng, một loại hàng hóa phù hợp - có thể là vàng hoặc bạc - đã xuất hiện, đóng vai trò là phương tiện trao đổi trong thương mại, đồng thời là đơn vị tính toán thuận tiện để thể hiện giá trị.
Về sau, tiền xu được phát hành (cuối cùng trở thành độc quyền của chính phủ) và sau đó là tiền giấy, tín dụng và hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, không có bằng chứng lịch sử nào chứng minh câu chuyện này.
"Chưa từng có ghi chép về một nền kinh tế trao đổi hàng hóa thuần túy. Càng không có bằng chứng cho thấy tiền tệ xuất hiện từ nền kinh tế đó. Tất cả nghiên cứu dân tộc học hiện có đều cho thấy chưa từng tồn tại một nền kinh tế hoàn toàn như vậy", nhà nhân học nổi tiếng Caroline Humphreys lưu ý.
Vậy tiền thực sự ra đời từ đâu? Một trong những khó khăn chúng ta gặp phải là các nhà kinh tế trẻ thường không được khuyến khích nghiên cứu về bản chất giá trị của tiền và hoạt động của hệ thống tiền tệ.
Hậu quả là một trong những bài viết hay nhất về tiền tệ lại ra đời cách đây hơn 100 năm, với tựa đề “Tiền là gì?” và “Thuyết tín dụng về tiền tệ”. Tác giả là nhà kinh tế người Anh Alfred Mitchell-Innes.
Những bài báo này bác bỏ hoàn toàn ý tưởng tiền tệ tiến hóa từ nền kinh tế trao đổi hàng hóa. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với cách chúng ta nhìn nhận vai trò của chính phủ trong hệ thống tiền tệ và yếu tố quyết định giá trị của tiền.
Theo Conversation, phiên bản này gần với sự thật hơn, nhưng chúng gần như bị giới kinh tế phớt lờ hoàn toàn. Thừa nhận câu chuyện thực sự về tiền tệ sẽ buộc các nhà kinh tế phải thay đổi hoàn toàn mô hình tư duy. Không có gì lạ khi nhiều người trong số họ không muốn nghĩ về điều đó.
Những hình thức tiền hiện đại đầu tiên xuất hiện trong nền văn minh Babylon cổ đại. Ảnh: Peter Sobolev/Shutterstock. |
Ai là "cha đẻ" của tiền tệ?
Sự thật là tiền tệ có từ trước cả thị trường. Các chính phủ đã phát minh ra tiền tệ - nó không tự phát triển độc lập từ các hệ thống trao đổi hàng hóa trước đó.
Nền kinh tế thị trường đơn giản là không thể phát triển cho đến khi tiền tệ tồn tại. Trong phần lớn lịch sử, các phương tiện trao đổi được coi là tiền tệ có giá trị nội tại ít hoặc không có, chúng mang hình dạng như bảng đất sét, gậy đếm bằng gỗ cây phỉ, kim loại cơ bản, vỏ sò hoặc giấy.
Que kiểm đếm là một dạng tiền tệ ban đầu, nhưng gỗ không có giá trị nội tại. Ảnh: CC BY-SA. |
Theo nhà kinh tế học Keynes, những hình thức tiền tệ đầu tiên này có thể được coi là "tiền tệ hiện đại". Chúng xuất hiện cùng với thuế, kế toán và thậm chí cả kỹ năng đọc viết và tính toán. Những đồng tiền ban đầu này là đơn vị tính toán được sử dụng để đánh giá cống phẩm phải nộp cho các tổ chức chính phủ sơ khai ở Trung Đông.
Từ "shekel" vẫn được sử dụng như một đơn vị tiền tệ, nhưng nó có nguồn gốc từ Babylon cổ đại và gắn liền với sự ra đời của tiền tệ cách đây hơn 5.000 năm.
Các nhà nghiên cứu cho rằng nhu cầu nộp thuế là nguyên nhân tạo ra nhu cầu về một loại tiền tệ đã được các chính phủ thời thuộc địa hiểu rõ. Họ biết cách đưa đồng tiền của mình vào các quốc gia bị xâm lược, buộc người dân địa phương cung cấp nhân công hoặc hàng hóa cho chính phủ. Họ cũng biết cách áp dụng nghĩa vụ nộp thuế - thường là thuế nhà ở. Thuế này chỉ có thể được thanh toán bằng tiền của thuộc địa.
Người dân địa phương buộc phải làm việc cho chính quyền thuộc địa hoặc cung cấp hàng hóa cho những người khác phục vụ chính quyền, nếu không họ sẽ không có loại tiền cụ thể cần thiết để nộp thuế. Điều này tạo ra nhu cầu đối với đồng tiền của thế lực thực dân, thứ mà chính phủ thuộc địa có thể chi tiêu.
Nếu một chính phủ như vậy chi tiêu nhiều hơn tổng số tiền thu được qua thuế (tức là thâm hụt ngân sách), cộng đồng có thể thêm số tiền còn lại vào khoản tiết kiệm của mình. Thuế và hệ thống pháp lý tạo ra nhu cầu đối với đồng tiền của chính phủ và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế tiền tệ.
Ngày nay, hệ thống thuế vẫn là động lực thúc đẩy hệ thống tiền tệ. Nhu cầu đối với đồng tiền của chính phủ được đảm bảo vì người dân cần nó để nộp thuế.
Theo Conversation, nếu chấp nhận tiền tệ và thị trường không tự nhiên xuất hiện mà được tạo ra bởi các định chế chính phủ và hệ thống pháp lý, điều đó có nghĩa là không tồn tại thị trường tự do thực sự, không có tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên và không có sự phân phối thu nhập và của cải tự nhiên.
Lý thuyết cho rằng tiền tệ tự phát triển trong khu vực tư nhân khiến mọi người tin rằng thị trường tự do là hệ thống tự nhiên mà chính phủ chỉ can thiệp. Nhưng trên thực tế, chính phủ thời kỳ đầu đã phát minh ra các định chế về tiền tệ và thị trường, cùng với khuôn khổ pháp lý quyết định cách thức hoạt động của những thị trường đó.
Nền kinh tế trao đổi luôn phụ thuộc vào hệ thống pháp luật và điều này sẽ luôn như vậy. Câu hỏi quan trọng hơn được đặt ra là ai viết những luật lệ đó, và các quy định đó được áp dụng vì lợi ích của ai.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.