Bộ phim là sản phẩm minh họa cho công nghệ chiếu phim hiện đại với màn hình là trần nhà hình vòm rộng lớn với sự trợ giúp của kính 3D.
Xem xong 5 phút phim, bên cạnh sự thán phục về trí thông minh của con người, có một câu hỏi lớn đậm mãi trong tâm trí tôi: “Chúng ta đã nuôi dưỡng ước mơ của mình như thế nào?”.
Thế hệ cha ông chúng tôi, họ có một ước mơ chung về độc lập và hòa bình, những ước mơ riêng của họ đã bị thời cuộc đặt xuống hàng thứ yếu so với ước mơ lớn lao của cả dân tộc.
Thế hệ chúng tôi là thế hệ thực hiện những ước mơ cá nhân bị bỏ lỡ của thế hệ đi trước cộng với bài toán giải quyết sức ép về kinh tế gia đình. Chúng tôi chọn đại học A, đại học B, trở thành kỹ sư, bác sĩ, nhà giáo… để giải quyết 2 vấn đề nêu trên chứ hiếm khi dám đi theo ước mơ của chính mình.
Những măng non TP.HCM tại lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Đội sáng 15/5. |
Như một quán tính, chúng tôi đã không có thói quen nuôi dưỡng ước mơ của mình nên cũng không có thói quen và kỹ năng để nuôi dưỡng ước mơ cho thế hệ con mình. Và đó thật sự là một thiệt thòi rất lớn cho thế hệ con chúng tôi.
Con trẻ có thể có rất nhiều ước mơ, thay đổi theo từng độ tuổi, thái độ chung của chúng ta đối với những ước mơ ấy thường là “trẻ con biết gì, rồi vài hôm nó lại mơ ước thứ khác!” và quên đi những ước mơ của con.
Đúng, ước mơ của trẻ rất phong phú và hay thay đổi, nhưng nếu chúng ta biết cách giúp con giữ lại những ước mơ con tha thiết nhất, giúp con phương tiện và thái độ tích cực để theo đuổi ước mơ đó và biến nó thành hiện thực, thì đó sẽ là niềm hạnh phúc lớn lao cho cuộc đời con cũng như là sự đóng góp hữu ích cho xã hội.
Dạo quanh một vòng các trường trung học phổ thông ở trung tâm thành phố, ước mơ của các con chỉ ngắn gọn là được đi du học hoặc đậu vào các trường đại học hàng đầu.
Tại sao con chọn trường này, ngành này để học? Vì ngành này dễ xin việc sau khi ra trường, cơ hội có thu nhập cao từ nghề này cao hơn các nghề khác. Con có thích ngành này không? Con không biết… Con có ước mơ gì từ nhỏ tới giờ không? Con không biết…
Phân loại sai, hủy hoại ước mơ
Chúng ta có sự phân loại về ước mơ của con trẻ, những ước mơ phù hợp với ước mơ của chúng ta sẽ được xem là những ước mơ đúng đắn, và bố mẹ hài lòng vì con mình chín chắn khi lựa chọn ước mơ.
Những ước mơ nằm ngoài vùng mơ ước của cha mẹ sẽ được xem là điên rồ, là vớ vẩn và sẽ bị vùi dập không thương tiếc. Nếu như ở nước ngoài, việc một đứa trẻ phát biểu rằng con muốn trở thành một nhà khảo cổ học được bố mẹ khuyến khích như là hướng đi phù hợp với khả năng và đam mê của con, thì ở Việt Nam một ước mơ như thế sẽ nhanh chóng bị cả gia đình và xã hội dè bỉu vì cho rằng nghề này không mấy ai nổi tiếng và không kiếm ra nhiều tiền. Như vậy, chúng ta đang “tiền hóa” và danh vị hoa” ước mơ của con mình.
Từ sự phân loại thiển cận đó, chúng ta vô tình làm thế giới ước mơ của con chúng ta co hẹp lại. Có những ước mơ bị bóp chết không thương tiếc, và có những ước mơ buộc phải nép mình trốn kỹ trong sâu thẳm tâm hồn không dám thổ lộ cùng ai.
Những phân tích về lợi thế cạnh tranh khi nộp hồ sơ thi vào trường A trường B, ưu tiên vượt trội trong tuyển dụng khi tốt nghiệp trường C trường D mà bố mẹ ngày ngày lặp đi lặp lại bên tai con, lâu ngày sẽ làm tê liệt tư duy về ước mơ của con.
Rồi ước mơ của bố mẹ âm thầm thế chỗ cho ước mơ của con từ khi nào chẳng rõ, và con cũng sẽ dần xem sự thay đổi thứ tự ưu tiên này là đương nhiên. Và như thế, chúng ta đã rất tích cực tiêu diệt ước mơ của con chúng ta thay vì giúp con nuôi dưỡng nó.
Làm gì để giúp con nuôi dưỡng ước mơ?
Để giúp con nuôi dưỡng ước mơ của mình, hãy bắt đầu từ việc trân trọng mọi ước mơ của con: trở thành nghệ sĩ dương cầm, nhà kinh tế học, tỉ phú, nhà nghiên cứu về các loại chim, người dạy nhảy chuyên nghiệp, người bán hàng nổi tiếng, cô giáo dạy giỏi, thợ cơ khí sửa máy bay lành nghề… đều có một điểm chung là TRỞ THÀNH NGƯỜI THÀNH CÔNG trong công việc mà con theo đuổi.
Chúng ta, sau rất nhiều vấp ngã trong cuộc đời, thành công có, thất bại có, đều hiểu rằng riêng mục tiêu hướng đến sự thành công là mục tiêu tích cực đáng trân trọng và khi có mục tiêu ấy, người ta sẵn sàng cống hiến 100% năng lượng và nhiệt tình cho nó.
Một thái độ sống tích cực như vậy đang tiềm ẩm trong ước mơ nhỏ bé của con chúng ta, tại sao chúng ta nỡ vùi dập nó?
Để thấu hiểu ước mơ của con, không gì tốt bằng cha mẹ lắng nghe con với sự kiên nhẫn và cởi mở. Một khi ước mơ của con được đón nhận một cách hồ hởi, con sẽ tin vào ước mơ của mình, tự tin hơn trong việc làm thế nào để thực hiện ước mơ ấy.
Chỉ riêng sự tự tin và niềm tin mãnh liệt vào tính xác thực của ước mơ của mình đã giúp con mạnh mẽ và tích cực học hỏi, tích cực mở rộng kiến thức, mày mò các giải pháp để tiến đến gần ước mơ của mình rồi.
Khi đã chia sẻ được ước mơ của con, cha mẹ cần tích cực gợi ý, hướng dẫn con các phương tiện để con tự nuôi dưỡng và phát triển ước mơ của mình. Sách báo, Internet, thực nghiệm, cường độ luyện tập… rất nhiều nguồn thông tin để cha mẹ có thể cùng con tìm hiểu hoặc hướng dẫn con tự tìm hiểu và thực hiện.
Các cuộc thi năng khiếu, thi sáng chế… là một kênh rất tốt để con có cơ hội cọ xát thực tế và định vị quá trình thực hiện ước mơ của mình.
Cùng con nuôi dưỡng ước mơ của con, không chỉ là lắng nghe và hướng dẫn, mà còn phải sát cánh bên con thường xuyên rà soát xem con đường mình đi đã đúng hướng chưa, được bao nhiêu phần trăm quãng đường mình ước tính phải vượt qua để ước mơ ấy trở thành hiện thực, phải thay đổi mục tiêu tùy theo khả năng của con cũng như các điều kiện khách quan… và tiếp tục theo đuổi mục tiêu!
Thomas Edison đã làm đi làm lại thí nghiệm hơn 200 lần mới phát minh được bóng đèn sợi tóc và điều đó đẩy nhanh sự tiến bộ của xã hội với một vận tốc chóng mặt, tại sao chúng ta không đủ kiên nhẫn để chia sẻ và ủng hộ con mình nuôi dưỡng ước mơ mỗi ngày, để từ một ước mơ được chăm chút và vun trồng bằng sự yêu thương, kiên nhẫn và kỷ luật, con chúng ta có thể cống hiến cho xã hội những thành quả tuyệt vời đến từ việc hiện thực hóa ước mơ?