Nước súc miệng có nhiều công dụng nhưng không phải ai cũng sử dụng đúng cách. Ảnh minh họa: Drfiss. |
Nước súc miệng có thể giúp ngăn ngừa sâu răng, loại bỏ vi khuẩn và làm giảm các triệu chứng khô miệng. Nhưng điều này chỉ phát huy khi bạn sử dụng nó chính xác.
Theo Live Strong, 5 sai lầm phổ biến khi sử dụng nước súc miệng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng mà rất nhiều người mắc phải.
1. Dùng nước súc miệng ngay sau khi đánh răng
Súc miệng bằng một số loại nước súc miệng ngay sau khi đánh răng có thể làm hại răng của bạn. Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương quốc Anh (NHS), điều này là do nước súc miệng có tác dụng sát trùng, giúp nướu khỏe mạnh hơn, nhưng sẽ làm giảm tác dụng của fluoride trong kem đánh răng.
Điều này không có lợi vì fluoride là chất cần thiết để củng cố và ngăn ngừa sâu răng. Do đó, khi bạn sử dụng nước súc miệng sát trùng, hãy súc miệng sau bữa ăn và trước khi đánh răng.
Với nước súc miệng có fluoride (giúp hạn chế sâu răng), bạn có thể súc miệng sau khi sử dụng chỉ nha khoa và đánh răng. Điều này cho phép fluoride trong nước súc miệng phủ lên răng đã được làm sạch.
2. Chọn sai loại nước súc miệng
Không phải tất cả nước súc miệng đều giống nhau. Nước súc miệng có thể chứa nhiều hoạt chất khác nhau và nhiều thành phần không phù hợp với một số người.
Chẳng hạn, nước súc miệng sát trùng có chứa cồn thường làm mất nước trong miệng. Vì vậy, nếu bạn gặp tình trạng như khô miệng hoặc mô bị loét, viêm trong miệng, không nên sử dụng loại nước súc miệng có chứa cồn vì chúng có thể khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn.
Ngoài ra, nước súc miệng có chứa cồn có thể chống chỉ định đối với những người đang cai nghiện rượu vì cồn có thể khiến họ thèm rượu lại. Vì vậy, hãy nói chuyện với nha sĩ để được tư vấn loại nước súc miệng cụ thể dựa trên vấn đề tiềm ẩn hoặc tiền sử sức khỏe của bạn.
Chọn sai loại nước súc miệng có thể gây hại sức khỏe răng miệng của bạn. Ảnh minh họa: Lifehacker. |
3. Dùng nước súc miệng thay vì đánh răng
Khi quá bận để đánh răng, có thể bạn sẽ nghĩ rằng chỉ cần súc miệng là đủ. Tuy nhiên, nước súc miệng không thay thế cho việc đánh răng và dùng chỉ nha khoa hàng ngày. Nó chỉ giúp loại bỏ một số mảng bám.
Điều đó có nghĩa là bạn vẫn cần đánh răng để loại bỏ mảng bám, mảnh vụn thức ăn để bảo vệ răng và nướu. Nước súc miệng chỉ là công cụ bổ sung cho những thói quen vệ sinh răng miệng này.
4. Dùng nước súc miệng để trị hôi miệng
Nhiều người thường dùng nước súc miệng để che giấu mùi hôi miệng sau khi ăn những món "nặng mùi" như cá hay tỏi. Mặc dù thỉnh thoảng có thể sử dụng nó để khắc phục tạm thời, bạn không nên dựa vào nước súc miệng để điều trị chứng hôi miệng mạn tính.
Nhiều yếu tố liên quan đến sức khỏe khác - từ thuốc, bệnh nướu răng - có thể là nguyên nhân gây chứng hôi miệng. Theo Hiệp hội Nha khoa Mỹ, trong một số trường hợp, chứng hôi miệng cũng có thể là dấu hiệu của trào ngược dạ dày, tiểu đường, bệnh gan hoặc thận.
Khi đó, nước súc miệng sẽ không giải quyết được những tình trạng tiềm ẩn này. Tốt nhất là bạn nên gặp nha sĩ để tìm ra gốc rễ của vấn đề hôi miệng mà mình gặp phải.
5. Dùng nước súc miệng hơn 2 lần/ngày
Việc lạm dụng nước súc miệng có chứa cồn có thể khiến miệng bị khô, gây kích ứng mô và thúc đẩy tích tụ mảng bám. Các mảng bám này có thể dẫn đến sâu răng và bệnh nướu răng.
Vì vậy, súc miệng quá nhiều sẽ cản trở nỗ lực vệ sinh răng miệng của bạn. Nếu bạn muốn sử dụng nước súc miệng, chỉ nên dùng tối đa 2 lần/ngày: buổi sáng và buổi tối.
Bạn đã từng cảm thấy muốn ăn uống gì đó khi buồn bực, tức giận? Hay thậm chí vui vẻ cũng làm bạn ngon miệng và ăn nhiều hơn? Đặc biệt là thèm ăn rất nhiều thực phẩm không lành mạnh? Đây thực sự là tâm lý của rất nhiều người nhưng thực tế, nó không tốt cho sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần của bạn.
Cuốn sách Ăn gì cho khỏi thần kinh của tác giả Uma Naidoo sẽ cho bạn thấy tác hại của việc ăn uống theo tâm trạng. Cuốn sách cũng là cẩm nang về cách lựa chọn, sử dụng và chế biến thực phẩm để hỗ trợ sức khỏe tâm thần.