Thạc sĩ, bác sĩ nội trú Trần Anh Đức, Phó khoa Đẻ dịch vụ D3, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho biết trong 3 tháng đầu, tức quý I của thai kỳ là khoảng thời gian các cơ quan, bộ phận của thai nhi, đặc biệt chức năng thần kinh đang trong quá trình hình thành.
Vì vậy, mẹ bầu bị sốt cao, kéo dài do vi khuẩn, virus và ký sinh trùng… có thể mang lại những ảnh hưởng không tốt cho thai nhi.
"Sốt cao do virus cúm trong 3 tháng đầu có thể khiến thai nhi đối mặt với nguy cơ bị dị tật ống thần kinh, não úng thủy, tim bẩm sinh…", bác sĩ Anh Đức nói.
Theo bác sĩ Đức, khi thai phụ bị sốt, việc đầu tiên nên làm là gặp bác sĩ để tìm ra nguyên nhân. Nếu sốt do cảm thông thường, thai nhi tương đối an toàn. Nguyên nhân virus gây nên (ví dụ virus cúm A) kèm theo cơn sốt kéo dài, chúng sẽ tăng nguy cơ dị tật ở thai nhi.
Khi có hiện tượng sốt, thai phụ nên đến các cơ sở chuyên khoa để bác sĩ thăm khám. Ảnh: Vitalrecord. |
Hiện trên thị trường có bán những bộ test cúm, nhưng các mẹ nên chọn mua ở nhà thuốc lớn, uy tín, không chọn sản phẩm trôi nổi, không đảm bảo.
"Khi xác định được nguyên nhân gây sốt, bác sĩ sẽ tư vấn thai phụ cách điều trị hợp lý. Trường hợp chỉ sốt triệu chứng, thai phụ có thể dùng hạ sốt có thành phần paracetamol đơn thuần, bù nước bằng điện giải... Tốt nhất liều dùng nên có chỉ định của bác sĩ vì thuốc hạ sốt thường dùng theo cân nặng", bác sĩ Đức cho hay.
Ông cũng nhấn mạnh phụ nữ mang thai sức đề kháng giảm hơn so với bình thường, mặc dù cơ thể tăng lượng bạch cầu để đối phó tác nhân từ bên ngoài vào.
Nếu sốt cao kéo dài mà không dùng thuốc, nhịp tim của mẹ và con sẽ tăng lên, ảnh hưởng lập tức tới sức khỏe tim, thận của thai nhi, thậm chí gây ra lưu thai.
Sốt do nhiễm khuẩn có thể gây kích thích, khiến cơ thể sản sinh ra một chất gây co, mềm cổ tử cung, ảnh hưởng việc mang thai, nguy cơ sinh non, sẩy thai ở tuần thai muộn. Với thai đủ tháng, việc này có thể khiến trẻ khi sinh ra bị nhẹ cân, nhưng tỷ lệ này không cao.
Chuyên gia khuyến cáo khi có hiện tượng sốt, thai phụ nên đến các cơ sở chuyên khoa để bác sĩ thăm khám, làm xét nghiệm nếu cần, tìm nguyên nhân gây bệnh để có phương pháp điều trị hợp lý.
Đồng thời, ở những mốc quan trọng của tuần thai (tuần 12, 22, 32), thai phụ nên thực hiện siêu âm, sàng lọc trước sinh sớm để phát hiện nguy cơ hoặc dị tật.
Cuốn sách "Ăn thông minh, sống bình yên" của tác giả Makita Zenji giải thích về lý do càng nhiều tuổi càng cần hạn chế đường một cách nghiêm ngặt. Ngoài ra, cuốn sách cũng thông tin về các vấn đề lớn của chỉ số đường huyết; về cơ chế của các vấn đề béo phì, lão hóa và bệnh tật, đồng thời cung cấp các kiến thức, phương pháp, chế độ ăn uống hợp lý giúp bạn đảm bảo chỉ số đường huyết, tránh các bệnh liên quan đến đường huyết...