Cảm giác buồn ngủ nhiều hơn vào mùa đông là có cơ sở. Ảnh: minnie_zhou. |
Một nghiên cứu được công bố mới đây trên tạp chí Frontiers in Neuroscience cho thấy con người có giai đoạn giấc ngủ mắt chuyển động nhanh (REM) dài hơn vào mùa đông so với mùa hè và ngủ không sâu vào mùa thu.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Y Charité Berlin (Đức) khẳng định đồng hồ sinh học của con người được thiết lập bởi mặt trời.
Do đó, việc thay đổi độ dài ngày cũng như mức độ tiếp xúc ánh sáng trong cả năm có thể ảnh hưởng đến thời lượng và chất lượng giấc ngủ của chúng ta.
Tiến sĩ Dieter Kunz, bác sĩ tâm thần lâm sàng, nhà nghiên cứu về giấc ngủ và thời gian lâm sàng tại Phòng khám Giấc ngủ và Thời gian (St Hedwig, Đức) cho biết: “Trong nghiên cứu của chúng tôi, kết quả chỉ ra cấu trúc giấc ngủ của con người thay đổi đáng kể qua các mùa ở môi trường đô thị”.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã chọn ra 292 người tham gia để trải qua các nghiên cứu về giấc ngủ được gọi là đa ký giấc ngủ. Nghiên cứu được thực hiện với những người thường xuyên khó ngủ.
Nhóm tham gia đến một phòng thí nghiệm đặc biệt và được yêu cầu ngủ một cách tự nhiên, không đặt báo thức. Ở đây, họ được theo dõi chất lượng, cách thức và thời gian của giấc ngủ.
Các nhà nghiên cứu thừa nhận rối loạn giấc ngủ có khả năng ảnh hưởng đến kết quả. Tuy nhiên, nghiên cứu đã đánh giá trên một nhóm lớn, trải đều trong suốt cả năm, để làm rõ hơn sự khác biệt giữa các tháng.
Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học cũng loại trừ những người dùng một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, gặp lỗi kỹ thuật trong quá trình đo đa ký giấc ngủ, thời gian chờ giấc ngủ REM dài hơn 120 phút (cho thấy giai đoạn giấc ngủ REM đầu tiên đã bị bỏ qua).
Kết quả cho thấy tổng thời gian ngủ vào mùa đông dài hơn khoảng một giờ so với mùa hè. Dù vậy, các nhà nghiên cứu cho biết điều này không có ý nghĩa thống kê.
Điều đáng chú ý hơn là những người tham gia nghiên cứu trải qua giấc ngủ REM nhiều hơn 30 phút trong mùa đông so với mùa hè. Giấc ngủ REM là giai đoạn ngủ được liên kết trực tiếp với đồng hồ sinh học, bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi ánh sáng.
Nhóm nghiên cứu thừa nhận kết quả này cần được xác thực ở nhóm dân số không gặp khó khăn về giấc ngủ. Tuy nhiên, họ cho rằng những thay đổi theo mùa này có thể còn lớn hơn ở nhóm dân số khỏe mạnh.
Mục Sức khỏe giới thiệu cuốn Ăn gì không chết. Cuốn sách là một khảo cứu của bác sĩ Michael Greger sau khi ông xem xét tỉ mỉ 15 nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chết trẻ ở Mỹ để giải thích tại sao can thiệp dinh dưỡng và lối sống có thể giúp ta khỏe mạnh hơn, ví dụ như mối liên hệ giữa thịt gà và ung thư tuyến tụy, hoặc bệnh tiểu đường và đậu.