Chung Thanh Phong không để tâm đến việc bị người khác đạo nhái thiết kế. Trò chuyện cùng Zing, anh cho biết: "Những món đồ nhái sẽ không bao giờ đạt được giá trị hiện hữu giống sản phẩm thật".
"Văn hóa truyền miệng trong ngành đồ cưới rất quan trọng"
- Sắp hết năm 2020, tình hình kinh doanh đồ cưới của Chung Thanh Phong như thế nào?
- 2020 là năm có khá nhiều biến động, không chỉ riêng tôi mà nhiều ngành nghề khác cũng bị ảnh hưởng. Từ tôi có thể miêu tả khi sắp hết năm chính là "sự thích nghi".
Tôi đã cân bằng được công việc, cuộc sống và cách giữ vững được thương hiệu của chính mình. Đó là điều khiến tôi cảm thấy thành công nhất trong năm qua. Riêng vấn đề kinh doanh đồ cưới và và thương hiệu, mọi thứ gần như có sự ổn định.
- Trong thời điểm dịch Covid-19, lũ lụt và mức tiêu dùng của khách hàng giảm, anh có gặp khó khăn?
- Khoảng thời gian đầu năm, tôi có nhiều đơn đặt hàng từ khách. Nhưng sau khi dịch Covid-19 ập đến, các lịch trình đều phải thay đổi, phụ thuộc hết vào tình hình xã hội. Khó khăn tiếp theo là những kế hoạch được vạch sẵn đều bị dời đến cuối năm, đồng nghĩa với việc khoảng thời gian này tôi bị quá tải công việc.
Khó khăn trong năm 2020 đối với ngành thời trang chính là cửa khẩu vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam, nguyên vật liệu không thể xuất nhập khẩu. Tôi xem đó là hạn chế. Tuy nhiên, bản thân vẫn biết cách thích ứng với thời cuộc.
Kết nối với khách hàng qua mạng và đưa ra những chế độ ưu đãi riêng như giữ lại mẫu mã, nguyên vật liệu trong vòng 2 năm để có thể hỗ trợ một cách tốt nhất, giúp họ có thể yên tâm hơn về dịch vụ của Chung Thanh Phong. Một điểm sáng trong thời điểm dịch Covid-19 chính là kỹ năng thủ công của những người thợ được vận dụng tối đa.
- Show diễn "Dear My Princess" của Chung Thanh Phong khác nhiều so với trước, đây có phải là hướng đi mới cho thương hiệu?
- Sau khoảng thời gian gắn bó với đồ cưới, tôi có sự nhìn nhận rất rõ về vấn đề cá nhân hóa cho khách hàng, không ai giống ai. Trong bộ sưu tập vừa ra mắt, tôi cho mọi người thấy thế mạnh từ trước đến giờ về sự đa dạng trong phom dáng, cách xử lý và kỹ thuật khác nhau để tạo nên những chiếc váy cưới.
Tuy nhiên, điều khiến tôi vẫn giữ được bản sắc là phải biết lắng nghe, cập nhật xu hướng thế giới và đổi mới bản thân liên tục. Trong ngành đồ cưới, văn hoá truyền miệng rất quan trọng, những gì tôi từng làm để khách hàng tin tưởng và công nhận thì đó là điều hãnh diện.
- Nhiều người cho rằng bộ sưu tập "Dear My Princess" không có tính ứng dụng và khiến cô dâu cảm thấy nặng nề trong ngày cưới, quan điểm của anh thế nào?
- Với tôi, một show diễn thời trang là cách để chia sẻ 2 vấn đề quan trọng: Bối cảnh, kỹ thuật và thế mạnh mà nhà thiết kế muốn truyền tải. Tiêu chí của tôi vẫn là sự sáng tạo riêng cho từng khách hàng.
Show diễn của Chung Thanh Phong như niềm cảm hứng dành cho người xem, để họ có thể tưởng tượng được chiếc váy cưới trong ngày quan trọng của mình sẽ như thế nào. Bộ sưu tập cũng là nơi tôi muốn gửi gắm những gì tinh tuý nhất của bản thân.
Tuy nhiên, bộ sưu tập vẫn có phom dáng phù hợp với người bình thường và dễ dàng trong việc lựa chọn. Đặc biệt, mọi người cần nhìn tổng thể show diễn bởi tính ứng dụng trên từng thiết kế rất cao với độ bồng bềnh, nhẹ nhàng trong lúc di chuyển.
- Gần đây, anh lựa chọn gương mặt đại diện là các bạn trẻ có tầm ảnh hưởng xã hội, thay vì ngôi sao tên tuổi như trước. Đằng sau câu chuyện này là gì?
- Thực tế, nhu cầu cưới đang trẻ hoá và số lượng các bạn trẻ tiến đến hôn nhân rất nhiều. Việc lựa chọn gương mặt đại diện cho bộ sưu tập cũng có sự thay đổi.
Ví dụ, Cara và Noway mang đến vẻ năng động, trẻ trung như nàng công chúa hay hoàng tử thời hiện đại. Điều này giúp tôi có thể tạo nên làn gió, hơi thở mới cho dòng áo cưới của mình.
Chung Thanh Phong luôn dành sự tận tâm cho từng chiếc váy cưới. Ảnh: Phương Lâm. |
"Nhiều thương hiệu mang đến giá trị ảo về váy cưới"
- Chọn người trẻ là cách để Chung Thanh Phong mở rộng đối tượng khách hàng cho thương hiệu?
- Thật ra độ tuổi phổ biến với thương hiệu của tôi nằm trong khoảng 18-28 tuổi. Tôi phải cập nhật và mở rộng đối tượng khách hàng trẻ hơn để mọi người biết đến. Tôi không bao giờ cho phép bản thân dậm chân tại chỗ.
Riêng về giá thành, mọi người luôn mặc định đến với Chung Thanh Phong sẽ rất đắt đỏ, xa hoa. Tuy nhiên, tiêu chí của tôi chính là chỉ cần chia sẻ giấc mơ của bạn, chúng tôi sẽ biến nó thành sự thật.
Một chiếc váy cưới đẹp không nằm ở giá tiền, nó phải phù hợp với người mặc. Tôi luôn tâm niệm rằng niềm hạnh phúc là nhìn thấy những cô dâu toả sáng, tay trong tay bước lên lễ đường với tình yêu của cuộc đời họ.
- Hướng đến đối tượng khách hàng trẻ, anh có phải thay đổi tư duy sáng tạo của bản thân?
- Về tư duy sáng tạo, tôi giữ nguyên lập trường. Bản sắc trong việc thiết kế phải kiên định với những gì vốn có. Tôi không đồng ý một sản phẩm gắn mác Chung Thanh Phong có phom dáng không đẹp và tiêu chuẩn bộ váy cưới hoàn hảo đến từ vòng eo "con kiến".
Tôi tự tin thiết kế của mình luôn có tiêu chí mà không phải thương hiệu nào cũng làm được chính là 10 năm sau nhìn lại sản phẩm vẫn không lỗi mốt.
- Chung Thanh Phong định hình bản thân thế nào trong thị trường váy cưới hiện nay?
- Tôi muốn nhắm đến ngôi vị là nhà thiết kế hàng đầu tại Việt Nam từ lúc bắt đầu khởi nghiệp. Quan trọng hơn hết, dòng áo cưới của tôi là cao cấp, được làm tỉ mỉ từ những con người tâm huyết nhất.
Bên cạnh đó, một chiếc váy cưới không nằm ở mẫu thiết kế đẹp, xấu hay đắt tiền mà phải chứa đựng bên trong sự tâm huyết. Ngoài dòng váy cưới có phiên bản giới hạn, sắp tới tôi sẽ tung ra sản phẩm Haute Couture cao cấp.
Mọi người đang bị mông lung giữa những thiết kế Haute Couture ở ngoài thị trường và nhiều thương hiệu lợi dụng cụm từ này để mang đến giá trị ảo về váy cưới. Bằng uy tín, kinh nghiệm và chuyên môn, tôi sẽ phát triển thêm dòng áo cưới cao cấp, từ đó tư vấn giúp khách hàng lựa chọn dịch vụ tốt nhất trong ngày trọng đại.
- So với các thương hiệu chuyên về váy cưới, Chung Thanh Phong lấy gì để làm sự khác biệt?
- Sự khác biệt lớn nhất chính là uy tín và niềm tin, bởi đa phần dịch vụ khác sẽ đặt yếu tố thương mại lên hàng đầu. Nhưng với tôi, một chiếc váy cưới phải mang được "linh hồn", bản sắc riêng và tâm huyết của nhà thiết kế dành cho cô dâu.
Nhà thiết kế Chung Thanh Phong sắp tới muốn phát triển dòng váy cưới Haute Couture. Ảnh: Phương Lâm. |
- Chung Thanh Phong nhận định thế nào về sự cạnh tranh trong ngành thời trang cưới?
- Hiện tại, ngành thời trang cưới cạnh tranh khốc liệt và hỗn loạn. Sau thời điểm Covid-19, tất cả thương hiệu chuyển hướng sang làm đồ cưới bởi đó là nhu cầu. Việc cưới hỏi vẫn phải diễn ra, đặc biệt ở Việt Nam cũng có văn hóa cưới theo năm, phong thủy, tuổi tác và sự hứa hẹn của 2 gia đình.
Tuy nhiên, nhiều thương hiệu quên mất rằng hành động này là sự vội vã và có sự đầu tư chưa được chuẩn, nghiêm túc, chỉ mang tính chất nhất thời.
Thị trường hiện tại không chỉ đơn giản là việc phá giá mà còn xuất hiện câu chuyện nhái mẫu, hàng hóa kém chất lượng. Tôi nghĩ những thứ có sự phát triển bền vững, ổn định sẽ chạy được đường dài, còn ai chỉ xem ngành thời trang cưới là cuộc dạo chơi sẽ bị thanh lọc và trở về đúng quỹ đạo.
Việc nhất quán về tư duy, cách làm việc và tịnh tâm trên con đường đi là rất quan trọng, mang yếu tố sống còn.
- Quay về câu chuyện đạo nhái váy cưới, anh làm thế nào để giải quyết vấn đề này?
- Vài năm về trước, khi đối mặt với trường hợp đạo nhái, tôi luôn cảm thấy buồn và tức giận. Nhưng thời điểm ấy, tôi suy nghĩ đến một điều đơn giản rằng thiết kế phải đẹp mới được người ta nhái.
Dùng từ "được nhái" ở đây cũng có thể xem như chuyện vui. B ởi đâu đó mình mang được cảm hứng và truyền tải hình ảnh đẹp cho các cô dâu về niềm hạnh phúc trong ngày trọng đại.
Chúng ta không thể nào ngăn cản việc người khác đạo nhái sản phẩm của mình. Cách đơn giản nhất chính là hoàn thiện bản thân hàng ngày để có sự nhìn nhận về giá trị khi chọn Chung Thanh Phong. Đã là hàng nhái thì mãi sẽ là hàng nhái và không thể nào so sánh cùng sản phẩm thật.
Chung Thanh Phong cho rằng váy cưới của anh cũng sẽ không bị lỗi mốt sau 10 năm. Ảnh: Phương Lâm. |
"Hàng nhái không bao giờ đạt được giá trị giống sản phẩm thật"
- Trong ngành thời trang cưới, nhiều thương hiệu hướng theo chiến lược cho thuê sản phẩm, giúp khách hàng tiết kiệm chi phí, quan điểm của anh thế nào?
- Tôi có quan điểm khác. Bất cứ ai cũng mong muốn bản thân trở nên đặc biệt, duy nhất trong ngày trọng đại nên chiếc váy cưới sẽ phải thuộc về mình. Điều này mang đến giá trị tinh thần và kỷ niệm đẹp nhất trong cuộc đời.
- Chung Thanh Phong có từng nghĩ sẽ chuyển sang cho thuê váy cưới để thu hút nhiều người?
- Tôi nghĩ nhu cầu thuê váy cưới cũng là thị phần và biết đâu trong thời gian sắp tới, tôi sẽ ra mắt dòng đồ cưới riêng phục vụ cho việc này. Quan trọng hơn hết, dịch vụ cưới của tôi có thể được xem như sự hoàn hảo về xây dựng hình ảnh cho các cô dâu trong ngày trọng đại.
- Anh nhận xét thương hiệu váy cưới của mình đứng đâu trong thị trường đồ cưới tại Việt Nam?
- Hiện tại, tôi có thể tự tin nói rằng mình là một trong những nhà thiết kế hàng đầu về đồ cưới tại Việt Nam. Không phải tôi tự huyễn hoặc hay ba hoa khoác lác về chính mình mà vấn đề này đã được chứng minh bằng thời gian. Từ ngày khởi nghiệp, uy tín và sự phản hồi của khách hàng hay những buổi tiệc cưới hạnh phúc chính là giá trị tôi cảm thấy tự hào.
- Khách hàng có nhu cầu với đồ cưới sẽ ít hơn so với thị phần thời trang ứng dụng, anh nghĩ đâu là lý do để họ chọn mình?
- Riêng với dòng sản phẩm áo cưới, tâm huyết luôn là yếu tố hàng đầu và sự tỉ mỉ đến từng chi tiết cũng trở thành lý do giúp thương hiệu của tôi tồn tại suốt thời gian dài.
Điều tôi mong muốn chính là có sức khoẻ để giữ được cái "hồn" thả vào trong từng mẫu thiết kế. Tôi luôn tự tin rằng bản thân chưa bao giờ có sự tranh cãi với khách hàng.
Bên cạnh mẫu thiết kế đẹp, câu chuyện đằng sau đó phải truyền được cảm hứng đến khách hàng. Điều này giúp tôn vinh giá trị của một chiếc váy cưới và cô dâu trong ngày trọng đại.
Nhà thiết kế gốc Đà nẵng muốn mang đến cho cô dâu niềm hạnh phúc từ chiếc váy cưới trong mơ. Ảnh: Phương Lâm. |