Tại một trung tâm liên lạc truy vết các ca nhiễm Covid-19 ở Singapore, hàng chục nhân viên đều một tay cầm điện thoại, một tay thao tác trên máy tính. Xung quanh họ là những tấm bảng trắng viết chi chít, nguệch ngoạc các dãy số, gồm đường dây nóng của bệnh viện, chi tiết chuyến bay, khách sạn, thông tin lưu trú.
"Bạn thực sự đã bắt xe bus về thẳng khách sạn?", "Đó là tuyến xe số mấy, bạn có nhớ biển số xe", "Xe có sức chứa khoảng bao nhiêu người?", "Một chiếc xe cỡ lớn? Nó có chở được khoảng 40 người?"... một nhân viên liên tục hỏi người ở đầu dây bên kia.
Những câu hỏi chi tiết như vậy sẽ giúp đội truy vết nhanh chóng xác định được những người có tiếp xúc với các ca nhiễm Covid-19 (F1, F2). Khi dịch bệnh bắt đầu quay trở lại vào đầu năm nay, một nhân viên liên lạc có thể thực hiện hàng trăm cuộc gọi mỗi ngày. Không tuân theo lịch làm việc thông thường từ 9h đến 17h, với họ, giờ nào cũng phải sẵn sàng làm nhiệm vụ.
Tuy nhiên, không phải cuộc gọi nào cũng thành công và suôn sẻ. Nhiều người thậm chí phản ứng gay gắt khi được thông báo về nguy cơ nhiễm bệnh, biện pháp cách ly hay nhận được các câu hỏi chi tiết về lịch trình di chuyển.
Nhóm liên lạc truy vết Covid-19 tại Singapore. Ảnh: CNA. |
Làm việc không ngày nghỉ
Tại Singapore, tổng đài liên lạc truy vết Covid-19 được xếp vào nhóm cơ quan tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch. Đây là nơi cơ quan giám sát tiếp xúc của Bộ Y tế xác định các mối liên hệ gần gũi của những trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, từ đó góp phần ngăn chặn sự lây lan của virus trong cộng đồng.
Đầu tiên, trung tâm truy vết sẽ liên hệ với bệnh nhân Covid-19 để xác định lịch trình chi tiết của họ trong 14 ngày qua.
Sau đó, các nhân viên xác minh thông tin này với những người khác nhau, bao gồm gia đình, đồng nghiệp, bạn bè của bệnh nhân, trước khi gọi cho những người tiếp xúc gần gũi dựa trên tỷ lệ phơi nhiễm.
Các hành động tiếp theo bao gồm đưa các F1 và F2 vào diện cách ly hoặc giám sát qua điện thoại. Trong 14 ngày tiếp theo, các nhân viên sẽ liên tục gọi điện để kiểm tra và nhắc nhở.
Quá trình này bắt đầu từ khi Singapore báo cáo ca bệnh đầu tiên vào đầu năm ngoái và đã kéo dài trong suốt hơn một năm qua khi dịch bệnh trên khắp thế giới chưa có dấu hiệu lắng xuống.
Khi dịch bệnh bùng phát, các nhóm truy vết đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus trong cộng đồng. Ảnh: AP. |
Phó Giáo sư Vernon Lee, phụ trách các bệnh truyền nhiễm tại Bộ Y tế, nói với CNA: "Tôi nghĩ rằng cả năm ngoái đã diễn ra khá căng thẳng. Nhóm truy vết đã làm việc trong suốt cả năm. Trên thực tế, nhịp độ là 24/7 vì tất nhiên virus không ngừng nghỉ thì công việc của chúng tôi cũng vậy. Chúng tôi phải luôn bám sát những diễn biến mới nhất và cả những thay đổi trên toàn thế giới".
Bộ Y tế Singapore có hai trung tâm truy tìm liên lạc mà địa điểm không bao giờ được tiết lộ. Mỗi trung tâm có 6 nhóm theo dõi liên hệ và 6 nhóm cán bộ điều hành.
Trung bình mỗi nhân viên phải gọi 30-50 cuộc điện thoại mỗi ngày và con số này có thể nhiều gấp đôi khi các ca nhiễm tăng đột biến vào năm ngoái.
"Trong trường hợp phức tạp, chúng tôi sẽ ở lại làm thêm giờ", Narasimhan Rao, 38 tuổi, người từng là giám đốc điều hành theo dõi liên lạc từ tháng 4 năm ngoái, cho biết.
Tại Ireland, nơi ghi nhận hơn 250.000 ca nhiễm và gần 5.000 trường hợp tử vong vì Covid-19 tính đến ngày 16/5, các nhóm truy vết cũng đang phải làm việc hết công suất.
Kilian McGrane, trưởng nhóm truy tìm liên lạc của cơ quan điều hành dịch vụ y tế, cho biết khi Ireland ghi nhận hàng trăm trường hợp nhiễm mới vào tháng 4/2020, các trung tâm có thêm hàng nghìn số liên hệ mới để gọi mỗi ngày.
"Chúng tôi thực hiện 2.500-3.000 cuộc gọi mỗi ngày. Cuộc gọi ngắn nhất có thể mất 25 phút, lâu nhất là 2 giờ, đặc biệt nếu có khó khăn về ngôn ngữ. Điều này vô cùng căng thẳng, áp lực", McGrane nói.
Nhóm truy vết Covid-19 gồm nhiều chuyên gia y tế về hưu tại Ireland. Ảnh: Enda O'Dowd. |
Cuộc gọi không mấy vui vẻ
Cung cấp thông tin, khuyến cáo y tế quan trọng trong mùa dịch song không phải lúc nào những cuộc gọi của các nhóm truy vết Covid-19 cũng được chào đón.
Một số bệnh nhân hoặc những người tiếp xúc gần với ca nhiễm có thể không muốn nói chuyện vì nghĩ rằng đó là một cuộc gọi lừa đảo. Trong trường hợp này, các cán bộ y tế phải gửi tin nhắn, email chính thức, hoặc khuyến khích họ gọi đến đường dây nóng của Bộ Y tế.
"Chúng tôi không phải là những kẻ lừa đảo vì chúng tôi không yêu cầu các thành viên công khai chi tiết tài chính của họ hoặc chuyển bất kỳ khoản tiền nào cho chúng tôi. Đây là điều họ nên biết", Lin Zhaoquan (34 tuổi), người đứng đầu một trung tâm truy tìm liên hệ ở Singapore, cho hay.
Dayna Benoit, người theo dõi liên hệ của Sở Y tế Washtenaw (Michigan, Mỹ) từ tháng 3 năm ngoái, kể rằng cô từng gặp rất nhiều trường hợp phản ứng gắt gỏng, thậm chí buông lời chửi bới khi nhận được điện thoại thông báo ca nhiễm Covid-19 có tiếp xúc gần.
"Tôi biết cuộc điện thoại của chúng tôi chẳng có gì vui vẻ nhưng thật đáng quan ngại khi mọi người không nhận điện thoại. Một số cúp ngang hoặc đề nghị gọi lại sau vì đang bận ăn trưa".
Khoanh vùng lây nhiễm, xác định F1, F2 của các ca nhiễm mới là một trong những công việc quan trọng của các nhóm truy vết. Ảnh: AP. |
Benoit nói thêm công việc này đôi khi "tra tấn" cô và đồng nghiệp về mặt cảm xúc.
"Có nhiều bệnh nhân chúng tôi đã liên hệ trong nhiều ngày để theo dõi tình hình của họ. Nhưng đến một ngày, chúng tôi nhận được tin họ đã qua đời. Điều đó thực sự đau đớn và khó khăn", Benoit nói.
Sau một năm làm việc, những nhân viên như Benoit có nhiều trải nghiệm khác nhau. Có những thời điểm họ thực sự muốn từ bỏ vì khó khăn, trở ngại. Thế nhưng, đến cuối ngày, họ lại nhận ra những mặt tích cực của công việc này để lại tiếp tục gắn bó.
"Không chỉ là một công việc 8 tiếng/ngày và nhận lương vào cuối tháng, giờ đây, chúng tôi thực sự quan tâm đến sức khỏe và hạnh phúc của những người mà mình trò chuyện hàng ngày. Mỗi ngày trôi qua, tôi lại cảm thấy mình đang tạo ra sự khác biệt và công việc này thực sự có ý nghĩa", Benoit nói.
Tương tự, Lin Zhaoquan, trưởng nhóm truy vết ở Singapore, cũng bắt đầu hiểu hơn về công việc cũng như những người anh gọi điện mỗi ngày.
"Đặt mình vào hoàn cảnh của bệnh nhân hay những người có nguy cơ nhiễm bệnh, tôi hiểu rằng đôi khi họ chỉ muốn trút bỏ nỗi bực dọc của mình. Vì vậy, ngoài những câu hỏi, tôi nhận ra bản thân còn cần một đôi tai biết lắng nghe và trái tim học cách thấu hiểu", Lin nói.