Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Một ca mắc Covid-19 vô ý thức, hàng nghìn người phải cách ly

Trong đại dịch, sự chủ quan, không tự giác cách ly của một cá nhân có thể gây hậu quả khó lường, đe dọa công sức chống dịch của cả tập thể.

hoi han vi lay lan dich benh anh 1

Tại Chiang Mai (Thái Lan), một trung tâm mua sắm và một quán bar phải đóng cửa, chính quyền địa phương gấp rút lấy mẫu xét nghiệm hơn 300 người để tìm ca nhiễm SARS-CoV-2 vào tháng 11/2020.

Tất cả do một phụ nữ 29 tuổi mắc Covid-19 trong chuyến đi Myanmar, sau đó nhập cảnh trái phép trở lại Thái Lan và không thực hiện cách ly tập trung, theo Bangkok Post.

Dù có các biểu hiện bệnh, cô gái vẫn gặp bạn bè, đi bar, mua sắm và chỉ đeo khẩu trang vài lần khi đến nơi công cộng. Chỉ đến khi tình trạng trở nên nghiêm trọng và đến bệnh viện, người này mới bị phát giác.

Hơn một năm Covid-19 xuất hiện, bên cạnh những nỗ lực chống dịch của hệ thống y tế và cộng đồng, vẫn có không ít cá nhân vì sự vô trách nhiệm của bản thân mà làm lây lan loại virus chết người. Điều đó cũng giống như khi một mảnh ghép đi chệch hướng cũng đủ để phá hỏng cả chuỗi domino khổng lồ.

hoi han vi lay lan dich benh anh 2

Chỉ cần một cá nhân thiếu ý thức cũng đủ phá hỏng bao công sức chống dịch của cả cộng đồng. Ảnh: Reuters.

Chủ quan

Tháng 10/2020, người đàn ông ở Ireland trở thành ca “siêu lây nhiễm”, bị nhiều người lên án vì không tự giác cách ly sau khi về nước từ chuyến du lịch nước ngoài.

Theo Independent, ban đầu, người đàn ông có một số triệu chứng nhẹ như sổ mũi, đau họng song thân nhiệt bình thường. Yên tâm về điều đó, người này liên tục gặp bạn bè và tiếp xúc gần với các thành viên trong gia đình.

Không lâu sau, người đàn ông nhận kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Song lúc này, anh ta đã lây virus cho 3 người bạn. Những người này tiếp tục lây bệnh cho các thành viên trong gia đình họ.

hoi han vi lay lan dich benh anh 3

Nhiều trường hợp lây lan virus corona do sự chủ quan, coi thường dịch bệnh. Ảnh: Csstevensphoto.

Đáng nói, một trong số những người bạn bị lây nhiễm cảm thấy không khỏe, đến bệnh viện làm xét nghiệm vào buổi sáng. Đến chiều, khi cảm thấy khá hơn một chút, cô quyết định tham dự bữa tiệc của một nhóm bạn khác. Ở đây, số người bị nhiễm bệnh tiếp tục tăng lên.

Kinh khủng hơn, một thành viên thân thiết của gia đình ca “siêu lây nhiễm” cũng mắc Covid-19. Tuy nhiên, vì không xuất hiện nhiều triệu chứng, người này tham gia một trận đấu bóng địa phương và lây nhiễm cho nhiều đồng đội.

Cứ thế, từ trường hợp một ca bệnh không tự giác cách ly, con số nhiễm SARS-CoV-2 tổng cộng đã trở thành 56 người.

Trong một báo cáo vào 19/10/2020, cơ quan y tế địa phương đã gọi trường hợp này là “ví dụ thực tế” cho thấy virus corona có thể lây lan nhanh chóng trong cộng đồng như thế nào.

Một ca nhiễm, 40.000 người phải cách ly

Tại tâm dịch Ấn Độ, những ca "siêu lây nhiễm" với lịch trình di chuyển dày đặc khiến virus phát tán mạnh mẽ trong cả hai làn sóng Covid-19 năm ngoái và năm nay.

Giữa tháng 3, thời điểm dịch bệnh bắt đầu quay trở lại quốc gia Nam Á, Mahant Shankar Das, tín đồ Hindu 80 tuổi, đã đến thị trấn Haridwar để tham dự sự kiện hành hương lớn nhất Ấn Độ Kumbh Mela cùng hàng triệu người khác.

Hơn nửa tháng sau đó, ông Mahant có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 và được khuyến cáo cách ly trong một chiếc lều.

Tuy nhiên, người này vẫn thu dọn hành lý, đi tàu hơn 1.000 km để trở về thành phố Varanasi. Tại đây, con trai đón ông Mahant ở ga tàu, cả 2 cùng đi taxi về làng của họ cách thành phố Mirzapur kế bên 20 km.

Chỉ vài ngày sau đó, con trai của ông Mahant cùng một số dân làng đã nhiễm virus. Hiện tại, dù cha con ông Mahant hồi phục, song ít nhất 13 người dân khác đã tử vong vì "sốt và ho", theo BBC.

hoi han vi lay lan dich benh anh 4

Hàng triệu tín đồ sùng đạo Hindu tập trung tại thị trấn Haridwar để tham gia lễ hội Kumbh Mela vào tháng trước. Ảnh: DNA India.

Trở lại làn sóng dịch bệnh thứ nhất của Ấn Độ vào tháng 3 năm ngoái, một nhà truyền giáo 70 tuổi không tuân thủ quy định kiểm dịch đã khiến 40.000 người đến từ 20 ngôi làng khác nhau trên khắp đất nước phải cách ly, theo dõi y tế.

Người đàn ông, được xác định là Baldev Singh, đã phớt lờ lời khuyên nên tự cách ly sau khi trở về từ chuyến thăm Italy và Đức.

Ông Baldev đã tham dự Lễ hội Hola Mohalla - sự kiện kéo dài 6 ngày và thu hút khoảng 10.000 người tham dự/ngày - đồng thời đi giảng đạo ở hơn một chục làng ở bang Punjab.

Một tuần sau khi ông Baldev qua đời vì Covid-19, 19 người thân của nhà thuyết giáo này có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Ngay sau đó, 20 ngôi làng đã bị phong tỏa, 550 người tiếp xúc gần với ông Baldev được xác định và hàng chục nghìn người buộc phải cách ly.

Theo cơ quan y tế Punjab, ông Baldev là trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên ở bang Punjab, gần 70% các ca nhiễm của địa phương đều là con cháu, những người từng có tiếp xúc với nhà thuyết giáo.

Trường hợp siêu lây nhiễm này bị người dân Ấn Độ lên án mạnh mẽ. Sau cái chết của ông Baldev, nhạc sĩ kiêm rapper nổi tiếng Ấn Độ Sidhu Moose Wala đã sáng tác ca khúc Gawacha Gurbaksh như một lời cảnh báo về sự nguy hại của thái độ chủ quan, phớt lờ các quy tắc an toàn trong mùa dịch.

Những ca từ của bài hát như "Tôi đã lây nhiễm virus cho con cháu mình. Đất nước đang phải trả giá vì những sai lầm của tôi. Tôi hối hận vì đã bất cẩn, khiến virus lây lan và mọi người gặp nguy hiểm" đã được chia sẻ hàng triệu lần trên mạng xã hội.

Án phạt

Trong bối cảnh cả thế giới gồng mình chống chọi, đẩy lùi đại dịch, những trường hợp chủ quan, thiếu ý thức khiến virus phát tán trong cộng đồng đều bị xử phạt nghiêm ở các nước.

Tháng 4 vừa qua, một người đàn ông ở Mallorca (Tây Ban Nha) đã bị bắt giữ khẩn cấp sau khi lây lan virus cho 22 người khác, theo The Guardian.

Dù trở về từ vùng dịch và có các dấu hiệu nhiễm bệnh, người đàn ông 40 tuổi này vẫn đi làm, tập thể dục, tham gia một số tụ điểm. Sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, bệnh nhân này tiếp tục giấu bệnh để đi ra ngoài.

Khi bị các đồng nghiệp nghi ngờ nhiễm virus và đề nghị tự cách ly, người này đã cố tình hạ khẩu trang để ho và đe dọa: “Tôi sẽ lây nhiễm virus cho tất cả”.

Người đàn ông 40 tuổi bị bắt giữ sau khi đã lây nhiễm virus trực tiếp cho 8 người, trong đó có 5 người tại nơi làm việc và 3 người tại phòng tập thể dục. Những người này đã lây nhiễm cho 14 người khác, trong đó có 3 trẻ em, cảnh sát cho biết.

hoi han vi lay lan dich benh anh 5

Các nước đều đưa ra mức phạt nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm quy tắc phòng chống dịch bệnh. Ảnh: Reuters.

Tháng 3 năm ngoái, một người đàn ông Italy đối mặt với mức án 12 năm tù sau khi che giấu các triệu chứng nhiễm Covid-19 để được phẫu thuật nâng mũi, khiến nhiều bác sĩ, bệnh nhân bị nhiễm bệnh.

Cùng thời điểm, chính quyền tỉnh phía nam của đảo Jeju (Hàn Quốc) đã đệ đơn kiện 2 du khách nhiễm virus vẫn cố du lịch 5 ngày tại hòn đảo khiến hơn 20 doanh nghiệp đã buộc phải tạm thời đóng cửa và hơn 90 cư dân đã bị cách ly, theo Korea Herald.

Vụ kiện được đệ trình bởi chính quyền tỉnh cùng 6 doanh nghiệp địa phương, yêu cầu 2 du khách bồi thường hơn 100 triệu won (82.000 USD) thiệt hại kinh tế.

Cuối năm 2020, một đôi vợ chồng Mỹ đã bị bắt sau khi giấu việc nhiễm Covid-19 để lên chuyến bay đi từ San Francisco đến Hawaii. Cảnh sát cho rằng hành động của cặp vợ chồng này là vô cùng nguy hiểm vì nó khiến "các hành khách khác đối mặt nguy cơ nhiễm bệnh và tử vong".

Theo The Washington Post, nếu bị kết tội, cả hai có thể phải đối mặt với một năm tù giam và khoản tiền phạt 2.000 USD.

'Tôi xin lỗi vì tụ tập bất chấp và khiến dịch bùng phát trở lại'

Gặp gỡ nhau là nhu cầu, thói quen chính đáng, song, tại nhiều quốc gia trên thế giới, chính hành động này đang làm tình hình dịch trở nên tồi tệ, khó kiểm soát.

Lê Vy - Mai An

Bạn có thể quan tâm