Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

YouTuber tạo tin giả, gây sốc để câu tương tác

Bằng những tin đồn thất thiệt về việc phong tỏa, cách phòng tránh virus kỳ lạ, nhiều YouTuber, Facebooker biến mạng xã hội thành nơi lan truyền tin giả trong mùa dịch.

Ngày 10/5, Trần Văn Duy (Duy "Nến", 39 tuổi, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội), chủ kênh Hà Nội Phố có hơn 400.000 người đăng ký, bị phạt 12,5 triệu đồng sau khi loan tin giả về việc phong tỏa Hà Nội.

Ngày 6/5, Lê Quang Huy (27 tuổi, trú TP Huế), chủ fanpage Thừa Thiên Huế có 100.000 follow, bị phạt 5 triệu đồng sau khi lan truyền thông tin thất thiệt về tình hình dịch bệnh ở địa phương.

Đầu năm 2020, Facebooker Đặng Như Quỳnh (trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) với 300.000 người theo dõi trang cá nhân, phải gỡ bỏ 216 bài viết với nội dung chưa được kiểm chứng, có chứa bình luận xuyên tạc, đưa tin thất thiệt về dịch Covid-19 ở Việt Nam.

Lợi dụng sự quan tâm của cộng đồng trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát trở lại, không ít người bất chấp để có lượt like, share, tương tác trên mạng xã hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân. Trong đó, không ít YouTuber, hot Facebooker đang sử dụng tin giả làm mồi câu, nhằm gia tăng độ phủ sóng.

duy nen tung tin gia covid-19 anh 1

Trần Văn Duy bị phạt 12,5 triệu đồng vì tung tin thất thiệt về dịch Covid-19. Ảnh: Hà Nội Phố.

Ma trận tin giả

Theo nghiên cứu của Viện Reuters thuộc Đại học Oxford (Anh), những nhân vật của công chúng, người có ảnh hưởng chịu trách nhiệm tạo ra hoặc phát tán 20% tin giả về dịch Covid-19. Đáng chú ý hơn, những bài đăng này lại chiếm gần 70% lượng tương tác trên các trang mạng xã hội.

Theo The Guardian, có hai loại thông tin giả mạo phổ biến trong mùa dịch: tin fake về chính sách, hành động của các cơ quan công quyền và thông tin y tế sai lệch như các ca nhiễm mới, trường hợp tử vong, cách phòng tránh, chữa trị virus.

Scott Brennen, nhà nghiên cứu tại Viện Reuters, nói: “Khi các nền tảng truyền thông xã hội phát triển mạnh, những người có hàng triệu lượt theo dõi đã góp phần thổi bùng ma trận tin giả. Nhóm này thường tiếp cận lượng lớn công chúng nhưng không có ý thức kiểm chứng và chịu trách nhiệm khi lan truyền bất kỳ thông tin gì”.

duy nen tung tin gia covid-19 anh 2

Michelle Phan bị chỉ trích vì loan tin tinh dầu thơm giúp đẩy lùi Covid-19. Ảnh: Getty.

Tháng 3/2020, Kelvin "Brother Nature" Pena, một YouTuber có gần 90.000 người đăng ký và hơn 2,4 triệu follow trên Twitter, đã chia sẻ bài đăng khuyên mọi người “uống nước nóng 15 phút một lần để tiêu diệt virus corona”.

Sau khi thông tin này được các chuyên gia y tế khẳng định là hoàn toàn sai lệch, Pena đã xóa bài đăng. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, chia sẻ của YouTuber đã được hơn 200.000 người nhấn like.

Tương tự, “phù thủy trang điểm” người Mỹ gốc Việt Michelle Phan cũng đã biến kênh cá nhân với gần 9 triệu lượt đăng ký của mình thành nơi phao tin giả về dịch bệnh. Đầu tháng 2 năm ngoái, beauty blogger này khẳng định các loại tinh dầu thơm có đặc tính kháng virus.

Bài đăng của cô đã được hàng nghìn người chia sẻ, trong đó có những tên tuổi nổi tiếng trong làng make up. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế đã nhanh chóng khẳng định với Insider rằng không có bằng chứng khoa học nào chứng minh mối liên hệ giữa dầu thơm và việc ngăn ngừa dịch bệnh.

Cố tình gây sốc

Ngoài lý do thiếu kiểm chứng, thiếu hiểu biết về nội dung mình chia sẻ, một số người ảnh hưởng còn tự tạo các nội dung gây tranh cãi về dịch bệnh nhằm câu tương tác.

Jeff Hancock, giáo sư ngành Truyền thông của Đại học Stanford (Mỹ), cho rằng càng lo lắng, mọi người càng có nhu cầu tìm kiếm thông tin để giảm thiểu cảm giác bất an.

“Dựa trên sự chú ý, quan tâm của người dùng, nhiều YouTuber, Facebooker, Tiktoker sẽ sử dụng tin giả hoặc tin sai lệch để câu dẫn sự chú ý của mọi người, từ đó kiếm tiền dựa trên lượng tương tác”, ông Hancock nói.

Ava Louise, Tiktoker 21 tuổi, từng bị chỉ trích vì đăng video liếm nhà vệ sinh với hashtag bắt trend “coronavirus challenge” vào tháng 3/2020. Thế nhưng, thực tế đây chỉ là một xu hướng giả mạo do chính cô nàng tạo ra nhằm thu hút sự chú ý của người xem.

Trả lời Business Insider, Louise thừa nhận cô muốn nổi tiếng khi chia sẻ đoạn video lên mạng xã hội. Louise nói thêm vì có quá nhiều tin tức về dịch bệnh nên mức độ phủ sóng truyền thông của mình đã không còn được như trước.

Cuối tháng 3 năm ngoái, YouTuber Mi Naima (48 tuổi) ở Fez, Morocco đã bị bắt giữ sau khi tuyên bố đại dịch Covid-19 là không có thật và xúi giục người xem bỏ qua các biện pháp giãn cách xã hội, phòng tránh dịch bệnh.

Sau khi bị bắt, YouTuber này khai rằng cô đã cố tình tạo nội dung gây sốc để kiếm lượt xem.

duy nen tung tin gia covid-19 anh 3

Tin giả về Covid-19 đầy rẫy trên mạng xã hội. Ảnh: radiorebelde.cu.

Trong thời kỳ dịch bệnh, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng sự lan truyền của tin giả nguy hiểm không kém mức độ lây lan virus.

Nghiên cứu của tiến sĩ Daniel Allington, giảng viên cao cấp về trí tuệ nhân tạo tại King's College London (Anh), cho thấy những người tin vào tin giả thường có xu hướng phản đối các hướng dẫn giãn cách xã hội của chính phủ.

Ông Allington lấy ví dụ về thuyết âm mưu cho rằng các cột viễn thông di động 5G là nguyên nhân gây ra sự lây lan của virus SARS-CoV-2 lan truyền ở Anh hồi tháng 4/2020.

Tin giả này được hàng loạt người nổi tiếng bao gồm ca sĩ M.I.A, nam diễn viên Woody Harrelson, võ sĩ Amir Khan truyền bá trên trang cá nhân và kích động người Anh thiêu rụi ít nhất ba cột sóng 5G.

“Ngoài việc có những hành động chống phá, người tin vào tin giả cũng ít khi ở nhà, rửa tay thường xuyên hoặc đảm bảo sự xa cách xã hội. Điều này chứng minh các thông tin giả mạo có thể thúc đẩy hành động thực, có tác động tiêu cực đến cuộc chiến chống Covid-19 ở các nước”, tiến sĩ Allington nói.

Đắt hàng tour đến Mỹ để tiêm vaccine Covid-19

Nhận thấy nhu cầu đến Mỹ tiêm vaccine Covid-19 của khách du lịch, nhiều công ty lữ hành Mexico, Thái Lan tận dụng thời cơ đưa ra nhiều dịch vụ nhắm đến nhóm đối tượng này.

Lê Vy

Bạn có thể quan tâm