Hãng Thông tấn Trung ương (CAN) vừa đưa tin về ca bệnh tại Nam Kinh, Giang Tô, Trung Quốc, tử vong sau khi mắc chủng virus Bunya mới. Bệnh nhân nữ, 60 tuổi, bị sốt 40 độ C liên tục kèm theo triệu chứng ho, mệt mỏi.
Từ đầu năm đến nay, Trung Quốc có 60 ca nhiễm virus Bunya, trong đó, 7 người tử vong. Bệnh viện Nhân dân tỉnh Giang Tô điều trị cho 37 trường hợp.
Bệnh nhân khi bị nhiễm virus Bunya sẽ xuất hiện triệu chứng như giảm bạch cầu, sốt, đi ngoài, chảy máu trong, buồn nôn, đau khớp toàn thân, rối loạn chức năng đa cơ quan. Biến chứng cuối cùng là tử vong.
Bọ ve là trung gian lây truyền chủng virus Bunya mới gây tử vong cho 7 người tại Trung Quốc. Ảnh: Yahoo Taiwan. |
Theo các chuyên gia y tế, Bunya là chứng bệnh truyền nhiễm cấp tính đã được ghi nhận cách đây 10 năm. Khác với chủng virus được xác định vào năm 2010, virus Bunya vừa ghi nhận là chủng mới.
Một gia đình 4 người ở Chiết Giang cùng nhiễm loại virus này. Hai bệnh nhân trong số đó đã tử vong. Các thành viên bị lây trong quá trình chăm sóc người bệnh. Điều đó khiến các chuyên gia y tế lo ngại về mức độ nguy hại của loại virus lạ.
Theo BS Sheng Jifang, Giám đốc khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đại học Chiết Giang, vết cắn của bọ ve, ve chó là phương thức lây truyền virus từ động vật sang người. Tuy nhiên, các chuyên gia không loại trừ khả năng virus Bunya truyền từ người sang người thông qua tiếp xúc máu, dịch tiết hoặc niêm mạc của người bệnh.
Các ca bệnh và trường hợp tử vong mới phát hiện là minh chứng cho nguy cơ lây từ người sang người của loại virus này.
Năm 2010, CDC Trung Quốc đã phân lập và xác nhận loại virus mới từ bọ ve Hà Nam, được đặt tên là virus Bunya. Bệnh do virus này gây ra có tên hội chứng sốt tiểu cầu.
Theo Taiwan News, CDC Đài Loan (Trung Quốc) ước tính chủng Bunya có thể truyền từ người sang người và có tỷ lệ tử vong là 10%. Thời gian ủ bệnh là 7-14 ngày.
Hầu hết bệnh nhân nhiễm Bunya nhẹ đều có thể tự chữa lành. Tuy nhiên, các ca nghiêm trọng thường gây rối loạn chức năng đa cơ quan, suy đa tạng.
Viện Vi sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc) cho biết hiện không có vaccine chống lại virus Bunya.
BS Sheng Jifang cảnh báo rằng bọ ve thường sinh sôi từ tháng 4 đến tháng 10 trong năm và xuất hiện ở khu vực đồi núi. Để bảo vệ bản thân khỏi bị bọ ve đốt, chúng ta nên hạn chế tiếp xúc với bãi cỏ, bụi cây. Nếu gặp triệu chứng giảm tiểu cầu bất thường, bạn nên cảnh giác và tới gặp bác sĩ.