Chủ biên chương trình môn Lịch sử mới - GS. Phạm Hồng Tung (Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển - Đại học Quốc gia Hà Nội) đã có trao đổi về những thay đổi trong chương trình giáo dục phổ thông môn Lịch sử.
Kết nối lịch sử với thực tiễn
- Chương trình môn Lịch sử mới sẽ thay đổi như thế nào so với chương trình hiện nay, thưa ông?
- Thứ nhất, chương trình môn Lịch sử mới sẽ tập trung vào năng lực nhận diện, hiểu và sử dụng sử liệu. Đây là năng lực cốt lõi nhất. Trước đây, chúng ta không coi trọng điều này khiến nhiều câu chuyện là huyền thoại bị hiểu nhầm là lịch sử.
Thứ hai, chương trình môn Lịch sử mới tập trung vào năng lực tái hiện quá khứ. Ngoài liên hệ lịch đại có trước - có sau thì chương trình chú ý đến mối liên hệ, so sánh đồng đại để học sinh thấy trong cùng một khoảng thời gian, Việt Nam so với các nước trong khu vực và thế giới khác nhau như thế nào.
Thứ ba, chương trình mới tập trung vào phân tích, giải thích và đánh giá lịch sử. Nhưng đánh giá thế nào đi nữa cũng phải hướng tới những giá trị nhân văn, tốt đẹp. Học sinh học về chiến tranh là để bảo vệ hòa bình, tránh các cuộc xung đột và chiến tranh trong tương lai, học là để hòa giải chứ không phải để tạo ra những hận thù, xung đột mới.
Tiếp đó, chương trình cũng tập trung vào năng lực vận dụng những bài học lịch sử thành quy luật hay kinh nghiệm cụ thể. Kinh nghiệm không chỉ học được trong những thành tựu, chiến công mà có thể rút ra từ những sai lầm, thất bại.
GS. Phạm Hồng Tung (Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển - Đại học Quốc gia Hà Nội. |
Như vậy, yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện phương pháp giáo dục môn Lịch sử là rất cần thiết. Trước đây, chúng ta bắt học sinh nhớ dằng dặc các thông tin một cách máy móc. Nhưng như vậy mới là nhớ kiến thức cốt lõi chứ chưa thể hiểu tường tận về lịch sử, quan trọng là khả năng vận dụng bài học lịch sử vào cuộc sống còn đang bỏ ngỏ.
Chương trình thiết kế theo hệ thống chủ đề
- Chương trình môn Lịch sử mới được xây dựng dựa trên quan điểm nào, thưa giáo sư?
- Chúng tôi cấu trúc lại toàn bộ chương trình giáo dục Lịch sử ở bậc học phổ thông. Hiện nay, môn học được xây dựng theo cấu trúc đồng tâm từ xã hội nguyên thuỷ đến hiện đại và cấp học nào cũng thế nên dễ khiến học sinh thấy nhàm chán. Còn với chương trình mới, chúng tôi xây dựng như sau:
Cấp tiểu học: Học kết hợp Lịch sử với Địa lý, học ở lớp 4 – 5. Chương trình kể chuyện các di tích lịch sử như các ngôi chùa tại các làng, kim tự tháp, các nhân vật..., giải thích tại sao lại săn bắn, đánh giặc, dạy về mũi tên đồng Cổ Loa, rồi đến nghệ thuật đúc đồng, trống đồng... Từ hình ảnh trống đồng, chương trình sẽ tái hiện cho học sinh về một xã hội cơ bản, vui tươi, trù phú từ. Những kiến thức như chiếm hữu nô lệ, quan hệ sản xuất... sẽ không còn xuất hiện trong chương trình môn Lịch sử ở cấp học này nữa.
Mục đích của chương trình môn Lịch sử ở cấp tiểu học là giản dị, tạo hứng thú với lịch sử cho các em, giúp các em có kiến thức cơ bản nhưng sơ giản về môn học này.
Cấp THCS: Mục tiêu là giáo dục nền thông sử. Mỗi bài chỉ cung cấp thông tin cốt lõi, không nhất thiết phải thông tin cụ thể các sự kiện… Như vậy, các em sẽ biết nội dung, mạch cơ bản của lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới. Chẳng hạn, toàn bộ lịch sử nhà Trần chỉ tìm hiểu kỹ về Trần Quốc Tuấn, Trần Nhân Tông là đủ.
Cấp THPT: Môn học được xây dựng thành chủ đề và chuyên đề, bổ sung và nâng cao kiến thức các em đã học từ cấp 1 đến cấp 2. Các chủ đề xuyên suốt là chủ để về chiến tranh vệ quốc, chiến tranh nhân dân... rồi chủ đề về thương lượng, ngoại giao, nội lực... đã diễn ra trong lịch sử Việt Nam thế nào. Từ đó, giáo viên sẽ liên hệ trực tiếp tới các danh nhân, vĩ nhân để các em có thể hiểu.
GS. Phạm Hồng Tung cho biết chương trình học sẽ được thiết kế theo hệ thống chủ đề. |
“Xóa sổ” học thuộc lòng
- Thưa Giáo sư, chúng ta có biện pháp gì giúp học sinh yêu môn Lịch sử hơn, cảm thấy thoải mái với môn học bắt buộc này hơn không?
- Chúng ta phải để các em hiểu Lịch sử cũng là môn khoa học. Nếu trước đây, dạy Lịch sử trước đề cập đến quá khứ thì nay sẽ dạy theo hướng: đây là nguồn thông tin để học sinh giới thiệu di tích lịch sử, văn hoá địa phương để phát triển văn hoá cộng đồng.
Học sinh có thể áp dụng kiến thức về di sản, di tích văn hoá của địa phương trong thực tế, như: chia sẻ cái hay, cái đẹp của lịch sử địa phương với bạn bè, người tham quan; tham gia hướng dẫn du lịch địa phương; sử dụng sau này trong các nghề hướng dẫn du lịch, biên kịch, làm phim...
Những tiết học Lịch sử sẽ không còn đóng khung trong việc mở băng catset cho học sinh nghe, mà giáo viên có thể đưa các em ra các di tích địa phương để tìm hiểu, dựa trên các sử liệu.
- Với những thay đổi như dự thảo chương trình môn Lịch sử thì đội ngũ giáo viên môn lịch sử cần phải trang bị thêm kỹ năng gì?
- Có thể nói, giáo viên đứng lớp sẽ là yếu tố then chốt làm nên thành công của chương trình môn Lịch sử mới. Vì thế, chúng ta phải tổ chức tập huấn và bồi dưỡng giáo viên. Họ sẽ không còn phải sống trong những giờ giảng lặp đi lặp lại nữa mà được thăng hoa trong từng khoảnh khắc trên bục giảng.
Song song với việc đó, chương trình mới cũng đòi hỏi các thầy cô phải dốc hết tâm sức vào giảng dạy thì mới mang lại những bài giảng đúng mục đích mà những người xây dựng chương trình chúng tôi kỳ vọng.