Ngay sau khi bức ảnh được đăng trên các diễn đàn đã thu hút sự quan tâm đông đảo của cộng đồng mạng.
Một độc giả có nickname Trung Nguyên nói: “Vớ vẩn quá, cách làm này không phù hợp ở Việt Nam”. Một độc giả khác cho hay: “Tôi không ủng hộ cách kiếm tiền này dù với bất kỳ lí do gì”. “Trời lạnh cứ ôm các em ấy một tiếng không thả ra thì cũng mất 5k thôi à”, một bạn khác nói.
Hình ảnh hot girl Linh Miu cùng một số sinh viên thực hiện hoạt động với 5k/cái ôm (nguồn facebook Nguyễn Bảo Ngọc) . |
Bên cạnh đó, nick name Huy Pham cho rằng: “Nhiều người chưa hiểu được ý nghĩa của việc này là quyên góp tiền ủng hộ các cháu nhỏ chứ không phải khoe khoang. Các bạn có thể cho nhiều hơn và không nhất thiết phải ôm”.
Một người khác lại chia sẻ: “Bản thân em thấy đây là việc ý nghĩa, giúp được trẻ vùng cao là điều tốt. Tết này các em có quần áo mới, có bánh kẹo là niềm hạnh phúc vô bờ với các em ấy rồi”.
Chia sẻ về vấn đề này TS. Nguyễn Thị Tố Quyên, Phó khoa Xã hội học của Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho hay: “Một việc làm xuất phát từ mục đích thiện nguyện rất tốt, nó thể hiện tính nhân văn trong xã hội.Tuy nhiên, hành động những cô gái cầm tấm bìa với dòng chữ “Vì trẻ em vùng cao, hãy ôm tôi nếu bạn không phiền trả tôi 5k/lần ôm” thì cần xem xét lại. Một việc làm từ thiện hãy là một hình ảnh đẹp xuất phát từ trong tâm và làm tất cả mọi thứ bằng khả năng của mình. Tuy nhiên, nó không đồng nghĩa với việc làm xấu đi hình ảnh của quốc gia, của đất nước, của dân tộc.
Hành động như vậy, nếu người nước ngoài nhìn thấy họ sẽ đánh giá Việt Nam chúng ta sao? Mỗi một lần ôm 5k thì bao nhiêu lần ôm mới đủ để giúp đỡ một hoàn cảnh. Nó chỉ có ý nghĩa về mặt hình thức chưa thật sự có ý nghĩa về nội dung.
Thiện nguyện thực sự là hãy cho người ta cần câu chứ đừng cho con cá. Hãy cho người có hoàn cảnh khó khăn hiểu rằng, chúng tôi rất quan tâm họ, họ hãy cố gắng lên chứ không phải mỗi khi họ đói mình mang cho vài cân gạo hay những bộ quần áo để rồi họ cứ ỷ lại.
Theo quan điểm cá nhân tôi đây là việc làm không hay lắm trong suy nghĩ người Việt.
Hơn nữa, cũng không ngoại trừ việc đằng sau cái ôm đó, người ta lợi dụng để thực hiện những điều biến thái vì bạn cho tôi ôm mà, tôi có thể ôm, thơm má hoặc hơn thế...Với những người lành mạnh, chẳng cần ôm họ cũng có thể bỏ ra 5k, 20k hoặc 50k. Những việc làm thế này thực sự phản cảm và nên chấm dứt”.
Được biết, ý tưởng gây quỹ thiện nguyện từ hoạt động “Vì trẻ em vùng cao xin hãy ôm tôi, nếu không phiền bạn trả tôi 5k/lần ôm” là của một chàng trai sinh năm 1992 Nguyễn Bảo Ngọc. Hiện chàng trai 9X này đang mắc căn bệnh ung thư tủy quái ác nhưng vẫn thường xuyên tổ chức hoạt động giúp đỡ trẻ em nghèo.
Chia sẻ về ý tưởng này, chàng trai 9X Nguyễn Bảo Ngọc phân trần: “Một lần lên với các vùng núi phía Bắc, thấy sự khó khăn, vất vả của các trẻ em nơi đây nên mình nghĩ sẽ làm một điều gì đó để giúp các em vơi bớt đi nỗi vất vả. Khi chuỗi hoạt động “ôm tôi đi” nhận được sự ủng hộ của nhiều người, bản thân mình thấy rất hạnh phúc khi góp một phần giúp đỡ những số phận kém may mắn.
Còn về vấn đề “ôm” sẽ làm xấu hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam thì có thể yên tâm vì các cô gái chỉ đứng và cầm tấm bìa có dòng chữ “Vì trẻ em vùng cao xin hãy ôm tôi, nếu không phiền bạn trả tôi 5k/lần ôm” nhưng khi mọi người bỏ 5k gây quỹ từ thiện là ôm chú gấu bông đứng cạnh. Tôi nghĩ hành động đó không hề phản cảm nếu chúng ta nhìn nó ở một góc độ khác”.