Trong 2 ngày 26/10 và 30/10, nhân viên khu di tích thành cổ Yonago (tỉnh Tottori, Nhật Bản) đã tìm thấy chữ viết bằng tiếng Nhật và Latin trên các bệ đá tại đây.
Nổi bật trong số đó là chữ "Hào" có kích thước khoảng 60 cm, cùng hình vẽ ngôi sao và trái tim xung quanh được khắc trên bệ đá nằm ở vị trí cao nhất khu di tích. Dù báo chí Nhật chỉ đề cập "đó là 3 chữ cái Latin 'HAO' vẽ bậy", dựa vào hình ảnh được chụp tại hiện trường, nhiều người đoán đây có thể là một chữ tiếng Việt.
Sau khi xuất hiện trên mạng xã hội, hình ảnh này không khỏi khiến mọi người lắc đầu ngao ngán, bởi đây không phải lần đầu những câu chuyện về ý thức kém của du khách tại các di tích lịch sử được ghi lại.
Chùa thiêng, bia đá lịch sử không thoát khỏi 'nạn' vẽ bậy
Giữa tháng 10 vừa qua, Furlong Lee (23 tuổi, người Anh) và Brittney Schneider (23 tuổi, người Canada) đến Chiang Mai (Thái Lan) du lịch cùng nhóm bạn.
Tại đây, họ vui chơi, uống bia rượu cả đêm. Trên đường về khách sạn, hai người đã sơn lên một bức tường gần đó dòng chữ "Scouser Lee B" bằng bình xịt nhặt được trên vỉa hè.
Bức tường bị hai nam du khách vẽ bậy thuộc di tích cổng The Phae - kiến trúc cổ 800 năm tuổi ở Chiang Mai. Hành vi của Brittney - Furlong đã được ghi lại bởi camera giám sát. Họ bị cảnh sát địa phương bắt giữ vào ngày 19/10 ngay tại khách sạn.
Những hình ảnh "xấu xí" dễ dàng bắt gặp tại nhiều điểm du lịch, di tích lịch sử: Ảnh: The Sun, Trần Văn Long, Hà Nguyễn. |
Tại Việt Nam, tháng 3/2016, một người dân bắt gặp nhiều bạn trẻ vô tư ghi tên lên bia đá trên núi Bài Thơ, thuộc địa bàn TP Hạ Long. Những lời cầu chúc về tình yêu, tình bạn, cột mốc thời gian được các "nam thanh nữ tú" viết chen chúc ở tấm bia di tích.
Tháng 8/2015, hình ảnh cột mốc đỉnh Fansipan đầy chữ viết được nhiều diễn đàn chia sẻ. Theo đó, một thành viên trong nhóm phượt lên đây đã thản nhiên vẽ bậy, khiến dân mạng bất bình.
Ngay ở thủ đô Hà Nội, các di tích như tháp Hòa Phong, tháp Bút hay Văn Miếu - Quốc Tử Giám, loạt dòng chữ "xấu xí", xâm phạm đến không gian tôn nghiêm cũng từng khiến dân mạng "dậy sóng" mỗi khi được các diễn đàn chia sẻ.
Quan trọng nhất vẫn là ý thức
Trước những hành vi viết, vẽ bậy hoặc có hành động phản cảm tại các khu di tích, danh lam thắng cảnh, nhiều người cho rằng nguyên nhân lớn xuất phát từ ý thức của khách tham quan, đặc biệt là giới trẻ.
"Việc khách du lịch nói chung và người trẻ nói riêng hay vẽ bậy, viết bậy lên di tích thể hiện sự ích kỷ của họ. Đi du lịch, máy ảnh có, điện thoại có, sợ gì không lưu lại được kỷ niệm mà phải vẽ, viết bậy thế. Dù có biển cấm hay không, phần lớn đều phụ thuộc vào nhận thức của mỗi người", Kiên Trần (23 tuổi) nói.
Theo Kiên, hành vi giống như "đánh dấu lãnh thổ" như vậy tại các điểm du lịch thể hiện nhận thức kém, trình độ dân trí thấp, đáng lên án và xử phạt thật nặng.
Đồng quan điểm, Hoàng Anh (Hà Nội) cho rằng mọi hành vi vẽ bậy đều là ý thức kém, dù ở nơi công cộng hay các điểm di tích.
"Kể cả những loại hình nghệ thuật đường phố như graffiti cũng cần chọn nơi phù hợp để thể hiện. Ví dụ như vụ vẽ bậy lên tàu Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) vừa qua, hình dù đẹp đẽ đến đâu nếu xuất hiện không đúng chỗ sẽ thành phản cảm", Hoàng Anh bày tỏ.
Là người thường xuyên đi du lịch, Thùy An (23 tuổi) từng đặt chân tới nhiều danh thắng, di tích lịch sử trong và ngoài nước. Tuy nhiên, không ít lần cô bắt gặp hình ảnh vô ý thức đến từ khách du lịch.
"Có lần mình đi Đà Lạt, ở đó có bức tường Cối Xay Gió khá nổi tiếng, được nhiều bạn trẻ chụp ảnh check-in. Không hiểu ai vô ý thức đã vẽ bậy lên bức tường đó tận 2 lần. Dù đã được sơn lại, hành động này vẫn gây bức xúc", Thùy An kể.
Theo cô gái 23 tuổi, việc giữ gìn, bảo vệ sự nguyên trạng các công trình công cộng, đặc biệt là khu du lịch, di tích lịch sử không phải trách nhiệm của riêng cá nhân, tầng lớp nào mà là cả cộng đồng.
Chữ "HÀO" được khắc tại khu di tích thành cổ Yonago (tỉnh Tottori, Nhật Bản) hiện là tâm điểm chú ý trên mạng. Ảnh: Sanin-chuo, Mainichi.
|
Trà My (24 tuổi) nhận định: "Mình nghĩ những hành vi như vậy một phần do sự thiếu hiểu biết của người dân. Nếu ở Việt Nam, biết đó là di tích mà vẫn vẽ lên thì đúng là thiếu văn hóa. Tuy nhiên, nếu ở nước ngoài, không phải khách du lịch nào cũng biết đâu là di tích cần được bảo vệ. Vả lại, tâm lý nhiều người khi đi chơi thường muốn ghi lại 'dấu ấn' gì đó, vì không phải lúc nào cũng có cơ hội quay lại".
Trà My cho rằng ngoài đưa ra hình phạt nghiêm khắc, việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho mọi người mới là biện pháp lâu dài, tránh vụ việc như vậy tái diễn.
Trong vụ sơn chữ lên bức tường cổ ở Chiang Mai, nam du khách Anh hối hận tại cơ quan điều tra: "Tôi đã nói chuyện với gia đình và cố nhờ sự giúp đỡ. Hiện tại, tôi rối bời không biết phải làm gì. Tôi từng có quãng thời gian du lịch tuyệt vời ở Thái Lan, nhưng lại hành động thiếu suy nghĩ. Tôi xin gửi lời xin lỗi chân thành tới người dân tại đây".
Tuy nhiên, lời hối lỗi muộn màng ấy cũng không thể làm nguôi cơn giận của người dân địa phương, cũng như trả lại sự nguyên vẹn cho khu di tích.
Trả lời tờ Jakarta Shimbun, Toshio Kosaka - giám đốc Trung tâm Di sản thế giới núi Phú Sĩ - từng cho biết theo Luật Bảo tồn di sản văn hóa của Nhật Bản, người vẽ bậy lên các di tích, địa điểm văn hóa, du lịch có thể phải ngồi tù 5 năm và chịu án phạt hành chính 300.000 yen (khoảng 70 triệu đồng) trong trường hợp gây thiệt hại nghiêm trọng.
Ngoài các khu di tích, Nhật Bản cũng có các quy định cấm vẽ bậy tại nhiều nơi công cộng. Trong trường hợp vi phạm, tùy vào mức độ thiệt hại, có thể bị phạt tiền từ 10.000-300.000 yen (khoảng 2-70 triệu đồng) và ngồi tù dưới 3 năm.
Nhà báo Hoàng Minh Trí từng chia sẻ với Zing.vn vấn đề tập trung ở đây là sự thiếu sót về mặt nhận thức, không phải thiếu văn hóa. Một số người hành động như vậy giống như bản năng, bởi họ không được chỉ bảo tốt, chưa được nhận thức đầy đủ về văn minh, lịch sự.