Không khí Tết đang đến gần, một số điểm chụp ảnh ở TP.HCM như chợ Bến Thành, hồ Con Rùa, Bảo tàng Áo dài, tu viện Khánh An... đang thu hút nhiều bạn trẻ đến chụp ảnh từ sáng sớm đến chiều muộn. Việc đông người chụp ảnh trong cùng bối cảnh có thể dẫn đến việc khó tạo dáng và chọn góc chụp.
Để chụp ảnh "né" người, Tri Thức - Znews gợi ý 5 địa điểm không quá đông đúc, không gian thoáng đãng và bối cảnh phù hợp cho bộ ảnh Tết.
Anna Garden
- Địa chỉ: Đường Thích Mật Thể, TP Thủ Đức
- Giờ mở cửa: 7-22h
- Mức giá: 90.000-150.000 đồng/người (tùy theo thiết bị chụp)
Anna Garden là phim trường kết hợp quán cà phê với diện tích rộng rãi, thoáng đãng. Vé vào cổng sẽ đi kèm một phần đồ uống. Để phục vụ những vị khách chụp ảnh trong thời gian dài, nơi đây cũng trang bị thêm một số phòng makeup và khu vực nghỉ ngơi.
Tết năm nay, phim trường xây dựng nhiều concept khác nhau, phù hợp với đa dạng nhu cầu. Nổi bật là bối cảnh làng hương truyền thống xứ Huế, góc tường vàng và đèn lồng của phố cổ Hội An, cổng đình làng Bắc Bộ, sạp ông đồ và vườn mai Nam Bộ…
Thời gian chụp ảnh đẹp nhất khoảng 8-10h và 15-17h, bạn tránh đi vào buổi trưa vì nơi đây không gian ngoài trời chiếm đa số, lại ít mái che nên chụp lâu dễ xuống sức.
Lăng Ông Bà Chiểu
- Địa chỉ: Đường Vũ Tùng, Q. Bình Thạnh
- Giờ mở cửa: 6h-16h30
- Mức giá: Miễn phí
Nằm trong khu đất rộng 18.500 m2, Lăng Ông Bà Chiểu được xây dựng theo kiến trúc thời Nguyễn, nổi bật với những bức tường sơn vàng và cửa son đỏ chói. Khu miếu thờ là nơi đẹp nhất trong toàn bộ khuôn viên, từng mảng tường được chạm trổ bằng kỹ thuật khảm đá và sành sứ tinh xảo.
Khi đến đây, bạn có thể chụp ảnh cùng bức tường vàng, khung cửa sổ điêu khắc tranh tứ bình, khu vực tiền và trung điện hoặc cổng tam quan lợp ngói âm dương. Thời gian chụp ảnh đẹp rơi vào buổi sáng (8-11h) và buổi chiều (15-17h).
Diện tích khu lăng khá rộng, bạn nên chọn góc chụp rộng để lột tả hết vẻ đẹp của kiến trúc. Ưu tiên trang phục có màu sáng như đỏ, cam, xanh, tránh chọn màu vàng vì dễ trùng vào bối cảnh.
Chùa Bà Thiên Hậu
- Địa chỉ: Đường Nguyễn Trãi, Q. 5
- Giờ mở cửa: 6h-17h30
- Mức giá: Miễn phí
Chùa Bà Thiên Hậu là một trong những nơi thờ tự lớn của người Hoa tại TP.HCM với tuổi đời hơn 200 năm. Ngôi chùa xây dựng theo kiến trúc cổ, chia làm 3 dãy chính. Nóc chùa lợp mái ngói nung uốn cong, nhiều chi tiết hoa văn được khắc họa bằng chất liệu gốm sứ. Bên trong bố trí những bức tranh đắp nổi con vật thuộc tứ linh.
Một số góc chụp đẹp có thể kể đến khoảng sân trước chùa, bảng sớ hồng, bức tường ốp gạch thô và dãy nhà giữa có giếng trời để hứng ánh nắng chiếu xiên. Khung giờ chụp đẹp nhất vào buổi chiều, khoảng 14-17h. Lưu ý là khu vực thắp hương và dãy bàn ghế bố trí cho khách tạm dừng chụp ảnh để đảm bảo sự tôn nghiêm.
Khi đến chùa, bạn cần giữ trật tự, chọn trang phục phù hợp và không thay quần áo trong chùa. Thời điểm sát Tết, chùa sẽ hạn chế khách vãng lai để tổ chức một số hoạt động, bạn nên đến chụp sớm.
Chợ Bình Tây
- Địa chỉ: Đường Tháp Mười, Q. 6
- Giờ mở cửa: 7-18h
- Mức giá: Miễn phí
Chợ Bình Tây - một trong những ngôi chợ lâu đời nhất TP.HCM - tuân theo lối kiến trúc Á Đông với 12 cổng chính và phụ, tường sơn vàng. Phía trên là tháp đồng hồ, mặt tiền nạm bức phù điêu lưỡng long chầu châu (khảm sành rồng). Bên trong thiết kế hình bát quái, kèm theo nhiều ô thoát khí để đón nắng và gió. Ngôi chợ này được Trung tâm Bảo tồn di tích thuộc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật.
Hai góc chụp phổ biến nhất là cổng chính của chợ hoặc cầu thang đối xứng bên trong. Để có bộ ảnh gần gũi và đậm tinh thần Tết, bạn có thể chuẩn bị thêm làn đi chợ, xe máy cũ, quạt trần để chụp với những sạp bán hoa, trái cây, thuốc bắc…
Lưu ý là trước khi chụp ảnh, bạn nên xin phép tiểu thương, tránh đứng quá lâu tại một điểm gây ảnh hưởng đến việc buôn bán.
Bảo tàng Y học Cổ truyền Việt Nam
- Địa chỉ: Đường Hoàng Dư Khương, Q. 10
- Giờ mở cửa: 8h30-17h
- Mức giá: 90.000-180.000 đồng/người (tùy độ tuổi)
Không chỉ lưu trữ hàng nghìn hiện vật y học, Bảo tàng Y học Cổ truyền Việt Nam còn gây ngạc nhiên bởi cấu trúc toàn gỗ. Lối cầu thang bộ làm bằng gỗ đen tuyền, cột, kèo và tay vịn cũng được ốp gỗ và khắc hoa văn tinh tế. Nội thất nơi đây được tận dụng từ một ngôi nhà cổ ở Hà Nội, những nghệ nhân đã tháo dỡ gạch đá để đưa vào TP.HCM.
Ở mỗi tầng, bảo tàng dành khoảng không gian để trồng cây xanh và chụp ảnh. Ngoài ra, bạn có thể chọn góc chụp trực diện ở cửa ra vào, chụp 1/3 ở cầu thang gỗ hoặc chụp nâng cao góc (từ trên xuống) ở khu vực ban công để bắt trọn mái ngói và lan can gỗ. Vì một số không gian trong bảo tàng ít ánh sáng, bạn nên chọn trang phục màu trắng hoặc màu sáng để làm nổi bật chủ thể.
Khi chụp ảnh xong, bạn có thể dành thời gian còn lại tham quan bảo tàng, chiêm ngưỡng hiện vật gắn với ngành giã thuốc như chày cối, cân ta, ván gỗ, triện gỗ để in toa thuốc và tham gia bào chế thuốc.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.