Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyên án phá 'lô cốt' ma túy ở đất cảng

"Từ 21h là thế giới riêng của những kẻ nghiện ngập. Người khắp nơi đổ về mua bán, chích hút ma túy", bà Bùng nhớ về nơi từng là "chợ ma túy" đất cảng Hải Phòng.

“Kinh khủng lắm, người nghiện ra vào tấp nập như đi chợ Đồng Xuân”, bà Hoàng Thị Bùng (83 tuổi, tổ dân cư số 2, phường Trần Nguyên Hãn, quận Lê Chân, Hải Phòng) thốt lên khi được hỏi về khu mình sống ngày trước.

Đó là khu dân cư giáp ranh với tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, từ đường Trần Nguyên Hãn đến cầu Quay (thuộc ngõ 295 Nguyễn Đức Cảnh, phường Cát Dài và tổ dân cư số 2, phường Trần Nguyên Hãn).

Nơi đây từng được biết đến là chợ buôn bán lẻ ma túy lớn nhất thành phố cảng.

"Ma túy bán như rau ngoài chợ"

Bà Bùng cho biết gia đình có hoàn cảnh khó khăn và sống ở khu này từ những năm 1980, khi người nghiện còn hiếm thấy. Ngày đó, phố xá, nhà cửa còn ẩm thấp, nhếch nhác.

ky uc cho ma tuy anh 1

Khu vực xóm đường tàu, nơi từng được biết đến là chợ bán lẻ ma túy lớn nhất thành phố cảng. Ảnh: Quốc Nam.

Khoảng 8 năm sau, "hàng trắng" tuồn về khu đường tàu khiến nơi đây trở thành chợ bán lẻ ma túy. “Từ 21h đêm là thế giới riêng của những kẻ nghiện ngập. Người ở khắp nơi đổ về mua bán, chích hút ma túy đông như đi bán rau ngoài chợ. Rồi đủ thứ chuyện khác xảy ra như đánh nhau, mất cắp”, bà Bùng nhớ lại.

Điều đó khiến người dân luôn sống trong cảnh bất an, lo sợ. Nhà ai cũng phải đóng chặt cửa khi đêm về. Buổi sáng, họ phải ngó nghiêng trước khi mở cửa để ra ngoài.

Cụ bà 83 tuổi nói nhiều hôm cứ ra khỏi nhà là thấy cả nhóm người ngồi hút chích ma túy công khai. Sau đó, họ phê thuốc rồi nằm vật ra giữa đường.

“Kim tiêm vứt bừa bãi đầy đường, chúng tôi sợ chân dẫm trúng nên bỏ vào túi bóng vứt đi. Có người nghiện mà đói kém lại đến nhặt để đem bán ve chai lấy tiền mua thuốc”, bà Bùng kể.

Bà nói mình đã quen đến mức "nhìn người là biết có nghiện hay không". Sợ hãi là thế, song gia đình bà vẫn phải ở đây suốt hàng chục năm vì không có tiền đi chỗ khác, còn nhà nơi này bán cũng không ai mua.

ky uc cho ma tuy anh 2

Bà Bùng kể lại tháng ngày "sống chung" với người nghiện. Ảnh: Nguyễn Dương.

Còn bà Lê Thị Thu (70 tuổi, trú ngõ 44, đường Trần Nguyên Hãn) cho hay mua căn nhà nhỏ ở khu này từ năm 2002 sau khi vợ chồng về hưu.

“Chúng tôi thấy nhà ở đây giá rẻ, đất lại vuông vắn nên chuyển đến ở. Được vài hôm mới thấy cảnh mua bán ma túy rầm rộ. Người sốc thuốc nằm vật ra ở ngay cửa. Đến giờ nghĩ lại vẫn thấy sợ hãi”, bà kể lại.

Theo bà, người nghiện ma túy đến mua thuốc có đủ thành phần từ đàn ông đến phụ nữ, từ những người trông nghèo khổ đến người ăn mặc lịch sự như thương gia.

Sống ở xóm nghiện khiến cuộc sống của gia đình bà khốn đốn. Bà nhớ lại mùng 3 Tết năm 2004, khi bạn cùng đơn vị bộ đội với con trai về nhà chơi, do không mặc quân phục, lại lạ mặt nên người này bị công an mời về trụ sở kiểm tra ma túy, sau xác định không có nên bạn của con bà mới được cho ra về.

Nhưng cũng từ đó, không có một người bạn nào của con dám về nhà bà chơi nữa. "Thậm chí, con cái lập gia đình cũng không dám đưa cháu về thăm ông bà. Nhiều khi đêm xuống tủi thân, vợ chồng tôi khóc không biết bao giờ mới thoát cảnh này”, bà nghẹn ngào nhớ lại.

Tại đây, trong suốt hàng chục năm, công an gặp rất nhiều khó khăn trong xử lý vì những kẻ bán ma túy hoạt động quá tinh vi. Tổ dân phố, các cựu chiến binh phường phân lực lượng ra phối hợp với công an, cắm chốt xua đuổi người nghiện nhưng cũng không hiệu quả.

Chuyên án phá "lô cốt" bán lẻ ma túy

Qua nhiều năm theo dõi, Công an quận Lê Chân xác định các nhà 47B, 49, 55, 59, 72, ngõ 295 Nguyễn Đức Cảnh là những “lô cốt” bán lẻ ma túy.

Đây là những căn nhà nhỏ hẹp, chỉ có một lối ra vào được bịt kín bằng lớp của sắt kiên cố. Trên cửa có một lỗ nhỏ đủ để 1 bàn tay thò vào “giao dịch” ma túy.

Người nghiện chỉ việc đưa tiền rồi nhận hàng nên không ai biết mặt ai. Những tụ điểm này còn bố trí người canh gác, khi có công an, chúng báo động để lẩn trốn.

Tháng 7/2016, Công an quận Lê Chân phối hợp với Công an thành phố và C47 - Bộ Công an triệt phá thành công chuyên án 716H, "đập tan" tụ điểm ma túy lớn nhất khu đường tàu.

Cảnh sát bắt kẻ cầm đầu là Vũ Văn Hà (tức Hà què, 54 tuổi, ở số 72/295 Nguyễn Đức Cảnh) và 11 nghi phạm cùng nhiều tang vật.

Sau chuyên án này, cuộc chiến chống và xóa bỏ phố ma túy đường tàu mới có những bước đột phá.

Ngay sau chuyên án, Công an quận Lê Chân tham mưu cho UBND quận Lê Chân xây dựng mô hình "Liên kết phòng chống tội phạm, tệ nạn ma túy, cải tạo vệ sinh môi trường khu vực đường sắt Cát Cụt, cầu Quay".

Công an tuần tra ngày đêm. 15 camera an ninh được lắp đặt trên toàn tuyến đường sắt đi qua 3 phường Cát Dài, Cát Cụt và Trần Nguyên Hãn.

Đại tá Trần Văn Bé, Trưởng công an quận Lê Chân, đánh giá camera an ninh giúp kiểm soát tình hình kịp thời. Tình trạng bán lẻ ma túy và người nghiện lang thang tại khu vực giảm tới 90% so với trước.

“Hiện trên toàn tuyến đường sắt, tất cả những ngõ đều được trang bị camera. Hệ thống này kết hợp với công tác trực chốt 24/24h góp phần tích cực trong công tác đấu tranh với tội phạm nói chung và tội phạm ma túy nói riêng”, đại tá Bé nói.

Chợ ma túy "lột xác"

Những năm qua, chính quyền triển khai nhiều phương án giúp nơi từng là chợ ma túy “lột xác”. Các công trình vi phạm hành lang được tháo dỡ, người dân tổ chức thu gom rác thải, trồng cây. Đường bê tông hóa, sạch đẹp.

ky uc cho ma tuy anh 3

Phố đường tàu nay "lột xác" thành khu văn minh, người dân yên tâm sinh sống. Ảnh: Nguyễn Dương.

Trước đây, khi còn chợ ma túy, người dân chịu cảnh sống trong nhà dột nát, tạm bợ. Nay họ mới mạnh dạn đầu tư, sửa sang nhà cửa. Chính quyền cũng hỗ trợ kinh phí để người dân sơn lại tường mặt tiền.

Người dân nơi đây ra vào không còn sự e dè, dò xét trong ánh mắt. Người lạ đến hỏi thăm còn được người khu phố niềm nở, chỉ dẫn đường tận tình.

Cảnh người nghiện ra vào mua ma túy, phê thuốc nằm vật vờ giữa đường chỉ còn là quá khứ ở phố đường tàu.

Chứng kiến đổi thay nơi mình sống, bà Trần Thị Tình (66 tuổi) vui mừng chia sẻ: “Ngày đó cứ sơ hở là mất cắp. Bây giờ để xe máy để ngoài ngõ thoái mái, nhiều hôm để quên đi ngủ vẫn còn”.

Còn bà Hoàng Thị Bùng cho biết ngày trước thấy rác thải, kim tiêm đầy trước nhà, muốn ra dọn dẹp cũng phải ngó trước sau.

“Giờ không phải lo sợ nữa. Sáng nào tôi cũng dậy sớm cầm chổi quét từ nhà ra ngõ. Sau khi tập thể dục, ăn sáng, tôi pha ấm trà để nhâm nhi ngồi ngắm phố”, bà phấn khởi nói.

Nguyễn Dương - Quốc Nam

Bạn có thể quan tâm