Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyện bà Mai 13 năm đi kiện

Đằng đẵng 13 năm, bà Nguyễn Thị Mai - người phụ nữ nông dân ở huyện Đan Phượng (Hà Tây trước đây, nay là Hà Nội) đi khiếu kiện.

Qua mấy đời chủ tịch huyện, bốn đời tổng thanh tra, mưa nắng dãi dầu, đẫm nước mắt và mồ hôi, bà Mai đi kiện khi 59 tuổi, đến 72 tuổi vụ việc mới được giải quyết.

“Một lần nữa xin chân thành cảm ơn Đảng và Chính phủ

Cảm ơn ba ông: Nguyễn Văn Nên, Huỳnh Phong Tranh, Nguyễn Hồng Điệp

Đã giúp đỡ gia đình tôi trút bỏ được gánh nặng đeo đẳng suốt 13 năm nay trong tâm trí các thành viên gia đình tôi.

Kính chúc các ông luôn luôn mạnh khỏe để thay Đảng, Chính phủ giải quyết hết những vụ bức xúc kéo dài như của gia đình tôi".

Trên đây là một đoạn trong thư cảm ơn kín đặc bốn trang giấy, bà Mai đã thức trắng đêm nắn nót từng dòng để đáp tạ tấm lòng những người mà bà coi là “Bao Công” đã giúp bà thắng kiện. Ký dưới lá thư là cụ Nguyễn Thị Bé, mẹ của bà Mai, người đã ủy quyền bà Mai đi kiện.
Bà Nguyễn Thị Mai bên tấm hình ông Nguyễn Văn Nên được đóng khung trân trọng.
Bà Nguyễn Thị Mai bên tấm hình ông Nguyễn Văn Nên được đóng khung trân trọng.
Treo ảnh ông Tranh, ông Nên trong nhà

Chúng tôi ngạc nhiên về lá thư nói trên khi được ông Huỳnh Phong Tranh cho xem vào sáng 26/8. Nhưng chúng tôi còn ngạc nhiên hơn khi đến nhà cụ Bé, bà Mai, mới bước vào đã thấy hai khung ảnh cỡ lớn được đóng kính cẩn thận là ảnh ông Huỳnh Phong Tranh, tổng Thanh tra Chính phủ, và ông Nguyễn Văn Nên, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

“Nhờ các ông ấy mà thân già này không phải cực nhọc đi kiện nữa. Mười ba, mười bốn năm rồi, nay tôi mới gặp được “Bao Công”. Các ông ấy đã chứng minh là tôi đúng. Con gái tôi lên mạng thấy có hình của hai ông nên tôi nhờ nó in ra để tôi treo làm kỷ niệm, để cảm ơn các ông ấy đã giúp mình”, bà Mai giải thích.

Bà Mai kể cứ vài ba tháng bà đi một lần. Hồi xưa còn khỏe thì dậy từ 4h sáng đạp xe đến Hà Nội, sau này có xe buýt thì đi bộ gần 2km từ nhà ra bến xe, đem theo chiếc túi đựng giấy tờ, trong đó có chai nước lọc và đùm cơm nắm...

Bà cho chúng tôi xem chiếc “két quý” trong nhà. Đó là chiếc hòm sắt được khóa cẩn thận, bên trong không đựng tiền - vàng mà đựng đầy ắp công văn, giấy tờ, văn bản luật, trong đó có những lá đơn viết tay đã hoen ố. Hỏi tại sao có những lá đơn viết rồi mà không gửi thì bà cho biết đó là những lá đơn bà thức suốt đêm để viết, nhưng đọc lại thấy chưa ưng ý nên đêm hôm sau ngồi viết lại.

“Tội lắm, em nó ít chữ nên cứ tự mày mò đọc rồi viết. Ra ngoài thị trấn người ta bảo muốn thuê viết đơn đánh máy thì vừa viết vừa đánh máy phải mất 2 triệu đồng. Em nó không có tiền”, cụ Bé nói xen vào.

Bà Mai cho biết: “Lúc đầu tôi không biết luật nào cả, nhưng tôi thấy họ làm như vậy là sai nên tôi viết đơn thưa kiện. Rồi tôi mua Luật đất đai về nhà đọc, suy nghĩ. Lúc đến văn phòng tiếp dân cũng có người tặng tôi cả các nghị định, thông tư. Tôi lại về thức suốt đêm để đọc, càng đọc càng thấy mình đòi quyền lợi là đúng”.

Năm nghìn ngày vô cảm

Vụ việc của bà Mai, cụ Bé chính là vụ đầu tiên được giải quyết dứt điểm ngay sau cuộc tiếp công dân lần đầu của tổng Thanh tra Chính phủ và chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, theo quy định mới của Luật tiếp công dân.

Ngày 21/7, khi nghe bà Mai trình bày và nghiên cứu hồ sơ vụ việc, cả ông Tranh và ông Nên đều nói rằng các ông cảm thấy buồn bởi đây không phải là một việc khó giải quyết, tại sao lại để một công dân phải ấm ức bao lần gõ cửa công quyền suốt quãng thời gian đằng đẵng như vậy?

Phó Thủ tướng đã chỉ đạo vẫn không ai giải quyết

“Vụ việc bà Nguyễn Thị Mai, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng có công văn chỉ đạo các cấp phải rà soát, giải quyết vì đây là một trong những vụ khiếu nại kéo dài nhiều năm. Tôi không hiểu lý do tại sao các cấp không chịu thực hiện.

Mãi đến buổi tiếp dân ngày 21/7, hai vị bộ trưởng phải trực tiếp chỉ đạo và giao lãnh đạo Cục 1 (Thanh tra Chính phủ) phối hợp với chủ tịch UBND TP Hà Nội và chủ tịch UBND huyện Đan Phượng phải rà soát vụ việc và phải báo cáo tổng thanh tra vào giữa tháng 8/2014 thì vụ việc mới được giải quyết dứt điểm”, ông Nguyễn Hồng Điệp, trưởng Ban tiếp công dân trung ương, cho biết.

Năm 2001, khi tỉnh Hà Tây thực hiện nâng cấp tỉnh lộ 79, gia đình bà Nguyễn Thị Mai bị thu hồi 31,6m2 đất thổ cư. Việc thu hồi đất này không có quyết định. Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện Đan Phượng đã áp giá bồi thường cho bà Mai 665.000 đồng/m2.

Riêng ngôi nhà cấp 4 bị phá dỡ nhưng chỉ được bồi thường 70%... “Điều 12 nghị định 22 năm 1998 của Chính phủ đã quy định đối với nhà, công trình bị phá dỡ một phần nhưng diện tích còn lại không còn sử dụng được thì được đền bù thiệt hại cho toàn bộ công trình. Thế nhưng UBND tỉnh Hà Tây chỉ bồi thường cho tôi có một phần. Khi bồi thường lại áp dụng quyết định đã hết thời hiệu bốn năm. Như thế tôi không đi khiếu kiện sao được?”, bà Mai nói và cho biết giá bán đất thổ cư tại thời điểm thu hồi đất là 40-50 triệu đồng/m2, trong khi giá bồi thường mà UBND huyện đưa ra rẻ đến mức “chỉ có thể để dành mua rau muống ăn dần”.

Trong 13 năm ấy, bà Mai không nhớ hết bao lần đã đến trụ sở UBND huyện Đan Phượng, bao lần đến UBND tỉnh Hà Tây, rồi UBND TP.Hà Nội, trụ sở tiếp dân của trung ương ở Cầu Giấy rồi chuyển về Hà Đông (Hà Nội).

“Trung ương chuyển đơn về tỉnh, tỉnh chuyển về huyện, huyện bảo đã giải quyết hết thẩm quyền, lại lên tỉnh thì tỉnh nói huyện giải quyết đúng rồi, lại lên trung ương thì đơn lại chuyển về...”, bà Mai kể về cái “vòng tròn” tưởng chừng như bất tận trong giải quyết khiếu nại.

Cũng chừng ấy thời gian, bà Mai đã gặp bao nhiêu sự vô cảm, lạnh lùng, thậm chí hắt hủi và bà nhớ rõ tên từng người, nhân viên hoặc cán bộ đã tiếp bà. Về đến địa phương, năm nào gia đình bà cũng bị “cắt gia đình văn hóa” vì khiếu kiện vượt cấp, kéo dài... Mãi đến năm 2013, một hôm bà may mắn gặp được ông Huỳnh Phong Tranh tại nhiệm sở. “Tôi nói giọng miền Nam bà nghe có rõ không?”, ông Tranh nghe kỹ vụ việc và hỏi. “Chồng tôi quê ở Trà Vinh, giọng miền Nam với tôi cũng thân thuộc...”, bà đáp.

Ngày 21/7, trong cuộc tiếp dân, hai vị bộ trưởng đã hứa với bà Mai sẽ giải quyết việc của bà tới nơi tới chốn.

Ngày 13/8, đại diện UBND huyện Đan Phượng đã có buổi làm việc với bà Mai để thỏa thuận về phương án bồi thường. UBND huyện đã thống nhất toàn bộ hạng mục tài sản của hộ bà Mai đã bị thu hồi sẽ được đền bù 100% theo giá hiện hành. Khác với bao nhiêu lần trong 13 năm bà Mai phải tìm đường đến cửa công quyền, lần này có cán bộ về tận nhà chở bà Mai lên huyện...

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-xa-hoi/Phap-luat/625710/chuyen-ba-mai-13-nam-di-kien.html

Theo Lê Kiên-Tâm Lụa/Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm