Tuần nay người dân xứ biển Vĩnh Phước ở thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) xôn xao khi nghe tin anh em nghi can giết người là Phạm Văn Lé (41 tuổi) và Phạm Văn Lến (39 tuổi, cùng ở khóm Biển Dưới) được Công an tỉnh Sóc Trăng cho về nhà sau hai năm bị tạm giam. Trong đó ông Lé được tạm đình chỉ điều tra vì "thời hạn điều tra đã hết nhưng chưa có kết quả giám định hồ sơ và vật gây ra dấu vết" và Lến được gia đình bảo lãnh cho tại ngoại.
Một tháng trước, anh em ông Lé với vợ nghi can này là Thạch Thị Xem (49 tuổi) ra tòa nhưng HĐXX đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì nhiều nhân chứng khai tại tòa rằng bị cơ quan điều tra giữ lại nhiều ngày. Trước đó, TAND tỉnh Sóc Trăng cũng trả hồ sơ điều tra bổ sung 2 lần. Trong quá trình thẩm vấn công khai tại các lần xử, ông Lé khai bị chích điện bị xỉu phải đưa vào bệnh viện nhưng cơ quan điều tra cho rằng ông tự tử.
Ông Lé (phải) và em trong lần ra tòa đầu năm. |
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Sóc Trăng, rạng sáng ngày 3/8/2012, Lâm Tài Mấu cùng người bạn tên Minh đi nhậu về. Ngang qua nhà Lé, Mấu dừng lại đập cửa và chửi.
Vào được trong nhà, Lé đã tát vào mặt Mấu khiến người đàn ông say rượu mất thăng bằng té xuống đất.
Được bạn kéo đi một lúc, Mấu tiếp tục quay lại chỗ cũ để mắng chửi Lé. Lé được cho là đã dùng cây gài cửa đánh Mấu bất tỉnh. Vài phút sau, Mấu tỉnh lại rồi cùng Minh đi về. Đi được một đoạn, Minh dừng lại nói chuyện với người soi nhái, lúc đó Mấu đã biến mất.
Gần 1h hôm đó, người dân phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu phát hiện Mấu nằm chết cách nhà Lé khoảng hơn 1km.
Theo kết luận pháp y, Mấu chết do chấn thương sọ não, trên người có 7 vết thương. Trong đó 3 vết thương ở đầu gây tử vong. Điều này mâu thuẫn với cáo trạng và kết luận điều tra cho rằng Lé đánh nạn nhân 2 cái vào đầu bằng cây gài cửa.
Còn theo kết luận điều tra của Công an Sóc Trăng, ngày 13/9/2012, em trai ông Lé là Phạm Văn Lến xin đầu thú, khai nhận chứng kiến anh trai mình có đánh Mấu. Hai ngày sau Lến bị tạm giữ và bị khởi tố về hành vi Giết người. Cùng lúc này, Lé cũng bị bắt khẩn cấp về hành vi Giết người còn bà Xem bị khởi tố về hành vi Không tố giác tội phạm nhưng được tại ngoại hầu tra.
Gần một năm bị tạm giam, tháng 7/2013, Công an tỉnh Sóc Trăng thay đổi tội danh, khởi tố Lến về hành vi Không tố giác tội phạm. Kết quả giám định tâm thần của Phân viện phía Nam (thuộc Viện Giám định pháp y Tâm thần Trung ương) kết luận Lến chậm phát triển tâm thần mức độ nhẹ, có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi nhưng bị hạn chế do bệnh. Dù bị bệnh nhưng Lến phải vướng lao lý đến nay mới được tại ngoại và chưa được tạm đình chỉ điều tra như anh trai mình.
Trong những lần ra tòa, Lến khai không đi đầu thú mà bị mời rồi bắt tạm giam. Biên bản ghi lời khai Lến cho biết có thấy anh ruột là Lé đánh nạn nhân nhưng ra tòa bị can phản cung, khai không nhìn thấy. Tương tự, bị can Lé cùng không thừa nhận đánh Mấu bằng cây gài cửa mà chỉ tát tay. Một người đi cùng Mấu cũng khai không thấy Lé đánh bị hại.
Luật sư bảo vệ quyền lợi cho các bị can đặt câu hỏi, khi Mấu bị Lé đánh bất tỉnh nhưng trong cáo trạng và điều tra lại thể hiện nạn nhân đi được gần 1,5 km trong tình trạng bị đánh vỡ sọ. "Trước sân nhà Lé không có vết máu, trên đường đi cũng không có vết máu. Giám định viên nói trước tòa là nếu bị đánh như kết quả giám định pháp y thì chắc chắn sẽ tóe máu ngay nhưng trên đường Mấu đi không để lại vết máu nào", một luật sư nêu ra mâu thuẫn.
Cũng theo luật sư này, trước lúc phát hiện Mấu chết ven đường, một nhân chứng có thấy chiếc ôtô chạy qua trước nhà tiếng người la. Hiện trường nơi Mấu chết đầy vết máu, đầu tóc, mặt mũi Mấu cũng có máu...
"Cơ quan điều tra không làm rõ lời khai của nhân chứng thấy ôtô chạy qua. Tại sao không điều tra theo hướng Mấu bị tai nạn giao thông mà lại điều tra theo hướng Lé giết người, dù bị cáo khai bị ép cung", vị luật sư nêu quan điểm.
Khi các bị cáo khai bị điều tra viên ép cung, mớm cung thì TAND tỉnh Sóc Trăng triệu tập 2 điều tra viên Triệu Tuấn Hưng và Nguyễn Hoàng Quân đến phiên xử đầu tháng 7/2014 để làm rõ nhưng hai cảnh sát này không có mặt. Trong bản giải trình gửi HĐXX, điều tra viên cho rằng đến khi vụ án được chuyển sang tòa và luật sư được gặp các bị cáo thì Lé, Lến thay đổi lời khai. Như vậy, các bị cáo đã vu khống điều tra viên nhằm chối tội, gây ảnh hưởng đến cơ quan bảo vệ pháp luật. Giải trình cũng cho rằng việc phản cung là có sự xúi giục của luật sư bào chữa nên kiến nghị xử lý luật sư tội vu khống.
Vấn đến này, các luật sư tham gia vụ án cho rằng cả ông Lến và ông Lé đều bị tạm giam nên nếu tiếp xúc với luật sư thì có cảnh sát canh giữ. Như vậy luật sư làm sao có thể xúi giục bị cáo điều gì.
Mới đây, điều tra viên Nguyễn Hoàng Quân bị Công an tỉnh Sóc Trăng giáng chức từ Đội trưởng xuống Đội phó và bị cách chức Đảng ủy viên, Bí thư chi bộ thuộc Đảng ủy Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an Sóc Trăng. Thiếu tá này bị kỷ luật vì liên quan đến vụ bắt oan 7 người ở huyện Trần Đề (Sóc Trăng) gây xôn xao dư luận cả nước.