Chuyện bi kịch và nghị lực của chàng trai mù dạy đàn
Từng vô tình bắn mẹ tử vong, rồi một lần quyên sinh bất thành, chàng trai trẻ, tài năng của núi rừng Trường Sơn đã vực dậy để mang tiếng đàn cho các em nhỏ trong bản làng.
>>Cô gái khiếm thị gốc Việt thi Vua đầu bếp Mỹ
>>Thần đồng ngoại ngữ mong sớm có người 'kế nhiệm'
>>Gặp kỷ lục gia châu Á 12 tuổi chơi 7 nhạc cụ
“Ở núi rừng này, không một chàng trai Cơtu nào vừa có tài chơi các loại nhạc cụ mà vừa có khả năng truyền đạt kinh nghiệm cho lớp trẻ như Blúp Âu đâu. Tài năng của nó đã khiến nhiều người dân say mê và thích thú”, già làng Blúp Ứ, ở thôn R’bhượp (xã Atiêng, huyện Tây Giang, Quảng Nam) nói như vậy.
Chính nhờ những tiếng đàn đã giúp Âu vững tin thêm vào cuộc sống. |
Tuổi thơ nghiệt ngã
Là con thứ 3 trong một gia đình có tới 9 anh chị em, từ nhỏ Blúp Âu là một đứa trẻ có tố chất thông minh, lanh lợi. Khi Âu được 3 tuổi, một trận dịch đau mắt hột tràn khắp vùng khiến nhiều người mắc phải.
Ông Blúp Yên, cha của Blúp Âu kể lại: “Thấy mắt của Âu bị đỏ, gia đình tôi đã tìm nhiều phương thuốc cổ truyền để chữa nhưng vẫn không có tác dụng. Vì nghĩ mật gấu có thể chữa lành bệnh nên mẹ Âu đã nhỏ mật vào mắt khiến nó bị mù hẳn”.
Kể từ đó, Blúp Âu luôn sống trong cảnh tối tăm, buồn tủi. Nỗi đau chưa dứt thì đến năm lên 10 tuổi, người mẹ của Âu lại vĩnh viễn ra đi vì sự sơ xuất của cha và sự vô tình của cậu.
Thời ấy, cha Âu có một khẩu súng thể thao để săn thú rừng. Hôm đó, ông săn được con sóc hai đuôi về để trên giàn bếp, còn khẩu súng đặt một bên. Vội vã đi họp thôn nên ông Blúp Yên quên tháo đạn.
Khi mẹ về tới nhà, Blúp Âu liền đến giàn bếp lấy con sóc để khoe với mẹ. Mò mẫm trong bóng tối, hai ngón tay cậu đã vô tình bóp cò, viên đạn ngang tầm găm thẳng vào ngực mẹ khiến bà gục ngã tại chỗ.
Nỗi ám ảnh về cái chết của người mẹ đã khiến Âu chịu bao lời cay đắng của miệng đời. Người ta đồn đại rằng, cậu bé Âu không nghe lời nên đã lấy súng bắn chết mẹ. Chính những lời ác ý đó đã khiến một chàng trai mù vốn bất hạnh lại càng buồn tủi, mất đi ý chí và niềm tin vào cuộc sống. Đã có lần Âu định tự tử nhưng bất thành do có người thân phát hiện.
Mẹ mất, cha phải gửi hai đứa em nhờ nhà ngoại nuôi. Từ đó, cậu chỉ biết làm bạn với chiếc radio. Thế rồi, cậu say mê âm nhạc, những bài hát dân ca, cải lương, nhất là những bài hát có đệm tiếng đàn guitar.
Chính người cha đã giúp Âu học cách thổi sáo, chơi đàn hai dây (loại đàn truyền thống của người Cơtu). Dù bị mù cả hai mắt nhưng với tinh thần ham học hỏi, chẳng bao lâu Blúp Âu đã chơi thành thục cả hai loại nhạc cụ này.
“Mắt không nhìn thấy được, mình chỉ biết lắng nghe từng nốt nhạc rồi dùng ngón tay gảy theo. Cuối cùng mình cũng làm được”, Blúp Âu tự hào kể.
Mỗi khi Âu cất lên tiếng đàn là hàng chục trẻ em vây kín, người già đang làm việc chốc chốc cũng dừng lại để nghe. Tiếng lành đồn xa, tài năng của chàng trai mù Blúp Âu đã vượt khỏi ngọn núi cao trước làng khiến nhiều thanh niên ở các vùng khác tìm đến, cùng Âu gảy đàn ca hát.
Tấm gương về sự nỗ lực trong cuộc sống
“Nó (tức Blúp Âu) bị mù mắt nhưng không “mù” tai, cả dân bản này ai cũng biết điều đó. Chính tiếng đàn của nó đã khiến mọi người mê mẩn. Bây giờ, dân bản yêu quý nó hơn là xa lánh”, già làng Blúp Ứ bộc bạch.
Hôm chúng tôi đến, bên mái Gươl (nhà sinh hoạt cộng đồng) của làng R’bhượp, Blúp Âu đang say sưa chơi đàn Organ trong vòng vây của hàng chục đứa trẻ nhỏ. Theo lời của già làng Blúp Ứ thì đó chính là lớp học dạy đàn của người thầy giáo mù Blúp Âu.
Cứ vào những ngày chủ nhật hay chiều tối mỗi ngày, Blúp Âu lại mang những cây đàn giutar, đàn organ, sáo, để cùng đám trẻ trong làng tập luyện trên nhà Gươl truyền thống.
Vừa nghe thầy giáo Âu chỉ dẫn, em Pơloong Lâm vừa đưa tay lướt qua phím cây đàn giutar một cách say sưa.
Em Lâm cho biết: “Mê tiếng đàn của thầy Âu nên em xin phép bố mẹ cho ra đây học tập vào mỗi buổi tối. Thầy Âu dạy rất giỏi lại miễn phí tiền học nên chúng em rất thích”.
Không được đào tạo bài bản nhưng với tấm lòng yêu trẻ và muốn truyền đạt kinh nghiệm của mình cho lớp trẻ trong thôn khiến thầy giáo mù Blúp Âu luôn hết mình cho công việc.
Ông Alăng Đài, trưởng thôn R’bhượp (xã Atiêng) tự hào: “Ở bản này, ai cũng xem Blúp Âu như một thầy giáo của bản. Bởi không chỉ giúp các em nhỏ học được cách đánh đàn mà quan trọng hơn, Âu đã giúp các em học được tình yêu buôn làng, niềm tin vào cuộc sống và nỗ lực học tập nên người để về phục vụ quê hương rừng núi của mình. Đó là tinh thần cao quý mà chúng tôi luôn ghi nhận ở chàng trai mù Blúp Âu”.
Theo Người Đưa tin