Sinh viên mua đề tố trưởng khoa bán đề - bản tin nhỏ lọt thỏm trên trang báo, lép vế nếu xét về lượng view so với chuyện đại gia này ngoại tình, thiếu gia kia “giải quyết nỗi buồn” ngay trên đường phố Hà Nội, ngôi sao nọ cặp với người có vợ…
Cũng có vài chục bạn đọc bức xúc lên tiếng, nhưng oái oăm thay, nhiều bình luận lại thản nhiên cho rằng, chuyện mua đề, bán điểm, đổi chác trong nhà trường thì có gì là mới, là sốc, ngược lại đó là chuyện thường ngày, chuyện “nhỏ như con thỏ”.
Tại địa bàn xảy ra vụ việc, bản tin cũng ít nhiều khuấy lên những lao xao, bàn tán… và rồi những tiếng thở dài vang lên: ôi dào, đầy ra đấy, đâu chẳng có… Còn lãnh đạo địa phương thì hình như chưa có động tĩnh, chỉ đạo gì hối thúc các cơ quan hữu quan vào cuộc xử lý rốt ráo vụ việc.
Không biết tự lúc nào, một chuyện bất thường lại trở thành bình thường để xã hội gần như mặc định và vô cảm với nó?
Đúng là “giao dịch” đề, điểm - tiền giữa thầy - trò đã thành chuyện xưa như trái đất. Ở nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp, không khó để thấy cảnh sinh viên râm ran bàn tán về giảng viên trước mỗi học kỳ, học phần: thầy này “dễ”, thầy kia “khó”. Họ điều nghiên rất kỹ. Thầy này thích rượu gì; cô kia thích thời trang, mỹ phẩm gì; số tài khoản của thầy cô ra sao…
Tất nhiên, không thể phủ nhận phần lớn giáo viên vẫn kiên tâm làm tròn chức phận trồng người của mình.
Nhưng việc những con sâu, giờ là bầy sâu, ngang nhiên mua bán, đổi chác điểm, đề thi đang làm vẩn đục, phá nát môi trường giáo dục, thậm chí biến những thầy cô kiên tâm kia thành những người bất thường.
Một giảng viên của một trường đại học lớn ở phía Bắc đã không ít lần thốt lên rằng, ông cảm thấy lạc lõng khi quyết định không nhận quà, tiền của sinh viên. Từ bao nhiêu năm nay, giảng viên này kiên trì với tuyên bố: “Hoa vào nhà, quà ở ngoài” mỗi khi sinh viên đến nhà chúc mừng ngày 20/11.
Mỗi khi hướng dẫn sinh viên làm nghiên cứu khoa học, khóa luận, luận văn tốt nghiệp, ông đều hẹn gặp tại văn phòng khoa để tránh những phiền toái liên quan tới tiền bạc, quà cáp.
Sinh viên, học viên hiểu thầy do truyền tai nhau từ thế hệ này qua thế hệ khác nên tuyệt đối không có chuyện bỏ quên bao thư trong cuốn khóa luận, luận văn tốt nghiệp hoặc bổ sung thêm ít tiền gọi là bồi dưỡng công sức ngồi hội đồng chấm luận văn thạc sĩ, tiến sĩ, ngoài phần kinh phí nhà trường chi trả.
Người thầy đó đã làm chuyện bình thường nhưng trong con mắt của nhiều người, ông trở thành bất thường!
Thế nhưng, dứt khoát không thể coi việc mua bán, đổi chác đề - điểm trong nhà trường là chuyện bình thường vì giáo dục hướng đến đối tượng đặc biệt, với sứ mệnh đặc biệt.
Đó là cùng với gia đình, xã hội, ngành giáo dục góp phần quan trọng đào tạo con người có đủ năng lực để đảm đương được ba yếu tố mà bất cứ ai cũng phải trải qua: làm người (con người có văn hóa, có giáo dục), làm nghề (công việc để tồn tại, sinh sống) và làm công dân (am hiểu, tuân thủ pháp luật, văn hóa, phong tục tập quán…).
Do đó, thật xót xa, nguy hiểm khi phớt lờ, “mũ ni che tai” trước vấn nạn mua đề, bán điểm! Vì, như Albert Einstein từng nói, đại ý: Xã hội nguy hiểm không phải vì cái xấu mà nguy hiểm vì người ta thấy cái xấu nhưng làm ngơ!