Điều dưỡng Đặng Lê Thùy Nguyên, khoa Thận Niệu, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM). Ảnh: L.T. |
Đón tôi sau hơn 24 giờ trực tại khoa Thận Niệu, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), ánh mắt điều dưỡng Đặng Lê Thùy Nguyên (30 tuổi) vẫn lấp lánh ánh cười tươi tắn sau lớp khẩu trang.
“24 giờ trực cũng bình thường, bọn mình quen rồi”, nữ điều dưỡng tươi tắn nói.
Từ nhỏ, Nguyên có sức khỏe không tốt, số lần cùng mẹ ra vào bệnh viện không đếm xuể. Mỗi lần được các cô điều dưỡng chăm sóc, ân cần và dỗ dành đã khiến cô bé Thùy Nguyên lấp lánh ước mơ được khoác áo blouse hay những bộ scrubs xanh màu hy vọng.
“Những lần ra vào viện như cơm bữa khiến tôi thân thiết với các cô điều dưỡng. Với tôi, các cô như thiên thần áo trắng luôn giúp đỡ tôi và mẹ mỗi khi cần. Ấn tượng đó theo tôi mãi đến khi tôi chuẩn bị lên đại học. Và cứ thế, tôi đăng ký học và theo nghề điều dưỡng cho đến bây giờ”, Nguyên kể.
Nhớ mãi ngày trực đầu tiên
Tính đến nay, Thùy Nguyên đã có 8 năm làm điều dưỡng, trong đó 7 năm công tác tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM).
Ngày mới làm việc, nữ điều dưỡng được phân công làm việc tại khoa Cấp cứu. Khối lượng công việc lớn cộng thêm với việc chưa quen nhịp độ công việc khẩn trương khiến cô gần như kiệt sức sau mỗi ca trực.
“Tại thời điểm đó, mỗi lần kết thúc ca trực, tôi như cái bóng vật vờ vì mệt. Thậm chí, có lần, vì quá mệt, tôi đã ngủ gật và không làm chủ được tay lái trong khi chạy xe từ bệnh viện về nhà. May mắn là lần đó tôi cũng không sao, chỉ xây xát nhẹ”, cô kể.
Biết rằng đã chọn nghề là phải tập quen với công việc và chấp nhận hy sinh nhiều thứ, cô vẫn không khỏi hoang mang khi lần đầu tiên chạm vào cơ thể thi hài một em bé qua đời vì bệnh nặng.
Thời điểm đó, cô gái trẻ được giao công việc lau người, vệ sinh cho em bé gọn gàng, sạch sẽ trước trước khi trả về để gia đình lo hậu sự. Nguyên vừa làm việc, vừa run run vì cảm xúc đau xót lạ lẫm.
"Sau đó, nhờ sự động viên của đồng nghiệp, tôi xốc lại tinh thần và cố gắng làm tròn nhiệm vụ của mình, giúp người nhà bệnh nhi chuẩn bị hậu sự tiễn bé đoạn đường cuối cùng", nữ điều dưỡng kể.
Sự việc này khiến Nguyên ám ảnh một thời gian sau đó. Tuy nhiên, khi đã tiếp xúc đủ nhiều, nữ điều dưỡng cũng dần dày dạn hơn với những tình huống xảy ra trong môi trường làm việc.
Làm việc nhiều, tiếp xúc với những trẻ không may mắc bệnh nặng, Nguyên dần dần yêu thương các em như chính người thân.
“Kể cả những lúc bình thường nhất, tôi vẫn luôn tâm niệm bệnh nhi như người nhà để mà đối đãi, yêu thương các con”, Nguyên nói.
Và tinh thần làm việc này đã được cô duy trì từ những ngày đầu làm nghề cho đến nay.
Áp lực của điều dưỡng không đến từ công việc
Sau 6 tháng làm việc tại khoa Cấp cứu, Nguyên được chuyển qua làm việc tại khoa Thận Niệu của Bệnh viện Nhi đồng 2. Dù có tính chất khác môi trường cấp cứu, khối lượng công việc cũng nhiều không kém và dàn trải cả ngày.
Tuy nhiên, với Nguyên, điều khiến cô áp lực nhất là khi đối mặt với thái độ muôn hình vạn trạng từ người nhà bệnh nhi.
Thay băng cho bệnh nhi là một trong số những công việc hàng ngày phải làm của Nguyên. Ảnh: L.T. |
Nguyên từng gặp trường hợp xảy ra trong ca trực đêm, một bệnh nhi với vết thương da quy đầu đã cầm máu nhưng vẫn khóc dữ dội.
Thời điểm đó, bác sĩ trong ca trực đang bận mổ cho một bé, bác sĩ khác được tăng cường đang trên đường xuống khám cho bé. Dù đã cố gắng giải thích rõ với người nhà, cô vẫn bị thân nhân bệnh nhi quát mắng to tiếng, gây sức ép.
“Tôi hiểu tâm lý phụ huynh vì quá lo lắng cho con nên mới không kiềm chế được và hành xử như vậy nên chỉ biết cố gắng xử lý mọi việc tốt nhất có thể”, Nguyên bộc bạch. Nhưng đôi khi, những điều dưỡng như Nguyên vẫn chạnh lòng và mong muốn sự thấu hiểu hơn từ người nhà bệnh nhi.
“Chúng tôi cũng như các bậc phụ huynh, đều cố gắng vì một mục tiêu chung là giúp tình trạng của các con tốt lên. Nên rất mong các ba mẹ có thể bình tĩnh và hiểu cho nhân viên y tế để chúng tôi có thể làm việc tốt nhất có thể cho các bé”, nữ điều dưỡng bày tỏ.
“Thân nhân bệnh nhi đa số đều hiểu và tôn trọng công việc của chúng tôi. Đó cũng là một phần an ủi giúp chúng tôi hoàn thành thật tốt nhiệm vụ của mình”, Nguyên nói.
Theo Thùy Nguyên, 3 điều quan trọng nhất làm nên một người điều dưỡng tốt là lòng yêu nghề, tính cẩn thận và sự biết lắng nghe. Trong đó, cô nhận thấy điều quan trọng nhất là mình biết lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp, thân nhân và cả bệnh nhi để có thể có cách trao đổi, nói chuyện tốt nhất với từng trường hợp.
Điều dưỡng Thùy Nguyên (bên trái) cùng đồng nghiệp. Ảnh: NVCC. |
Với nữ điều dưỡng, niềm vui của cô là hàng ngày chăm sóc, nói chuyện và chứng kiến các bệnh nhi khỏi bệnh. Niềm vui ấy có thể đến từ nụ cười, lời chào của các bé mỗi khi gặp hoặc cũng có thể đến từ những lá thư tay bệnh nhi gửi đến khoa.
“Mấy năm trước, tôi có chăm sóc trực tiếp cho một bé trai mới 10 tuổi. Sau thời gian điều trị và xuất viện, bé tự tay viết thư cảm ơn gửi đến các bác sĩ điều trị, các cô điều dưỡng, hộ lý, tạp vụ… Đó là một trong những điều đặc biệt đáng yêu mà tôi nhận được trong quãng thời gian làm nghề của mình”, cô tâm sự.
Dù bận bịu, Thùy Nguyên vẫn thường xuyên tham gia các khóa đào tạo chuyên môn cho điều dưỡng hay các hoạt động đoàn, hội, các phong trào do bệnh viện tổ chức.
Sau 24 giờ thức trắng, ánh mắt nữ điều dưỡng vẫn lấp lánh và tỏa nguồn năng lượng khỏe khoắn. Trót yêu thích và gắn bó với nghề "làm dâu trăm họ", Nguyên vẫn nỗ lực phát triển bản thân từng ngày, bởi hơn bất cứ ngành nghề nào, sự yêu thương mà những điều dưỡng nhi mang đến cho trẻ em nhiều vô kể.
Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách Câu chuyện từ trái tim - BS Nguyễn Lân Hiếu.
Câu chuyện từ trái tim của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu là tập hợp những ghi chép về các vấn đề thời sự xã hội, từ y tế, giáo dục đến môi trường, thể hiện trăn trở của tác giả trong các vấn đề xã hội.
Với văn phong nhẹ nhàng nhưng ngắn gọn do được ông viết trong khoảng thời gian giữa những ca mổ, cuốn sách như một giãi bày về nghề y, về trái tim người thầy thuốc và trái tim của bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân tim mạch.