Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyện cảm động của nữ sinh đi thi ĐH từ chùa

Lan Anh có bố mẹ. Nhưng họ lại gửi em nhờ nhà chùa cưu mang. 4 năm qua đi thật nhanh. Em giờ đã là cô trò giỏi. Và không còn những tháng ngày khóc ròng vì buồn tủi, xót xa cho số phận nữa.

Chuyện cảm động của nữ sinh đi thi ĐH từ chùa

Lan Anh có bố mẹ. Nhưng họ lại gửi em nhờ nhà chùa cưu mang. 4 năm qua đi thật nhanh. Em giờ đã là cô trò giỏi. Và không còn những tháng ngày khóc ròng vì buồn tủi, xót xa cho số phận nữa.

Lan Anh miệt mài ôn luyện, chuẩn bị cho kỳ thi ĐH sắp tới. Ước mơ của em là đỗ vào trường ĐH sư phạm Hà Nội.

Học lớp 12 nhưng nhìn Lan Anh nhỏ bé, gầy gò hơn hẳn các bạn trong lớp người Hà Nội. Bác Hiền (cùng quê Phú Thọ với em) hiện cũng nương tựa ở chùa Bồ Đề, Hà Nội gần 5 năm tâm sự: “Buổi tối hôm Lan Anh được nhà đưa xuống đây trời mưa rả rích. Họ (dì em-PV) ngồi một lát rồi về luôn. Phải đến 1 tuần sau Lan Anh chỉ có khóc mà không buồn ăn cơm”.

Thấy Lan Anh bê cơm đến chỗ mình ăn, bác Hiền đưa tay lau vội giọt nước mắt lăn dài trên gò má rồi lại cười: “Giờ thì nó khá hơn nhiều rồi. Vừa ngoan, học giỏi lại rất khiêm tốn nữa”. Nói xong bác nhấc cái chân tập tễnh đứng dậy, sang bế một cậu bé khác đang nô đùa ở ngoài sân chùa dỗ dành ăn bữa cơm buổi trưa.

Lan Anh ngồi cạnh tôi, giọng nhỏ nhẹ, nhiều khi ngắt quãng vì xúc động. “Bố và mẹ chia tay khi em còn nhỏ. Em ở với dì đến năm lớp 8 thì chuyển xuống chùa Bồ Đề. Cũng vì bố dì nghèo quá nên mới phải làm vậy. Bố và dì cũng chỉ có mình em thôi.

Mẹ giờ ở xa nhà bố lắm. Mẹ gần 50 tuổi rồi, giờ ở một mình và cũng nghèo. Nhưng, nếu được lựa chọn, em muốn về với mẹ”. Em kể vắn tắt, tránh không trả lời lý do vì sao bố mẹ chia tay. Trong nỗi buồn, sự hụt hẫng của một đứa trẻ bị bỏ rơi nhưng Lan Anh không một đôi lời trách móc ai.

4 năm em ở dưới Hà Nội, nhà gần như không ai xuống thăm. Mẹ vì khó khăn cũng chỉ một đôi lần xuống gặp con. Mẹ ngồi, mắt âu yếm nhìn Lan Anh. Mẹ vuốt tóc con gái, đưa cho con đôi tấm áo mới mẹ dành dụm tiền mua. Còn em chỉ biết gục vào mẹ, khóc.

Lần duy nhất em nói thật, nói hết những điều về mẹ là ở bài văn viết về người thân gửi riêng cho cô giáo dạy văn năm lớp 10. Bài cô không chấm. Nó như cầu nối để cô trò hiểu nhau hơn.

Trong câu chuyện với tôi, Lan Anh muốn nói nhiều hơn về sư thầy Thích Đàm Lan người đã hết lòng đón nhận và yêu thương em dưới mái chùa Bồ Đề.

“Em còn nhớ buổi đầu xuống với chùa, khóc nhiều lắm. Sư bà vỗ về và kể cho em nghe chuyện những đứa trẻ bị bỏ rơi ở đây. Rằng em còn may mắn hơn nhiều em vì chân tay lành lặn, có một nơi để dù đi xa vẫn có thể nhớ về đấy là bố là mẹ là dì em. Dẫu quá khứ có đôi chút buồn. Sư bà khuyên em cố gắng sống, tận dụng những may mắn ấy để trở thành con người có ích”.

Từ ngày xuống Hà Nội, Lan Anh được tạo điều kiện cho đi học. Ba năm học THPT tại trường THPT Vạn Xuân (quận Long Biên) thì 2 năm lớp 10 và 12 em là học sinh giỏi, lớp 11 là học sinh khá. Bạn bè và thầy cô không những không xa lánh mà còn dành cho Lan Anh sự quý mến, trân trọng.

Bác Hiền bật mí: “Lan Anh rất khiêm tốn. Suốt 3 năm em nó đều là lớp trưởng, gương mẫu đi đầu trong hoạt động. Trường lớp và nhiều doanh nghiệp thường xuyên sang chùa gặp, động viên cháu. Vậy mà hễ ai hỏi cũng bảo cháu học dốt, không có gì đâu.

Hồi Lan Anh lên lớp 10, có một cô người Hà Nội sang chùa thăm và cho tiền các em nhỏ. Tất cả đều nhận. Lan Anh chỉ cười, nói cảm ơn và xin không nhận tiền. Cô ấy thấy vậy rất quý, đã hỏi sư thầy Thích Đàm Lan nhận em về nuôi ăn học. Nhưng ý Lan Anh và sư thầy muốn cháu bình yên nơi cửa phật nên đã từ chối”.

Hỏi em ngoài học còn thích làm gì, cô trò nhỏ nở nụ cười: “Em muốn đi học võ để sau này không ai bắt nạt em được”. Còn mơ ước lớn nhất của cô bạn là trở thành một giáo viên giỏi để giúp được nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn như chính bản thân mình đã trải qua.

Học giỏi các môn khối D, đặc biệt là tiếng Anh, sắp tới Lan Anh sẽ thi vào ngành Sư phạm tiếng Anh trường ĐH sư phạm Hà Nội.

Theo Vietnamnet

Theo Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm